Trong trang trại có quy mô hơn 5ha ở xã Tân Thanh, huyện Đầm Hà của anh Nguyễn Hữu Nhượng (37 tuổi) đang sở hữu các sản phẩm nông sản theo hướng sản xuất công nghệ cao. Ở trang trại này, dưa lưới là sản phẩm chính, ngoài ra còn nhiều nông sản khác như dưa leo, rau sạch, rau thủy canh an toàn có đầu ra trên thị trường ổn định.
Bên ngoài khuôn viên nhà kính, nhà màng, nhiều công nhân khác sống quanh khu vực Đầm Hà đang dựng lên nhiều cột sắt. Chỉ vài tháng nữa thôi, khu đất hoang này sẽ xuất hiện thêm những mô hình nông nghiệp khác. Tất cả đều áp dụng công nghệ trong sản xuất. Anh Nhượng là một trong những người tiên phong đưa nông nghiệp sạch, công nghệ cao về huyện Đầm Hà, minh chứng rõ nét nhất cho “sức sống” của nông nghiệp.
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Nhượng từng có những ngày mất ăn mất ngủ vì những dự định khi đầu tư vào nông nghiệp. Đến năm 2017, anh Nhượng đã mạnh dạn đầu tư vốn thuê lại hơn 5ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà để lên ý tưởng trồng rau thủy canh, dưa lưới các loại theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao từ dự án xúc tiến kêu gọi đầu tư của địa phương.
Về kỹ thuật trồng dưa lưới, sau khi xuống giống, cây dưa lưới được xếp thành hàng và treo dây cố định. Tại mỗi dàn đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây. Cây ra hoa sẽ tiến hành thụ phấn thủ công.
Mỗi cây chỉ để lại 1 trái, tỉa hết cành nách tạo sự thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Khi trái có đường kính 3-4cm (khoảng 40 ngày sau trồng) thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch mất 65-70 ngày, mỗi năm có thể trồng 3 vụ. Dưa lưới giống Peru và Hà Lan cho thu hoạch đạt khoảng 1,3kg/trái. Đối với dưa chuột Hà Lan thời gian trồng đến lúc thu hoạch mất 45 ngày.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về con đường anh Nhượng chọn, có người khuyên anh nên từ bỏ ý định đầu tư vào nông nghiệp, bởi trước đó đã có một HTX đầu tư “bết bát” rồi từ bỏ. Trong khi đó, anh Nhượng lại sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn, xây dựng toàn bộ khu đất hoang với nhiều trang thiết bị máy móc, quá trình chuyển giao công nghệ thông minh ở vùng nông thôn hẻo lánh tưởng chừng như không thể.
Vậy mà, anh Nhượng bỏ ngoài tai, học hành từ những thứ nhỏ nhặt nhất, từ trồng cây, vun đất, xem xét giống, kỹ thuật trồng, vận hành máy móc, đo nhiệt độ trong nhà kính, ứng dụng thông minh hệ thống tưới tiêu… Tất cả được anh nắm rõ trong thời gian ngắn.
Chỉ còn bước cuối cùng, “hiện thực hóa” mô hình trồng dưa lưới sau khi học hỏi từ một người bạn trong Lâm Đồng. “Khi đó tôi muốn tìm loại cây trồng khác biệt và phải đầu tư bài bản để tránh rủi ro thất bại. Tôi chọn mô hình dưa lưới vào trồng thử nghiệm trước. Mô hình này còn khá mới lạ, tôi hướng đến chuyên biệt sản phẩm dưa lưới công nghệ, an toàn cho mọi người biết đến rộng rãi, trước khi hướng đến các sản phẩm khác.
Trước khi áp dụng, tôi đã dành nhiều thời gian học hỏi các mô hình tương tự, sau đó chọn lọc giống, ươm trong môi trường phù hợp để thuần hóa chúng, giúp cây thích nghi với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu tại địa phương. Mọi quy trình trồng và chăm sóc phải tuân thủ nguyên tắc rất nghiêm ngặt”, anh Nhượng cho hay.
Công ty CP Thương mại và xây dựng Đầm Hà đang tập trung cho sản phẩm nông nghiệp thông minh, bao gồm dưa vàng và dưa xanh, sản phẩm có độ ngọt thanh, hướng tới nhiều đối tượng người tiêu dùng. Một điều chắc chắn mà dưa lưới ở Công ty được đại đa số khách hàng tin dùng là về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngay vụ đầu tiên, dưa lưới (giống Peru và Hà Lan) với diện tích trồng 5.500m2 cho thu hoạch đạt sản lượng hơn 11 tấn, sản phẩm có thể thu hoạch đều trong năm. Dưa thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận vườn mua đến đó. Với giá bán bình quân 60.000-80.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí sản xuất, vụ dưa đầu tiên anh Nhượng lãi hơn 200 triệu đồng.
Tại kho lưu hàng hóa, các công nhân trong Công ty đang tỷ mỉ gắn tem mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm kèm theo xốp để giữ cho sản phẩm có độ tươi, tránh va đập, khối lượng lớn sản phẩm thu hoạch đều được xuất bán trong ngày.
Theo chị Phạm Thị Nhung, công nhân Công ty CP Thương mại và xây dựng Đầm Hà, những quy chuẩn khắt khe trong trồng trọt, sản xuất, hay điều tiết quá trình phát triển của cây, quả bằng công nghệ, chúng tôi dân áp dụng thuần thục. Phải để ý những khâu vô cùng nhỏ nhặt, như thu hoạch dưa lưới, sau khi cắt trên cây phải để trên thùng, không được để quả tiếp xúc trực tiếp với mặt đất nhằm hạn chế tối đa các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng của dưa lưới.
Để đáp ứng nhu cầu cung cấp rau sạch cho thị trường, anh Nhượng đang lắp đặt thêm nhiều diện tích nhà màng, kèm theo đó là hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, dự kiến đến cuối năm 2020 có thể đưa vào sử dụng. Trang trại bố trí xen canh một số loại rau thủy canh như xà lách, cải xanh, rau muống và cây sung Mỹ. Toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc đều được công nhân giám sát chặt chẽ, ghi đầy đủ hồ sơ ngày tháng trồng, ngày tưới, tình hình sâu bệnh... Hiện nay, thương hiệu nông sản sạch của trang trại đã đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm VietGAP.
Anh Nhượng mong muốn đón khách đến tận vườn, trực tiếp trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm theo hướng “du lịch nông nghiệp”. Mục tiêu của ý tưởng này là để du khách có thể khám phá những trải nghiệm thú vị về quy trình trồng và chăm sóc các loại dưa lưới, rau thủy canh.
Theo Nhóm PV Đông Bắc/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/bai-4-gieo-cong-nghe-hai-trai-ngot-d278201.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã