Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017 - 2020 và chương trình xây dựng NTM năm 2020 đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Qua 7 năm triển khai Chương trình OCOP, đặc biệt là việc thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2017-2020 đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 177 đơn vị kinh tế tham gia Chương trình OCOP với tổng số lao động trực tiếp trên 4.500 người và hàng vạn lao động gián tiếp hưởng lợi từ chương trình; đã có 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, có 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2020, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Đến nay, tỉnh đã có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 91/98 xã đạt chuẩn NTM; 30/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…
Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017 – 2020.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận nêu rõ những thuận lợi trong quá trình thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017 – 2020. Đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, bài học kinh nghiệm; kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp phát triển trong giai đoạn tới…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ghi nhận, biểu dương cách làm sáng tạo, quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” và chương trình xây dựng NTM. Quảng Ninh đã định hướng rõ lộ trình triển khai thực hiện, chú trọng vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm như: Tập trung triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao; nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Đồng chí nhấn mạnh, Quảng Ninh cần tiếp tục nâng cao chất lượng các địa phương đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, nhất là đối với những tiêu chí chưa thực sự bền vững. Với các xã xây dựng NTM kiểu mẫu cần phải triển khai trên nền xã NTM nâng cao và phải chọn yếu tố mẫu để triển khai thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác nông thôn mới, nhất là ở các địa phương có sự biến động, trong quá trình triển khai nhiệm vụ còn lúng túng, hiệu quả chưa cao…
Đối với vấn đề phát triển sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN nhấn mạnh: Triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là cách làm hiệu quả nhằm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, tổ chức lại quy mô sản xuất hàng hóa từ nhỏ lên quy mô lớn. Hiện nay, cả nước có 3.500 sản phẩm OCOP thì tỉnh Quảng Ninh đã có trên 400 sản phẩm. Đồng chí đề nghị, Quảng Ninh cần tiếp tục nâng tầm chương trình OCOP tỉnh, chuyển từ lượng sang chất, phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng cao trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị. Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, đạt 4 tiêu chuẩn cơ bản: Đảm bảo vùng nguyên liệu, phục vụ truy xuất nguồn gốc; ưu tiên sử dụng và nâng cao chất lượng lao động địa phương; sản phẩm có đầy đủ chứng nhận an toàn thực phẩm và sản phẩm phải có chỉ dẫn địa lý.
Quảng Ninh cần tiếp tục đi đầu về chất lượng các sản phẩm OCOP, xây dựng và quản lý chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước cũng như trong khu vực, quốc tế.
Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017 - 2020 đã đạt được kết quả tốt, làm thay đổi căn bản tư duy nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tạo được niềm tin và sự sáng tạo, thúc đẩy người dân mạnh dạn sản xuất hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm.
Mặc dù vậy, kết quả mới chỉ là bước đầu, trong thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng, các chủ thể doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình… với khát vọng vươn lên cần cố gắng nỗ lực phát triển ổn định, bền vững. Trong đó, tập trung khắc phục ngay những hạn chế yếu kém trong xây dựng NTM và thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP); nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là những người đứng đầu; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phát huy nội lực của các chủ thể doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình… trong xây dựng chương trình, đề án.
Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng cho các tác giả đạt giải cuộc thi Ảnh đẹp và câu chuyện về sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị, 28 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017 – 2020 được trao bằng khen của UBND tỉnh. Ngoài ra, nhiều đơn vị, cá nhân được tôn vinh, trao giải trong cuộc thi "Tuyến đường thôn kiểu mẫu tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh" năm 2020 và cuộc thi Ảnh đẹp và câu chuyện về sản phẩm OCOP.
Theo Trúc Linh/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã