Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn đã thể hiện được mục tiêu phát triển của đất nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng về nông nghiệp, nông dân, và nông thôn. Nghị quyết 26 được cụ thể hóa bằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để triển khai sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng NTM tại vùng khó khăn (khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số).
Trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tập trung ưu tiên, hỗ trợ các địa phương vùng đặc biệt khó khăn để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có xây dựng NTM.
Từ những cơ chế, chính sách đặc thù, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 791.900 tỷ đồng (bằng 38,1% tổng vốn huy động của cả nước), trong đó gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, nguồn vốn của các doanh nghiệp tham gia đầu tư, nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn của chính người dân.
Với nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, sau 10 năm triển khai thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên cả nước đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử; từ đó tạo nên một phong trào có sức lan tỏa rộng và được cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân cả nước nhiệt tình tham gia.
"Nước ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, việc nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn đã thể hiện được mục tiêu phát triển của đất nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trên cả nước, Phó Thủ tướng cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong việc xây dựng NTM nói chung, đặc biệt là xây dựng NTM tại vùng đặc biệt khó khăn.
Trước hết là thách thức về chất lượng hạ tầng đối với vùng đặc biệt khó khăn. "Hiện hạ tầng ở những vùng này còn rất thấp. Chúng ta phải gắn kết phát triển vùng đặc biệt khó khăn với toàn vùng, các vùng khác, chứ không chỉ phát triển hạ tầng riêng biệt, độc lập", Phó Thủ tướng phân tích.
Bên cạnh đó, tình trạng di dân tự do, thiếu đất ở, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt... là thách thức rất lớn trong xây dựng NTM. Vấn đề nữa là việc quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và gắn với việc đáp ứng yêu cầu của di dân. Vừa qua, thiên tai khiến nhiều khu vực bị sạt lở đất, nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, gây nhiều thương vong cho người dân.
Theo Phó Thủ tướng, xây dựng NTM trước hết phải đảm bảo an toàn, đời sống cho người dân. Trong khi quy hoạch, phân bố lại dân cư thực hiện cũng không dễ dàng.
Một thách thức nữa của khu vực này là chất lượng nguồn nhân lực, điều này gây khó khăn đến phát triển kinh tế, huy động nguồn lực cho xây dựng NTM.
"Do đó, hiện nay, chưa có huyện trong danh sách huyện nghèo của cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM. Số xã đạt NTM ở những vùng đặc biệt khó khăn còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước", Phó Thủ tướng cho biết.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp của người dân vùng đặc biệt khó khăn còn rất hạn chế, ít có mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng; chương trình OCOP còn chưa được phổ biến tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa; du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát, chưa thực sự bền vững, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Đời sống của đa số người dân còn nhiều khó khăn. Vấn đề vệ sinh, bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề bảo vệ sức khỏe, chăm sóc sức khỏe của người dân còn rất khó khăn. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở một số địa phương chưa được chú trọng.
Vì vậy, việc tiếp tục hỗ trợ các địa phương, vùng đặc biệt khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập để phát triển kinh tế xã hội so các vùng, miền của cả nước trong giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng vào cuộc của người dân.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn phải phù hợp với điều kiện cụ thể
Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trước hết, việc triển khai xây dựng NTM tại các xã đặc biệt khó khăn phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt hơn, không máy móc, không rập khuôn, phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng miền.
Trong đó phải lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. "Đây là điều kiện cần để xây dựng NTM. Hạ tầng làm là để phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, những hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin liên lạc...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó là phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe người dân, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng dân cư gắn với việc phòng, chống các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị, đảm bảo giữ vững chủ quyền của quốc gia.
Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng tới các cấp chính quyền và người dân phương châm xây dựng NTM là của dân, do dân, người dân hưởng lợi, dân làm, nhà nước hỗ trợ. Tránh tâm lý ỷ lại vào ngân sách Trung ương, đồng thời người dân cũng cần nâng cao sự tự chủ để cuộc sống khá giả hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là vai trò lãnh đạo đứng đầu. Bài học kinh nghiệm là phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, hoàn thành các mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM trên địa bàn; ưu tiên, tập trung tối đa nguồn vốn ngân sách Trung ương được giao và các nguồn vốn huy động ngoài ngân sách đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn và hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
“Đặc biệt cần tập trung phấn đấu không còn huyện trắng xã NTM. Mỗi tỉnh có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 5 tiêu chí xây dựng NTM", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lồng ghép nguồn lực từ các chương trình MTQG
Việc xây dựng NTM tại khu vực đặc biệt khó khăn phải gắn với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng, chứ không đơn lẻ, cô lập; phải gắn việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối của vùng và của quốc gia.
"Bây giờ chúng ta hô hào phát triển nông thôn và xây dựng NTM ở những vùng khó khăn, nhưng nếu vùng đó lại bị cô lập với các vùng khác thì không tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, cho các doanh nghiệp đầu tư", Phó Thủ tướng phân tích, đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT phải cần phải đưa những quan điểm mới này trong thực hiện xây dựng NTM.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát lại các quy hoạch. Theo đó, các quy hoạch này phải kết nối với các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là quy hoạch giao thông, thủy lợi, công nghiệp... cùng với đó rà soát lại quy hoạch xây dựng NTM một cách thiết thực, tránh hình thức, phong trào.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch đánh giá các khu vực dễ sạt lở đất, những khu vực nguy hiểm để làm cơ sở để chúng ta quy hoạch phân bố lại dân cư ở những khu vực đặc biệt khó khăn, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước sạch, thủy lợi, y tế, giáo dục, các hạ tầng để phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân địa bàn gắn việc bố trí ổn định dân cư, đảm bảo phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương và tại mỗi địa bàn huyện, xã. Cấu trúc kinh tế của thôn, xã không tách rời với của toàn tỉnh.
Đồng thời tạo môi trường để thu hút các nhà đầu tư vào khu vực đặc biệt khó khăn, vào những địa phương miền núi, trong đó tập trung 3 yếu tố là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hạ tầng và nhân lực.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm OCOP của một số địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp ở những vùng đặc biệt khó khăn, đây là vấn đề hết sức cần thiết để phát triển ngành nghề và các sản phẩm OCOP. Các HTX, các doanh nghiệp phải giữ vai trò là động lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM; kết nối cán bộ, xã viên trong việc cung cấp các dịch vụ đầu vào, cung ứng vật tư, đặt hàng và đào tạo nhân lực, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp,...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đầu tư cho giáo dục đào tạo để phát triển nguồn nhân lực gắn với việc phát triển các sản phẩm phù hợp với mỗi vùng, mỗi địa phương.
Các địa phương tập trung để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng, gắn phát triển du lịch; phòng, chống các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn; nhân rộng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn nông thôn gắn với giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo.
Các địa phương phải xây dựng trên cơ sở vững mạnh, chú trọng hơn nữa công tác luân chuyển, tăng cường bố trí cán bộ đủ năng lực, tâm huyết và bản lĩnh để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội nói chung và xây dựng NTM ở khu vực đặc biệt khó khăn. Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, phát huy vai trò của người có uy tín, người dân tham gia xây dựng NTM.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, Bộ LĐTB&XH khẩn trương rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định cụ thể đối tượng, phạm vi, nội dung hoạt động thống nhất, tránh chồng chéo. Đồng thời nghiên cứu cách thức lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của 3 Chương trình MTQG (Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo và sn sinh xã hội bền vững và Chương trình MTQG xây dựng NTM).
Nhấn mạnh quan điểm "xây dựng NTM là sự nghiệp lâu dài, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc", Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là chương trình thể hiện sâu sắc quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người nông dân, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhật Bắc/CHinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã