Trở lại thôn Vọng Sơn những ngày giữa tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm vườn hoa, cây cảnh của gia đình anh Tuân đúng lúc anh đang tất bật giới thiệu những chậu hoa, cây kiểng cho khách. Anh Tuân chia sẻ: Trồng hoa, cây cảnh chẳng hề nhàn, thậm chí ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, chăm sóc thì tỉ mẩn như con mọn. Từ những cây sanh, cây si tưởng chừng như vô tri, vô giác, để tạo thành một bon sai có thế, có hồn và có giá trị đòi hỏi người trồng, người cắt tỉa phải có đôi bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ cùng niềm đam mê, chất nghệ thuật. Cùng với đó, người làm nghề cũng cần kịp thời nắm bắt công nghệ, xu hướng tiêu dùng theo thời gian, từng độ tuổi để tư vấn, tiếp thị người chơi. Ngoài ra, chi phí đầu tư không hề nhỏ, vốn để duy trì cũng khá lớn, một cái chậu để đựng cây cảnh có thể lên tới vài chục triệu đồng, chi phí thuê nhân công hàng trăm triệu đồng/năm, mà nhiều cây phải “chờ” vì chưa tìm được chủ nhân ưng ý...
Đặc biệt, nghề trồng hoa, cây cảnh cũng trải qua nhiều thăng trầm, thách thức, nhất là thời điểm năm 2012-2015, thị trường hoa, cây cảnh bão hòa, giá cây cảnh xuống thấp, không ít hộ trong làng phải bỏ nghề, anh Tuân vẫn cố gắng xoay đủ việc, thậm chí phải thế chấp nhà cửa để vay thêm vốn duy trì sở thích, đam mê. Và rồi khó khăn cũng qua, khi thị trường hoa, cây cảnh bắt đầu khởi sắc từ khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình anh Tuân không chỉ trả được hết nợ vay ngân hàng mà còn xây dựng được nhà mới khang trang với giá trị hàng tỷ đồng.
Hiện nay, với trên 1ha vườn, anh Tuân có khoảng 300 cây hoa mẫu đơn, mộc, sanh, si hàng tán; hơn nghìn cây cảnh loại vừa và nhỏ, số lượng cây, cây bon sai lên đến gần 1 vạn. Tùy từng loại, anh Tuân chào bán với mức giá khác nhau. Cây mộc trong vườn có giá trị nhất đang được khách trả tới 1 tỷ đồng. Cây hoa mẫu đơn, cây cảnh vừa và nhỏ có giá giao động từ 10-20 triệu đồng/cây. Còn các loại bon sai như khế, ổi, chanh, duối, mai chiếu thủy, linh san, ngũ gia bì… có giá dao động từ 3 triệu – 10 triệu đồng/cây. Trung bình mỗi năm, nhà vườn anh Tuân xuất bán khoảng gần 1 vạn cây cảnh các loại, thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Khách hàng của anh đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ sự khởi sắc của thị trường cây cảnh, ngoài 4 nhân công trong gia đình, vườn hoa, cây cảnh của anh Tuân còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 7 lao động thời vụ.
Thời gian tới, anh Tuân còn ấp ủ rất nhiều dự định mới để phát triển nhà vườn. “Tôi muốn mở rộng quy mô vườn hơn nữa, muốn đưa nhiều giống cây mới về trồng, đặc biệt là các mặt hàng như cây bon sai và cây công trình. Cùng với đó, sẽ tạo ra nhiều cây cảnh bonsai đẹp, cho ra nhiều hoa, hoa bền, cây có thời gian để được trong nhà lâu hơn. Để thực hiện được các dự định của mình, bước đầu, tôi đã liên hệ với một số nhà khoa học, chủ các nhà vườn chuyên về bon sai nhằm tìm hiểu thêm các kiến thức về lai, chiết, kích thích cây ra hoa nhanh, có độ bền cao.”- anh Tuân cho biết thêm.
Tiếp nối nghề truyền thống, anh Lưu Văn Tuân là một trong những gương điển hình ở Triệu Đề biết biến đất thành “vàng”, xây dựng cuộc sống ấm no, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, không giấu kinh nghiệm làm giàu, sẵn sàng chia sẻ bí quyết làm cây, kinh doanh cho những ai đam mê nghề, muốn khởi nghiệp, nhà vườn của anh Tuân đang là “địa chỉ” tin cậy cho nhiều người, nhất là thanh niên đến học hỏi, tham quan mô hình.
Lê Duyên
Nguồn tin: ntmoi.vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã