Có được thành quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Sở NN-PTNT Hà Nội và các địa phương trong việc quy hoạch sản xuất, xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như câu chuyện ở HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm).
Sau hơn 3 năm sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 30 loại sản phẩm của HTXĐặng Xá đã lọt vào “mắt xanh” của hệ thống đại siêu thị BigC.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc HTX Đặng Xá chia sẻ: Từ năm 2012, hợp tác xã có 106 thành viên với tổng diện tích sản xuất rau an toàn 110ha, trong đó có 15ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Hàng năm, chúng tôi cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 tấn rau, củ, quả các loại.
Cũng theo ông Mạnh, trước đây, khi chưa có chứng nhận VietGAP, HTX sản xuất rau an toàn chi phí cao nhưng phải bán theo giá thị trường, không ổn định. Bên cạnh đó, năng lực quản trị có hạn nên không xây dựng được kế hoạch sản xuất, sản phẩm lúc thừa lúc thiếu, không đồng nhất về kích thước, mẫu mã. Điển hình như năm 2017, chúng tôi phải đổ bỏ hàng trăm tấn bắp cải, vì lúc đó rau chưa có thương hiệu.
Khi đó, các chuyên gia của Tổ chức Rikolto của Bỉ tại Việt Nam, đã hỗ trợ chúng tôi tổ chức sản xuất và xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia – PGS. Đây là khái niệm rất mới ở Việt Nam thời điểm 2017.
Tham gia mô hình vận hành PGS, các thành viên của HTX đã thành lập 3 tổ nhóm sản xuất (khoảng 50 người/nhóm), ký cam kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm, các nhóm phải thực hiện kiểm tra – kiểm soát chéo lẫn nhau để đảm bảo rằng, tất cả các thành viên trong hợp tác xã đều tuân thủ đúng cam kết. Đặc biệt, tất cả các hộ sản xuất phải ghi nhật ký trong quá trình canh tác, đây là điểm then chốt để kiểm soát an toàn thực phẩm.
Để xây dựng thương hiệu sản phẩm rau VietGAP Đặng Xá, HTX đã phối hợp với Rikolto thiết kế logo, tem nhãn truy xuất nguồn gốc; đồng thời thành lập xưởng sơ chế, đóng gói phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Nhằm giám sát và kiểm soát an toàn thực phẩm, căn cứ vào từng loại cây trồng hàng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiến hành lấy hàng trăm mẫu test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở giai đoạn đầu vụ, giữa vụ, cuối vụ và ngẫu nhiên bất kể lúc nào để phân tích.
“Khi đã xây dựng được đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tổ chức sản xuất bài bản, chúng tôi bước đầu có vị thế để bắt tay với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tầm cỡ, điển hình như Tập đoàn Central Retail với chuỗi hệ thống siêu thị Big C phủ sóng nhiều tỉnh, thành trong nước; các bếp ăn trường học, khu công nghiệp...”, ông Mạnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ngư, trưởng nhóm sản xuất số 1 của HTX Đặng Xá, cho biết: Nhóm chúng tôi có 50 thành viên, trong đó 30 người ở thôn Đổng Xuyên và một số hộ nông dân ở thôn Hoàng Long (cùng xã Đặng Xá) với tổng diện tích trồng rau màu các loại hơn 10ha, trong đó hơn 10 chủng loại sản phẩm bán cho siêu thị Big C và Vinmart.
Ông Lê Thành Trung, Giám đốc thu mua của hệ thống siêu thị Big C, chia sẻ: Khi hợp tác trực tiếp với nông dân ở HTX Đặng Xá, chúng tôi rất tin tưởng vào chất lượng sản phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Hiện nay, rau VietGAP của HTX đã có mặt tại 4 điểm bán hàng của siêu thị Big C tại Hà Nội, được khách hàng thủ đô đón nhận rất tích cực.
Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/rau-vietgap-khang-dinh-tai-sieu-thi-d278016.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã