Nâng cao giá trị nông sản
Xuất thân từ một gia đình nông dân ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, trong khi các chị đều chọn ngành y và luật, thì cô út Minh Thủy lại chọn ngành chế biến với mong muốn làm thế nào nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho bà con nông dân quê mình và mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch.
Nữ PGS - TS cả cuộc đời nghiên cứu luôn trăn trở cùng nông dân. Ảnh: H.C
Gần cả cuộc đời cống hiến cho khoa học và sự nghiệp đào tạo, năm 2010 cô Nguyễn Minh Thủy được Nhà nước công nhận hàm PGS; năm 2014 vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2016 cô đến tuổi nghỉ chế độ nhưng được Ban giám hiệu nhà trường mời ở lại tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
|
Năm 1984, Minh Thủy tốt nghiệp ngành chế biến và bảo quản nông sản Trường Đại học Cần Thơ với tấm bằng xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên. Từ đó cô bắt đầu vào việc giảng dạy và nghiên cứu. Hồi đó điều kiện khó khăn, trường không có phòng thí nghiệm, không có kinh phí; điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ hạn chế nên việc nghiên cứu của cô rất đơn thuần, thích gì nghiên cứu đó. Những sản phẩm đầu tiên của cô là từ đậu nành, như tương, chao và các món ăn…
“Năm 1991 tôi nhận được học bổng sang Thái Lan học thạc sĩ tại Viện Kỹ thuật châu Á với chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch. Đây là giai đoạn bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi. Đặt chân đến Thái Lan, tôi cảm thấy choáng ngợp trước một nền nông nghiệp phát triển vượt bậc; có sự phát triển cao trong công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Nhìn thấy sự phát triển của nền nông nghiệp nước bạn, tôi liên tưởng đến nước nhà; đến ĐBSCL quê hương mình, rất đa dạng nông sản nhưng ít ai nghĩ và nghiên cứu đến khâu bảo quản sau thu hoạch mà chỉ dừng lại ở công đoạn bán tươi”- bà Thủy bộc bạch.
Từ suy nghĩ, trăn trở đó, sau 3 năm về nước, cô bắt tay vào nghiên cứu ngày đêm, quá trình chế biến được thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn. Bên cạnh quá trình tồn trữ tươi phải có sản phẩm chế biến, sản xuất từng loại thực phẩm phục vụ cho từng đối tượng khác nhau.
Năm 2007, nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thực phẩm tại Vương quốc Bỉ, về nước, cô Thủy đến Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đặt vấn đề về việc chế biến các sản phẩm nông sản đặc thù của từng tỉnh và được lãnh đạo các tỉnh ủng hộ. Cô Thủy bắt đầu với cây mía ở Hậu Giang, với công nghệ làm thế nào để mía có chữ đường cao.
Năm 2010 công trình nghiên cứu của cô thành công, người dân vùng mía Hậu Giang “sướng rơn” vì tự biết nâng cao chất lượng cây mía, cách bảo quản trong thời gian chờ thu gom, nhận biết chữ đường... nên không lo bị thương lái ép giá. Tiếp đó là nâng cao chất lượng trái khóm, trái gấc (Hậu Giang); rượu vang thốt nốt (An Giang); chôm chôm (Bến Tre); hồng quân, khoai lang (Vĩnh Long); hành tím (Sóc Trăng); hạt sen (Đồng Tháp)…
Trên 60 sản phẩm sạch ra đời
Nhà giáo Minh Thủy luôn luôn hết lòng với thế hệ trẻ, hướng dẫn sinh viên thực tập tại phòng thí nghiệm. Ảnh: H.C
Trước tình hình thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm không sạch, ngâm tẩm hóa chất... mà khó kiểm soát, rất nguy hại cho sức khỏe của con người, cô Thủy lại trăn trở phải nghiên cứu ra sản phẩm sạch từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, tăng lợi nhuận cho nhà nông.
“Mong muốn chung của người người tiêu dùng về thực phẩm là mùi thơm và màu sắc đẹp. Chính vì vậy không ít nhà sản xuất đã lấy màu nhân tạo để đưa vào sản phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Chất màu trong rau quả là chất đặc biệt quan trọng đối với cơ thể người, đó là hợp chất sinh học rất quý, góp phần chống ôxy hóa, chống lão hóa, ngăn ngừa bệnh tật đối với con người. Tại sao mình không tận dụng sản phẩm tự nhiên có sẵn đó để làm ra sản phẩm sạch, có chất lượng cao phục vụ lại cho ngươi dân của mình?”- cô Thủy chia sẻ về tâm niệm làm việc của mình.
Từ tâm niệm đó, cô bắt tay vào nghiên cứu hàng loạt sản phẩm có màu sắc từ tự nhiên, tốt cho sức khỏe con người. Nguyên tắc của cô là sản phẩm làm ra trước tiên là cho mình, người thân, bạn bè ăn nên phải đảm bảo các tiêu chí ngon, sạch, an toàn và có bổ trợ cho sức khỏe, chẳng hạn như: Màu trắng được làm từ trái mãng cầu, hạt sen, gạo; màu đỏ từ trái thanh long; màu cam từ trái gấc, thanh trà; màu vàng từ bí đỏ, khóm, xoài; màu xanh, tím từ đậu biếc… Từ công thức đặc biệt, cô cho sản phẩm lên men tạo mùi tự nhiên và đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao nhất.
Tính đến nay, cô Nguyễn Minh Thủy đã nghiên cứu thành công trên 60 sản phẩm công nghệ sạch, không chất tạo màu, tạo mùi, đặc biệt là không chất bảo quản. Đến nay cô đã chuyển giao cho doanh nghiệp 16 công nghệ chính thức ra thị trường, như: Khóm cô đặc, nước gấc, rượu vang thốt nốt, vang dâu tầm, vang khóm, vang hồng quân, sữa gạo, vang sim, khoai lang tím, thanh trà…
“Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay là sớm chuyển giao công nghệ các sản phẩm còn lại cho doanh nghiệp, để người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm sạch. Sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ triệt để và người nông dân có thể sống tốt, thậm chí làm giàu từ chính sản phẩm, sức lao động của mình. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đa dạng các loại sản phẩm khác nhau. Từ một nguyên liệu chế biến thành nhiều sản phẩm, tạo ra bộ sưu tập sản phẩm từ thanh long, khoai lang, hành tím, khóm, mãng cầu, xoài…”- cô Thủy chia sẻ.
Nhận xét về “bà đỡ” nông sản sạch xứ đồng bằng Nguyễn Minh Thủy, PGS-TS Lê Văn Hòa - Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Cô Thủy là người hòa đồng, thân thiện và nhiệt tình với đồng nghiệp. Còn về công tác chuyên môn, cô có rất nhiều đóng góp cho khoa, cho nhà trường trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là giai đoạn cô Thủy tốt nghiệp tiến sĩ ở Bỉ trở về, cô cho ra đời hàng loạt công nghệ cao.
“Cô Thủy là một trong những cán bộ của khoa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học; từ năm 2010 đến nay cô chủ trì và tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh nghiên về sản phẩm nông sản loại xuất sắc; công bố hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước; hướng dẫn thành công 42 luận văn cao học…” – PGS-TS Lê Văn Hòa cho biết thêm.
Theo Hồng Cẩm/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã