Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu cho biết, từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở những mặt hàng cụ thể, do cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó có các vướng mắc kỹ thuật về kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc...
Sớm thiết lập các vùng trồng không dịch bệnh
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, đối với sản phẩm khoai lang, Trung Quốc đồng ý xem xét cho Việt Nam xuất khẩu tạm thời sang Trung Quốc, song với điều kiện toàn bộ vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói được kiểm tra và triển khai các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo không nhiễm 10 loại sinh vật gây hại.
Đối với một số tỉnh chưa có cơ sở đóng gói (cơ sở đóng gói là một yêu cầu bắt buộc của phía Trung Quốc để xuất khẩu khoai lang), Cục Bảo vệ thực vật sẽ cùng địa phương thiết lập những cơ sở đóng gói trong thời gian sớm nhất.
Còn đối với sản phẩm ớt, bà Hương cũng cho biết, từ năm 2020, Trung Quốc đã yêu cầu phía Việt Nam phải chủ động tạm dừng xuất khẩu mặt hàng này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, hàng năm, Cục Bảo vệ thực vật tiến hành rà soát, hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật để tiếp tục nộp hồ sơ đàm phán mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt Nam; bổ sung các căn cứ kỹ thuật nhằm cải tiến các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, chẳng hạn như xử lý vải xuất khẩu năm 2021 bằng rổ nhựa thay vì thùng carton.
Sau quá trình gửi hồ sơ, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý trước mắt trong thời gian chờ họ làm phân tích nguy cơ dịch hại, thì Việt Nam được tạm thời xuất khẩu ớt trở lại.
Theo đó, quả ớt sẽ phải đáp ứng được một trong hai điều kiện của họ: Thứ nhất, ớt phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả.
Thứ hai là phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.
Ngay chiều 3/6, Cục Bảo vệ thực vật đã triệu tập cuộc họp với các đơn vị liên quan. Sau khi xem xét, rà soát và nhận thấy rằng biện pháp sản xuất từ vùng không nhiễm dịch hại, không nhiễm ruồi đục quả sẽ rất khó. Do đó Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai nghiên cứu và thiết kế các thông số kỹ thuật về xử lý kiểm dịch thực vật để gửi sang phía Trung Quốc bằng Methyl Bromide, dù việc này sẽ mất nhiều thời gian thử nghiệm.
"Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật cũng hoàn thiện bộ hướng dẫn cho các tỉnh để thiết lập các vùng trồng không nhiễm dịch hại. Đây là biện pháp lâu dài và có tính chất bền vững hơn" - bà Hương nhấn mạnh.
Nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, bà Hương đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các đơn vị liên quan và địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục trong tuyên truyền, phổ biến các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp.
Phổ biến các quy định về kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.
Cấp bách gỡ vướng mắc kỹ thuật
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, chúng ta cần xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, điều này sẽ giúp tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn.
"Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ trọng tâm của ngành để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: Vừa chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội" - Thứ trưởng Nam nói.
Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT tiếp tục duy trì và phát triển các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX, tổ hợp tác. Phối hợp theo ngành dọc với các địa phương trong đảm bảo sản xuất an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm.
Về phía các địa phương, cần bám sát chỉ đạo sản xuất theo từng mùa vụ để không bị ứ đọng cục bộ, theo sát tình hình diễn biến của dịch Covid-19.
Thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh đảm bảo, không để phát sinh sâu bệnh, dịch bệnh, đặc biệt là đối với các dịch bệnh quan trọng, có ảnh hưởng đến thương mại nông sản…
Các hiệp hội ngành hàng cần nghiên cữu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam, của các tổ chức quốc tế và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu để nắm rõ các yêu cầu cho việc định hướng đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các vùng, cơ sở nguyên liệu sản phẩm để xuất khẩu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị, các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với kế hoạch tiêu thụ; cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi không chỉ những nơi hàng hóa để xuất khẩu mà kể cả hàng phục vụ thị trường trong nước. Bộ sẽ nghiên cứu có thể đưa thêm tiêu chí khuyến khích trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới là cấp mã số vùng trồng.
Theo Thiên Hương – Hồng Bích/danviet.vn
https://danviet.vn/trung-quoc-dong-y-xem-xet-nhap-khau-khoai-lang-rieng-qua-ot-phai-dap-ung-1-trong-2-dieu-kien-ngat-ngheo-nay-20210604174338592.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã