Hồng Tiến là xã nằm gần cửa sông Hồng đổ ra biển nên nguồn nước ở đây lợ, thích hợp cho loài rươi sinh sống, phát triển và chất lượng thịt rươi cũng ngon hơn các địa phương khác trong cả nước.
Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Toàn xã có 65ha bãi dọc triền sông Hồng có thể cho thu hoạch rươi với hơn 80 hộ sản xuất. Với hai vụ thu hoạch rươi vào tháng 9 và tháng 10 âm lịch hàng năm, nông dân thu về gần 88 tấn rươi cho giá trị gần 40 tỷ đồng. Ngoài thu nhập từ con rươi, nông dân Hồng Tiến còn khai thác đánh bắt được từ 70 - 80 tấn cáy tự nhiên. Với giá thị trường ổn định 70.000 đồng/kg cáy, bà con thu về trên dưới 5 tỷ đồng. Đối với con rươi, các yếu tố: chu kỳ mùa vụ, nhiệt độ môi trường, độ mặn, độ cao của thuỷ triều... ảnh hưởng lớn tới sinh sản của rươi cũng như quyết định năng suất, sản lượng rươi thu hoạch. Những năm gần đây, các hộ dân có đất khai thác rươi đã đầu tư đắp bờ bao, hệ thống kênh mương, cửa cống tại các bãi bồi ven sông tạo điều kiện cho rươi tự nhiên sinh trưởng, phát triển. Để tạo sinh cảnh và thu nhập, các hộ đều kết hợp khai thác rươi, cáy và trồng cói, sản lượng mỗi năm đạt hơn 200 tấn cói khô, thu nhập trên 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trồng cói yêu cầu nhiều công lao động, trong khi lực lượng lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu, khiến diện tích cói giảm dần. Năm 2019, HTX đã thử nghiệm đưa lúa vào cấy thay thế cói với diện tích trên 1ha, cấy 1 vụ/năm, thời gian còn lại đất được nghỉ ngơi, tạo điều kiện thuận lợi cho rươi sinh trưởng và phát triển. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, HTX mở rộng mô hình lên trên 10ha tại thôn Tân Thành. Lúa cấy tại vùng khai thác rươi là các giống truyền thống như Bao Thai, Thầu Dầu, năng suất không cao nhưng chất lượng gạo ngon, phù hợp với đồng đất. Trong suốt quá trình canh tác lúa, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ tránh làm ảnh hưởng đến ấu trùng rươi đang phát triển ở lớp đất phía dưới mặt ruộng lúa. Việc làm cỏ cũng như phòng, trừ sâu bệnh cho lúa được thực hiện bằng biện pháp thủ công. Đây là yếu tố bảo đảm cho chất lượng lúa hữu cơ.
Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết thêm: Canh tác lúa trên vùng khai thác rươi, cáy, các đối tượng này đã bổ trợ cho nhau, trong đó việc cải tạo đất, chăm sóc và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng cùng nguồn thức ăn dồi dào cho con rươi, con cáy phát triển. Ngược lại, con rươi, cáy xử lý các chất thải hữu cơ trong đất, nước để tạo ra phân bón hữu cơ giúp cây lúa khỏe mạnh, chống chọi lại dịch bệnh và đạt năng suất, chất lượng cao.
Ông Trần Quốc Thể là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Nhà tôi có gần 2 mẫu vùng bãi khai thác rươi, cáy. Trước đây, tôi trồng cói vừa tăng thu nhập, vừa tạo môi trường cho rươi phát triển. Tuy nhiên, cói trồng trong thời gian dài khiến đất chai cứng, được sự hỗ trợ của HTX, tôi đưa cây lúa vào thay thế cói với diện tích 1 mẫu. Tuy năng suất lúa không cao như ruộng nội đồng nhưng tạo sản phẩm sạch, được HTX bao tiêu đầu ra. Đặc biệt, cấy lúa đã giúp cải tạo môi trường sinh thái, giúp con rươi, con cáy phát triển tốt hơn. Rươi chưa đến vụ thu hoạch nhưng qua kiểm tra, mật độ lỗ rươi cao hơn vùng trồng cói; con cáy rất to, mẩy, chắc.
Theo ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến, đã có một số đơn vị chế biến gạo xuất khẩu liên hệ bao tiêu sản phẩm gạo hữu cơ khi HTX mở rộng mô hình. Với mục tiêu giữ vùng nguyên liệu đặc thù của địa phương, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ, mô hình canh tác lúa hữu cơ tại vùng khai thác rươi bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, dự kiến sẽ được quy hoạch mở rộng lên 30 - 40ha, cấy 2 vụ lúa/năm trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã