Giống lê VH6 được nhà ông Hoàng Văn SLín trồng tại thôn Đèo Gió (xã Vân Tùng) |
Gia đình ông Hoàng Văn SLín là một trong những hộ dân trồng lê nhiều nhất tại thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng. Vườn lê của ông hiện có khoảng 400 cây lê giống VH6. Ông SLín cho biết, trong quá trình triển khai Dự án trồng cây lê giống VH6, giai đoạn 1 năm đầu, gia đình đã gặp một số khó khăn do thời tiết nắng nóng nên khó chăm sóc, cây phát triển rất chậm. Tuy nhiên, sau khi chăm sóc theo đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, năm 2020, cây lê VH6 đã bói những quả đầu tiên, quả to nhất có trọng lượng khoảng 0,5 kg. Hiện vườn lê của gia đình đang trong thời kỳ ra hoa năm thứ 4. Nếu thời tiết thuận lợi thì tỷ lệ đậu quả khá nhiều, hứa hẹn một mùa lê cho năng suất và sản lượng cao hơn so với những năm trước. Ngoài giống lê VH6, gia đình cũng có một số cây lê bản địa có tuổi thọ hơn 20 năm, bình quân mỗi năm thu được 4 - 5 tạ quả, giá bán từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, thương lái đến thu mua tận nhà. Hiện nay, hơn 50% số hộ dân thôn Đèo Gió cũng đã trồng được gần 04 ha giống lê VH6 tại những nơi có địa hình cao, thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương phù hợp với cây lê, huyện Ngân Sơn đã khảo sát quy hoạch vùng trồng gồm các xã Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân và mở rộng ra Cốc Đán, Thượng Ân. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện Ngân Sơn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, xây dựng mô hình cải tạo, đưa giống lê VH6 vào trồng thử nghiệm… Hiện tại, toàn huyện đã có 36,74 ha cây lê.
Ông Phạm Kim Hiểu - Trưởng phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn cho biết, những năm gần đây, phòng chuyên môn đã tham mưu cho huyện xây dựng mô hình cải tạo, áp dụng các kỹ thuật mới, sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây lê. Tuy nhiên, trong năm 2020, thời tiết không thuận lợi do có mưa đá nên mô hình trồng cây lê tại địa phương chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thời gian tới, huyện sẽ lấy cây lê làm trọng tâm để xây dựng vùng cây đặc sản, đưa sản phẩm cây lê đạt được giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân, hướng tới đưa vào sản phẩm OCOP của địa phương.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng thử nghiệm giống lê VH6 tại huyện Ngân Sơn đã mang lại những tín hiệu khả quan. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng lê trong những năm tiếp theo, qua đó từng bước hình thành vùng cây đặc sản mang tính hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã