Coi trọng công tác an toàn
Theo Quyêt định số 4293/QĐ-BCT, ngày 28/10/2016 của Bộ Công Thương, hướng dẫn về phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí Quốc gia về XDNTM giai đoạn 2016 – 2020, nêu rõ: Xã đạt chuẩn nông thôn mới về điện phải đạt tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bao gồm: Phải có hệ thống điện đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và phải đạt tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.
Ông Nguyễn Văn Nhất, Trưởng phòng an toàn (Công ty Điện lực Thái Nguyên), cho biết: Vấn đề an toàn điện có 2 mảng chính, một là, an toàn đối với cán bộ, công nhân ngành điện; hai là, an toàn đối với nhân dân. Trong vấn đề đảm bảo an toàn điện đối với cán bộ, công nhân viên hoạt động trên lưới, những năm gần đây, Tổng công ty Điện lực miền Bắc rất chú trọng; chúng tôi đã áp dụng phần mềm ECB vào giám sát, quản lý.
Kiểm soát bằng phần mềm ECB là kiểm soát tự động trên toàn hệ thống của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; việc cấp lệnh công tác, cấp phiếu thao tác đều thực hiện trên chương trình phần mềm, rất thuận lợi và dễ giám sát; các bước liên quan đến công tác an toàn được giám sát rất chặt chẽ.
“Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chung tay bảo vệ lưới điện. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phát khoảng 32.000 tờ rơi và khoảng 2.400 cuốn cẩm nang an toàn điện cho nhân dân; đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng các phóng sự tuyên truyền về sự nguy hiểm khi vi phạm hành lang lưới điện,...”, ông Nguyễn Văn Nhất cho hay.
Đẩy mạnh đầu tư
Năm 2019, ngành điện đã thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp lưới điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm nâng cao chất lượng điện năng, phục vụ nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân với tổng vốn đầu tư trong năm là 545 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Điện lực Thái Nguyên được Tổng công ty giao hoàn thành 9 công trình chuyển tiếp và giao danh mục khởi công 23 dự án (21 dự án điện và 2 dự án đường truyền cáp quang) với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công tác quản lý, năm 2019, tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn công ty đạt hơn 4,8 tỷ kWh, tăng 2% so với năm 2018. Mặc dù tăng trưởng thấp nhưng sản lượng điện thương phẩm của PC Thái Nguyên hiện vẫn đứng thứ 4 trong EVNNPC, chỉ sau PC Bắc Ninh, PC Hải Phòng và PC Hải Dương. Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất điện năng của công ty hiện ở mức thấp, chỉ còn 3,23%, giảm 0,32% so với năm trước; Giá bán điện bình quân là 1.661,87 đồng/kWh, tăng 88,16 đồng so với cùng kỳ; Tổng doanh thu đạt trên 8.000 tỷ đồng; tỷ lệ thu nộp tiền điện đạt 99,99%…
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Tân Lợi (huyện Đồng Hỷ) là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn với 429 hộ nghèo, 202 hộ cận nghèo. Không có điện lưới quốc gia, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ khi có chủ trương của tỉnh Thái Nguyên về việc quan tâm đưa lưới điện về các khu vực vùng sâu, vùng xa, ngành Điện Thái Nguyên đã đầu tư và bằng nhiều giải pháp tích cực để đưa ánh sáng điện về với Tân Lợi. Và từ đây, cuộc sống của người dân Tân Lợi đã thay đổi.
Ông Đỗ Hồng Linh (Cụm Ngàn Me, xã Tân Lợi) phấn khởi cho biết. “Nhờ ơn Đảng, Chính phủ đưa điện lưới quốc gia về đã đáp ứng nhu cầu làm ăn kinh tế của người dân. Bà con khu vực cụm Ngàn Me sẽ phát triển cây chè, trồng rừng và chế biến các sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh”.
Điện lưới quốc gia về với thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là động lực cho việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và an toàn trật tự xã hội.
Đây cũng là điều kiện tiên quyết nhằm đẩy nhanh công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển vùng và giữa các vùng theo hướng bền vững. Việc đưa điện về thôn bản là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược “Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, góp phần hoàn thành tiêu chí về điện trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Ma Đình Chung, Phó Giám đốc Điện lực Đại Từ, chia sẻ: Đại Từ là huyện miền núi, địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực thưa dân cư, địa hình hiểm trở dẫn tới việc cải thiện chất lượng điện và việc kiểm tra vận hành lưới điện nơi đây luôn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc phân bố phụ tải không đồng đều chủ yếu tập trung tại các trung tâm xã và thị trấn nên một số các TBA khu vực trung tâm thường bị quá tải vào các giờ cao điểm,...
Trước kia, lưới điện trung áp cấp cho huyện Đại Từ là lưới điện 35kV độc đạo cấp từ Quán Triều, độ tin cậy cung cấp điện không cao, nhất là khi trời có giông sét, thường xuyên bị mất điện. Năm 2017, được sự quan tâm của Công ty Điện lực Thái Nguyên, của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Đại Từ đã được đầu tư 01 trạm biến áp 110kV, với công suất 40MVA và được đầu tư cải tạo các tuyến trung áp sau trạm 110kV.
Bên cạnh đó, việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường dây hạ thế cũng được đầu tư mạnh mẽ; năm 2017 đầu tư 8 trạm biến áp; năm 2018 đầu tư 14 trạm biến áp, năm 2019 đầu tư 18 trạm biến áp, nâng tổng mức đầu tư 03 năm (2017 – 2019) lên gần 300 tỷ đồng. Ngoài ra, Điện lực Đại Từ còn luôn sát cánh cùng chính quyền các xã, thị trấn và nhân dân địa phương, kịp thời di chuyển những cột điện, trụ điện tạo hành lang thông thoáng để mở đường, xây rãnh thoát nước,...
Theo báo cáo Tổng kết 10 năm XDNTM của huyện Đại từ, có nêu: Trong 10 năm, ngành điện đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 43 trạm biến áp và 301 km đường dây tải điện, tới nay 100% số xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành tiêu chí điện.
Đến nay, Thái Nguyên đã có 139/139 xã đạt tiêu chí về điện; tổng số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia trong toàn tỉnh là 239.293/239.399 hộ, đạt 99,96%; số xóm, bản có điện lưới quốc gia trong toàn tỉnh là 2.237/2.238, đạt 99,95%. Lưới điện nông thôn đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Hy vọng thời gian tới, những phần trăm ít ỏi còn lại trong dân, trong xóm, bản sẽ được PC Thái Nguyên nhanh chóng lấp đầy, mang lại cuộc sống tiện ích hơn cho nhân dân trong tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã