Hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc Dao
Những năm gần đây, xã Hồ Thầu (Tam Đường) thử nghiệm và có những thành công bước đầu trong việc nuôi cá nước lạnh, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc Dao.
Bà Tẩn Thị Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: “Hồ Thầu là địa phương có địa hình đồi núi dốc, khí hậu mát mẻ, nhiều khe, suối, thuận lợi để nuôi các loài cá nước lạnh, trong đó các loại cá có giá trị cao như: cá hồi, cá tầm. Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã nuôi thử nghiệm và bước đầu thành công với mô hình nuôi cá hồi. Hiện nay, toàn xã có 4 hộ nuôi cá với số lượng 16 bể. Nuôi cá nước lạnh mang lại nguồn thu nhập cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn”.
Giữa tháng 8 vừa qua, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá nước lạnh của gia đình anh Chảo A San ở bản Rừng Ổi Khèo Thầu. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước quy mô chăn nuôi khoa học của gia đình anh, các bể cá được thiết kế bài bản với hệ thống dẫn nước trực tiếp từ suối vào bể. Được tận mắt nhìn hàng nghìn con cá tung tăng bơi lội thật mãn nhãn. Qua câu chuyện với anh San, chúng tôi được biết, anh học hỏi kỹ thuật nuôi cá hồi từ một người bạn ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), năm 2019, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm cá hồi với quy mô 2 bể cá tại bản Phô Hồ Thầu.
Việc chọn giống cá được anh làm rất kỹ lưỡng, anh mua giống trực tiếp từ Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh thị xã Sa Pa vì đây không chỉ là cơ sở cung cấp nguồn cá giống đảm bảo chất lượng mà quãng đường vận chuyển cá từ trung tâm về trang trại của gia đình lại không quá xa. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ, nguồn nước suối trong sạch cùng với tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chăm sóc, đàn cá hồi của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2020, gia đình anh xuất lứa đầu tiên được hơn 1 tấn cá, nhờ nguồn nước sạch, khí hậu mát mẻ nên chất lượng cá thơm ngon, thịt cá hồi có màu cam đỏ trông rất bắt mắt, lứa cá này anh thu được hơn 200 triệu đồng.
Niềm vui thắng lợi trong vụ đầu tiên chính là động lực để anh mở rộng quy mô nuôi cá hồi và bắt đầu nuôi thử nghiệm cá tầm. Anh quyết định xây thêm 3 bể để phát triển mô hình nuôi cá. Anh nhập 5.000 con cá giống, trong đó 1.000 con cá tầm, 4.000 con cá hồi với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/con để thả, nhờ khí hậu mát mẻ, nguồn nước sạch nên tỷ lệ sống của cá lên đến 90%. Sau hơn 2 năm nuôi cá nước lạnh, anh San nhận thấy cá hồi, cá tầm phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước ở địa phương.
Hàng ngày, anh cho cá ăn trung bình 3 lần (sáng, trưa, tối), vào những ngày trời râm mát sẽ tăng thêm từ 1 - 2 lần vì khi trời râm khả năng tiêu hóa của cá sẽ tốt hơn. Cá hồi là loài cá ưa nhiệt độ mát mẻ, nhiệt độ phù hợp cho cá sinh trưởng và phát triển từ 18 - 20oC, khi trời nắng cá sẽ tiêu hóa kém dẫn tới kém phát triển. Vì vậy, gia đình anh sử dụng lưới đen để che cho cá. Ngoài ra để cung cấp đủ chất dinh dưỡng, gia đình anh sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm và chất béo cao, chuyên dùng cho cá hồi. Cá nuôi từ 8 - 12 tháng, khi trọng lượng đạt từ 1,5kg trở lên thì xuất bán.
Anh Chảo A San chia sẻ: “Năm 2020, gia đình tôi xuất lứa cá đầu tiên khá thành công, cá được giá, cho thu nhập cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, gia đình tôi xuất được 1,4 tấn cá, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra không ổn định, giá thành thấp hơn so với năm trước, bán đổ với giá 130.000 - 150.000 đồng/kg. Nuôi cá hồi, cá tầm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cá khác. Tôi mong muốn dịch bệnh được kiểm soát để người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế”.
Cách trang trại của anh San không xa là mô hình nuôi cá hồi của anh Phàn A Páo (ở bản Rừng Ổi Khèo Thầu). Thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi cá nước lạnh của một số hộ dân trên địa bàn, cuối năm 2020 anh Páo mạnh dạn xây 6 bể, diện tích 30m2/bể để nuôi cá hồi. Bể nuôi được anh đổ bê tông phẳng, bố trí hệ thống ống dẫn phi 200 và phi 160 để dẫn nước từ suối trực tiếp vào bể, đảm bảo nguồn nước lưu thông liên tục. Anh Páo mua 7.000 con cá giống, phân chia đều vào 6 bể cá.
Để cá sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài quan tâm đến chế độ dinh dưỡng anh Páo còn đặc biệt chú trọng đến việc phòng trừ dịch bệnh cho cá. Anh thường xuyên theo dõi, kiểm tra những biểu hiện khác thường của cá, khi cá bỏ ăn anh chọn một vài con cá có biểu hiện bệnh và nhanh chóng mang tới Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh thị xã Sa Pa xem cá bị mắc bệnh gì để mua thuốc chữa trị kịp thời. Nhờ chăm sóc chu đáo cùng với phòng bệnh hợp lý, đàn cá của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, hiện nay cá đạt trọng lượng từ 1 - 1,2kg.
Anh Phàn A Páo phấn khởi chia sẻ: “Đây là lứa đầu tiên nuôi cá hồi nên tôi thường xuyên học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh từ những hộ nuôi trước để có kinh nghiệm áp dụng vào nuôi cá tại gia đình. Đến nay, cá mạnh khỏe, phát triển tốt, dự kiến tháng 9 sẽ xuất bán. Hy vọng rằng, lứa cá đầu tiên sẽ cho năng suất, chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình”.
Bộ đội nuôi cá nước lạnh
Triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, trong đó có mô hình nuôi cá nước lạnh, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Xí nghiệp 56 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu II) đã trở thành những người lính tiên phong trong phát triển kinh tế.
Bể nuôi cá nước lạnh của Đội sản xuất kinh doanh tổng hợp số 2 (Xí nghiệp 56, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356). Ảnh: Báo Lai Châu.
Dẫn chúng tôi đi thăm các bể cá, thiếu tá Chu Văn Thứ - Đội trưởng Đội sản xuất kinh doanh tổng hợp số 2 (Xí nghiệp 56) phụ trách chính việc nuôi cá ở đây cho biết: “Năm 2011, mô hình nuôi cá nước lạnh bắt đầu được triển khai. Lúc ấy, toàn bộ khu vực bể nuôi cá là ruộng bậc thang. Để có những bể cá đẹp, liền kề, đảm bảo điều kiện nuôi như bây giờ, cán bộ, nhân viên Xí nghiệp phải mất rất nhiều công rời đá, làm bể, dẫn nước từ suối về”.
Xí nghiệp cũng cử cán bộ, nhân viên sang Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (tỉnh Lào Cai) tập huấn gần 2 tháng để lĩnh hội kiến thức về chọn giống, chăm sóc, mật độ nuôi thả cá tầm, cá hồi cho phù hợp… Trải qua quá trình vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, việc nuôi cá nước lạnh dần trở nên hiệu quả. Cá phát triển tốt, cho trọng lượng trung bình từ 1,6-1,8kg/con (cá hồi), 3kg/con (cá tầm), chất lượng thịt ngon, giàu thành phần dinh dưỡng, được khách hàng gần xa tin tưởng đặt mua.
Niềm vui khi đứng vững trên thị trường cùng nhu cầu tiêu thụ cá tăng khích lệ Xí nghiệp 56 mở rộng quy mô nuôi cá (thêm 2 bể cá thương phẩm, 1 bể chứa, 1 bể nuôi cá con). Giờ đây, Xí nghiệp có 7 bể nuôi cá thương phẩm tổng diện tích 350m2; 4 bể nuôi cá con diện tích 100m2; 2 bể chứa nước (52m3) cung cấp cho toàn bộ hệ thống. Sản lượng cá vì thế cũng tăng theo. Riêng năm 2020 sản lượng cá đạt 4 tấn (tăng gần 1 tấn so với 2019), tổng doanh thu lên đến 800 triệu đồng.
Gần đây, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng cá tại các nhà hàng lớn giảm, việc xuất cá ra thị trường gặp khó khăn, giá thành hạ. Ví như giá cá hồi, năm 2019 có giá 240.000 đồng/kg thì năm 2020 giảm xuống còn 200.000 đồng/kg, năm 2021 tiếp tục giảm còn 170.000 đồng/kg. Tưởng rằng khó khăn làm ảnh hưởng đến tinh thần người lính nhưng ngược lại, các anh càng cố gắng nhiều hơn. Cấp ủy chi bộ, Ban Giám đốc Xí nghiệp chủ động vào cuộc bàn cách tháo gỡ khó khăn. Một mặt các anh bán đổ cá cho các đầu mối, mặt khác sử dụng lợi thế mạng xã hội quảng bá sản phẩm, bán lẻ cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Để thu hút khách hàng, Xí nghiệp còn đa dạng sản phẩm bán ra thị trường thông qua việc bán cá cắt khúc, cá phi lê hay bán ruốc cá hồi với giá thành phải chăng. Với sự nỗ lực đó, từ đầu năm đến nay, Xí nghiệp đã bán được 1,5 tấn cá thương phẩm, trị giá 240 triệu đồng. Hiện, các bể còn 1 tấn cá thương phẩm, 3 tấn cá choai, 1,7 tấn cá con.
Điều đáng quý là mô hình nuôi cá nước lạnh đã trở thành địa điểm tốt để nhiều đoàn công tác, Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 6 đoàn cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh với tổng số 50 người đến thăm quan, học hỏi. Mô hình cũng là minh chứng để truyền cảm hứng vượt khó cho Nhân dân địa phương học tập.
Anh Vàng A Sử (bản Cò Ký, xã Tung Qua Lìn) chia sẻ: “Gia đình tôi có diện tích đất nương gần suối, biết các anh bộ đội nuôi thành công mô hình cá nước lạnh, nhiều lần tôi đến học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn gia đình chưa có điều kiện triển khai ngay nên chúng tôi cố gắng thực hiện từng bước bằng việc phát triển kinh tế từ bán hàng tạp hóa, trồng thảo quả, làm máy xát… tích lũy vốn sau này nuôi cá. Các anh bộ đội giúp tôi và nhiều bà con khác hiểu nếu cố gắng thì dù có khó khăn đến mấy “đất cằn vẫn có thể nở hoa”. Chúng tôi có niềm tin vươn lên trong cuộc sống”.
Theo chia sẻ của anh Thứ, trong quy trình chăm sóc cá, nhiệt độ lý tưởng để cá nước lạnh phát triển là từ 8-15 độ C, cao nhất không quá 22 độ C. Trong khi thực tế khi vào đỉnh điểm mùa hè, nhiệt độ khu vực nuôi cá đôi lúc tăng cao hơn so với trước đây. Do đó, trong chiến lược kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021, Xí nghiệp 56 có sự đổi mới. Thay vì chỉ nuôi chủ yếu cá hồi (chiếm 90% tổng số lượng cá) như trước, Xí nghiệp chuyển sang nuôi 50% cá hồi, 50% cá tầm (cá tầm có thể sống ở nhiệt độ cao hơn cá hồi). Bên cạnh đó, Xí nghiệp không nhập cá tầm giống có trọng lượng trên 1kg/con mà trong cuối tháng 7/2021 sẽ nhập giống cá nhỏ hơn (12-13 con/kg). Về đầu ra cho sản phẩm, Xí nghiệp dự kiến phối hợp với Công ty Song Hy (tỉnh Lào Cai) và các trang trại cá nước lạnh khác thống nhất về giá bán, cùng xuất sản phẩm về các tỉnh, thành trong cả nước, phấn đấu đến cuối năm nay xuất 3-5 tấn cá thương phẩm.
Đổi mới để chiếm lĩnh thị trường
Từ trục đường quốc lộ 4D (đoạn đầu thị trấn Phong Thổ), chúng tôi đi theo biển chỉ dẫn, qua khu vực khai thác đá, men theo tuyến đường nhỏ xen lẫn với lối vào nhà của một vài hộ dân thì đến được HTX Dương Yến. Khác với hình dung ban đầu về một khu vực nhỏ, hẻo lánh, HTX xuất hiện với không gian rộng, mát mẻ, thoáng đãng, không khí trong lành. Những gian nhà đón khách được thiết kế xây dựng theo hình vòng cung, ôm trọn diện tích đất của HTX và đều có hướng nhìn chung là quay về khu vực nuôi cá tầm, cá hồi - nơi được coi là trái tim của HTX.
Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên, anh Hoàng Đăng Bình - Chủ nhiệm HTX Dương Yến cho biết: “Tôi từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa. Khi kết hôn với vợ tôi là cô giáo làm việc tại xã Bản Lang, tôi sang huyện Phong Thổ nhiều hơn. Tình cờ tôi phát hiện dải đất (3.000m2) đầu thôn Thống Nhất khí hậu mát mẻ, nguồn nước mát lành, rất phù hợp nuôi cá tầm, cá hồi. Hơn nữa, nơi đây thuộc thị trấn Phong Thổ, tiếp giáp xã Mường So (là trung tâm vùng thấp huyện Phong Thổ), cách thành phố Lai Châu chưa đầy 30km, việc đi lại, cơ hội bán hàng lớn nên tôi đã mua lại. Tháng 11/2017, vợ chồng tôi bắt đầu nuôi cá với quy mô nhỏ theo hình thức hộ gia đình, đến đầu năm 2020 tôi quyết định mở rộng kinh doanh thông qua thành lập HTX với 7 thành viên, tổng vốn điều lệ 4 tỷ đồng”.
Khởi nghiệp vốn đã khó (do thiếu vốn, không có điện, cơ sở vật chất chưa có), gặp thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp thì hoạt động càng khó khăn hơn. Ấy vậy nhưng với sự quyết tâm, đồng nhất về quan điểm của cả tập thể, HTX đã nhập giống tốt, mở rộng từ 9 bể nuôi cá thành 10 bể. Các bể cá xây dựng theo hình chữ nhật, có diện tích trung bình 45-50m2. Mỗi bể có lắp đặt hệ thống ống dẫn nước ra vào thường xuyên. Cá được chăm sóc theo đúng quy trình, thức ăn nhập khẩu từ nước ngoài (Hà Lan, Pháp), đảm bảo chất lượng, phát triển tốt. Cá tầm nuôi từ 1,5-2 năm cho trọng lượng 2,2-2,5kg/con. Cá hồi nuôi từ 10-12 tháng cho trọng lượng khoảng 1,2kg/con.
Theo chia sẻ của anh Bình, yếu tố được HTX coi trọng nhất trong quá trình kinh doanh chính là chất lượng cá phải ngon, sạch, chăn nuôi đảm bảo môi trường. Qua thực tế chăn nuôi, cá hồi của HTX cho thịt đỏ hơn, cá tầm ít mỡ, không ngấy như một số nơi khác, cung cấp nhiều dinh dưỡng nhất là lượng đạm cho người thưởng thức. Về sản lượng cá của HTX, trung bình mỗi năm đạt 15 tấn. Cung cấp nguyên liệu chế biến thường xuyên cho các nhà hàng ở huyện Phong Thổ và tỉnh Điện Biên.
Ngoài ra, tận dụng mạng xã hội, thành viên HTX còn quảng bá sản phẩm cá tầm, cá hồi trên facebook cá nhân nhằm mở rộng đối tượng khách hàng. Qua thống kê, HTX bán được khoảng 2 tạ cá tươi mỗi tháng qua mạng xã hội cho khách ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Nội; thành phố Lai Châu và trên địa bàn huyện Phong Thổ.
Song song với bán cá, HTX phát triển mạnh dịch vụ thưởng thức cá tại chỗ. Theo hướng này, HTX cho nhân viên học hỏi cách chế biến các món ăn ngon từ cá hồi, cá tầm… Đầu tư kinh phí kéo điện về HTX; mua vật liệu, xây dựng các gian nhà dừng chân, thưởng thức ẩm thực; mua thêm bàn ghế đón tiếp khách (có thể phục vụ tối đa 30 mâm). Trong khuôn viên, HTX xây dựng đường đi lối lại sạch sẽ, những bể nước, không gian nhỏ tạo điểm nhấn. Xung quanh các lối đi, HTX trồng và treo các giỏ hoa, cây cảnh trang trí, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, tăng cảm hứng khi thưởng thức các món ăn.
“Lượng khách đến ăn cá tại HTX khá đông, trung bình 150 mâm/tháng, tương đương 900 lượt khách/tháng. Với cách làm phù hợp, năm 2020 HTX đạt doanh thu 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, thu lãi 800 triệu đồng. Mỗi thành viên HTX thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động là người dân địa phương, mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng”, anh Bình khẳng định.
Trong định hướng phát triển kinh tế của HTX, thời gian tới sẽ làm đường mới vào HTX, thuê thêm 2.000m2 đất gần HTX để trồng rau, chăn nuôi gia súc gia cầm, xây mới 5 bể nuôi cá, nâng tổng số bể nuôi cá lên 15 bể và làm đẹp thêm khuôn viên, hình thành khu du lịch sinh thái. Trước mắt, sẽ xây dựng mới 2-3 phòng nghỉ, 2 phòng hát karaoke. Với các món ăn ngon, HTX lựa chọn 4 món: cá hồi xông khói, ruốc cá hồi, xúc xích cá hồi, giò chả cá hồi làm hồ sơ đề nghị thẩm định chất lượng công nhận sản phẩm OCOP trong năm 2021. Từ đó, hướng ra thị trường khó tính hơn như các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã