Ở Xóm Gò (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) có hàng chục hộ dân sống chủ yếu bằng việc trồng cây bồn bồn (hay cây cỏ nến). Là loài thực vật sống ở vùng đất ngập nước, bồn bồn phát triển trong ao hồ hoặc mé sông, nơi có dòng chảy chậm. Được xem là cây dại mọc hoang nhưng hiện cây này trở thành đặc sản của miền Tây, đặc biệt là ở Cà Mau. "Trước kia ở Sài Gòn cũng nhiều nơi trồng bồn bồn nhưng giờ chỉ còn ở xóm Gò này. Gần chục năm nay, tận dụng những ao nước tù, người dân trong xóm trồng cây này làm nghề chính", bà Trần Thị Hôn (59 tuổi) cho biết.
Mỗi sáng sớm, bà Hôn lại lội xuống ao nước sâu gần tới ngực để nhổ bồn bồn. "Nhà tôi có khoảng 9.000 m2 mặt nước trồng cây này. Cây phát triển quanh năm nhưng mọc nhanh nhất là vào đầu mùa mưa nên ngày nào cũng nhổ được", bà chia sẻ.
Bồn bồn được nhổ bằng tay hoặc dùng dao nhọn cắt sát gốc. Cây khi nhổ lên được cắt hết rễ và chặt bỏ phần lá dài ngay tại ao.
Đoạn được giữ lại là phần thân sát gốc dài khoảng 30-35 cm. Mỗi ngày, bà Hôn mất ba tiếng lội nước để nhổ và cắt bồn bồn.
Bồn bồn sau đó tiếp tục được sơ chế để loại bỏ hết phần bẹ già, giữ lại lõi non bên trong.
Phần gốc được gọt hết rễ thừa bằng dao nhọn, công việc này được chia cho nhiều người trong gia đình. "Việc hái, sơ chế bồn bồn khá đơn giản nhưng mất nhiều thời gian lắm, phải đến trưa mới xong hết việc. Trung bình mỗi ngày, tôi thu hoạch được 20 ký bồn bồn", bà Hôn nói.
Bồn bồn sau khi đã sơ chế hoàn chỉnh nhìn trắng muốt, nếu để điều kiện ngoài trời thì chỉ được hai ngày là thâm đen nên phải giao cho thương lái ngay trong ngày. Lõi bồn bồn tươi được ăn sống, chế biến vào các món xào thịt, nấu canh chua hoặc làm dưa ăn rất giòn ngọt.
Nhiều hộ dân trong xóm Gò cũng có nguồn thu nhập chính từ bồn bồn. "Ở đây nhà nào cũng có hàng nghìn m2 mặt nước trồng cây này, ngoài ra còn kết hợp nuôi cua, cá trong ao. Nhà nào nhiều người thì ngày có thể hái vài chục ký bồn bồn, bán với với giá 15.000 đồng một ký", anh Đức chia sẻ.
"Trước kia người dân ở đây sống được lắm với nghề hái bồn bồn do giá cao nhưng giờ giá xuống gần một nửa rồi. Cây này chủ yếu bán cho các chợ trong thành phố thôi", ông Sáu Cón chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã