Tổ Hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên là một trong những cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên bao bì đối với một số sản phẩm của Tổ Hợp tác sản xuất ra. Bà Nguyễn Thị Minh, Tổ Trưởng Tổ Hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy cho biết: “Cấp được một cái tem xác nhận nguồn gốc và tem truy xuất nguồn gốc ấy là cả một quá trình phấn đấu của bà con. Tất cả phải duy trì theo đúng quy trình thì mình mới dám dán cái tem nhãn mác ấy, mình phải khẳng định sản phẩm của mình, thương hiệu của mình”.
Ảnh: Một khách hàng đang sử dụng điện thoại thông minh
để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Khi áp dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, cơ sở sản xuất sẽ quản lý được dòng hàng, bảo vệ thương hiệu, chứng minh nguồn gốc xuất xứ và minh bạch mọi thông tin cần thiết về sản phẩm. Hoạt động này còn giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả, đồng thời, tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó, yên tâm trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Minh, tổ 7, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Quan trọng là mình biết nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất, mình nắm được thông tin mình yên tâm và nếu có vấn đề gì xảy ra thì mình truy cứu được”.
Có thể thấy, việc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, như: VietGAP, QR code,…đã giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông - lâm, thủy sản kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn về nguồn gốc cho người tiêu dùng. Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã từng bước hình thành các chuỗi nông sản chủ lực và đặc sản có lợi thế cạnh tranh nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu cũng như “minh bạch” nguồn gốc xuất xứ. Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Thái Nguyên chia sẻ: “Các sản phẩm được đưa vào cửa hàng 100% đều được kiểm tra rõ ràng về xuất xứ, nguồn gốc, có nhãn mác đầy đủ và đặc biệt khi mà chúng ta kiểm tra truy xuất mã số, mã vạch thì các sản phẩm của cửa hàng đều được truy xuất 100%”.
Ảnh: Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm
trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm.
Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu trong sản xuất hàng hóa hiện đại. Để đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao năng lực trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích các cơ sở tạo dựng thương hiệu và áp dụng QR code để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm mà mình lựa chọn./.
Bài và ảnh: Mạnh Hùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã