Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu tháng 8/2021 đã bị tác động mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, buộc TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng.
Trước đó, trong tháng 7/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 853,77 triệu USD, tăng 0,56% so với tháng 6/2021 và tăng 7,88% so với tháng 7/2020.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,977 tỷ USD, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2,67% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, cho biết, tính đến giữa tháng 7, tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 7, việc áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội, tình hình sản xuất nguyên liệu và chế biến thủy sản chững lại rõ rệt.
Với yêu cầu sản xuất chế biến “3 tại chỗ” ở 19 tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có thể thực hiện theo phương thức này, với công suất sụt giảm từ 30 -70% tùy từng doanh nghiệp.
Cụ thể, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp.
Nhưng thực tế tới nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ chiếm 30-60% số lượng lao động.
Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.
Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài . Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
Bà Lê Hằng cho rằng, việc xuất hàng trong tháng 7 có thể vẫn sử dụng nguyên liệu và dự trữ tồn kho trước đó nên kết quả qua thống kê chưa phản ánh xu hướng sụt giảm, nhưng so với các tháng trước, mức tăng trưởng đã thấp hơn đáng kể. Với các mặt hàng cá tra, cá ngừ, mực và bạch tuộc, xuất khẩu đã bị chững lại từ tháng 7.
Sản xuất sụt giảm trong hơn 1 tháng qua chắc chắn sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, ngành hàng cá tra bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa sổ nhà máy cá tra bị ngừng hoạt động trong thời gian qua.
Xuất khẩu tôm và cá ngừ có thể giảm ít hơn so với cá tra. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tập trung khá nhiều ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nên chắc chắn xuất khẩu hải sản cũng sẽ giảm mạnh so với tháng trước và so với tháng 8/2020.
Theo Sơn Trang/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/xuat-khau-thuy-san-sut-giam-manh-trong-nua-dau-thang-8-d300924.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã