Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Trọng tâm, mục tiêu của OCOP hướng đến phát huy nội lực (sản phẩm, trí tuệ sáng tạo, kỹ năng, văn hóa truyền thống…) nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Sau hơn 2 năm, chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền địa phương, trong đó có vai trò của Hội LHPN các cấp.
Tại diễn đàn Vai trò của phụ nữ với Chương trình OCOP", Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo chia sẻ: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động để phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ trong chương trình OCOP của cả nước, nhất là trong xu hướng đô thị hóa và chuyển dịch lao động. Chương trình OCOP đã tạo môi trường để người dân nâng cao thu nhập, đồng thời tạo điều kiện dành thời gian chăm sóc gia đình. Trong đó, phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, vừa là chủ thể quan trọng quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng trong gia đình.
Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội phụ nữ tại 63/63 tỉnh thành phố đã phối hợp cùng văn phòng điều phối Nông thôn mới tại địa phương tập trung tuyên truyền vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia chương trình OCOP nhằm phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chương trình COP còn góp phần hình thành nền kinh tế "xanh", các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, các cấp Hội phụ nữ đã từng bước hỗ trợ thành lập, khuyến khích phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp với OCOP, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Từ 2017 đến nay, với đồng bộ các nguồn lực và phối hợp cùng các cấp, các ngành chức năng, Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ thành lập trên 500 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, với 6.526 thành viên, 6.000 tổ hợp tác, tổ liên kết với khoảng 20.000 thành viên và trong đó nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác do Hội hỗ trợ đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao. Tiêu biểu như HTX dược liệu ATC tại Nam Định, HTX bún miến Đa Mai tại Bắc Giang; HTX sản xuất nông sản tại Hòa Bình, HTX thu mua chế biến hải sản Phú Khương tại Hà Tĩnh, HTX Cao an xoa tại Đồng Nai...
Tăng cường vai trò của phụ nữ trong chương trình OCOP
Để hỗ trợ chị em, các cấp Hội đã đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng, hướng dẫn đăng ký sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem nhãn, kết nối thị trường.
Hàng năm, các cấp Hội đã đào tạo nghề cho khoảng 6.000 lao động nữ, kết nối, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho gần 6.000 cán bộ quản lý, thành viên các mô hình kinh tế tập thể, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 82 nghìn tỷ đồng, trên 1000 tỷ đồng từ các quỹ, chương trình tài chính vi mô nhằm hỗ trợ vốn cho các thành viên của các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất sản phẩm trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Đặc biệt, thông qua thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đã có nhiều hợp tác xã do phụ nữ quản lý được hình thành phát triển sản phẩm OCOP, được đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Kon Tum...
Với định hướng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thật sự hiệu quả và cụ thể, đã có 150 gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sắc của hội viên, phụ nữ được các cấp Hội xây dựng tại Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Phú Thọ.... Trong đó, Thái Nguyên triển khai nhiều cửa hàng tại cấp huyện, tạo được mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, định kỳ tổ chức hội chợ bán và giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ tại 1 số thành phố lớn.
Hiện nay, thông qua chương trình OCOP ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ chính quê hương của mình, với phương châm "Ly nông bất ly hương" và những phụ nữ quay trở lại nông thôn lập nghiệp tạo sản phẩm OCOP. Chính họ là những người góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Dù được đánh giá cao trong hoạt động, song vai trò của phụ nữ và các cấp Hội với chương trình OCOP còn chưa phát huy hết tiềm năng. Nhận thức về chương trình ở các cấp Hội và hội viên, phụ nữ còn hạn chế, nên số lượng doanh nghiệp, HTX, tổ HTX chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực do phụ nữ tham gia quản lý và có nhiều lao động nữ chưa nhiều. Việc tổ chức liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn yếu kém. Vấn đề an toàn thực phẩm, tem nhãn sản phẩm cũng là điểm yếu của nhiều chủ thể phụ nữ trong chương trình OCOP... Đây là những khó khăn, thách thức, cần tập trung tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP của các cấp Hội trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã