Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết ngày 12/8 vừa qua, tờ Bưu điện Bangkok (Bangkok Post) đã đăng tải thông tin về việc Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm vô thời hạn đối với nhãn Thái Lan xuất khẩu vào nước này vì nhiễm rệp sáp.
Bangkok Post dẫn nguồn tin của Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (Bộ Thương mại Thái Lan) cho biết lệnh cấm bắt đầu từ ngày 13/8/2021.
Nguyên nhân lệnh cấm bởi các lô nhãn xuất khẩu của Thái Lan vào Trung Quốc bị phát hiện rệp sáp. Cục Xúc tiến thương mại Quốc tế Thái Lan cũng cho biết đã chỉ đạo tùy viên thương mại ở Trung Quốc tìm cách hoãn lệnh cấm, vì lệnh cấm được ban hành và áp dụng quá gấp rút.
Nếu các cuộc đàm phán thất bại, xuất khẩu nhãn của Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi 70 - 80% lượng nhãn xuất khẩu của Thái Lan là sang thị trường Trung Quốc.
Trước động thái này của phía Trung Quốc, ngày 16/8, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, đã đề nghị các địa phương cũng như hệ thống ngành BVTV và kiểm dịch thực vật của Việt Nam siết chặt các biện pháp để đảm bảo các lô hàng trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (nhất là nhãn, thanh long) không bị nhiễm các đối tượng dịch hại, đặc biệt là rệp sáp nhằm duy trì hoạt động xuất khẩu trái cây của nước ta một cách thông suốt sang thị trường Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Rệp sáp là sinh vật gây hại rất phổ biến tại nước ta, không chỉ đối với các loại cây ăn quả chủ lực như nhãn, thanh long, cây có múi… mà còn trên các loại cây trồng khác.
Vì vậy, nếu không có sự kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ ngay tại các vùng trồng, cũng như áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong hoạt động kiểm dịch thực vật thì rất dễ bị nhiễm đối tượng dịch hại này trên các lô hàng trái cây xuất khẩu, nhất là các loại trái cây quan trọng, hiện đang vào mùa thu hoạch rộ và xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc như nhãn, thanh long…
Theo đó, Cục BVTV đề nghị các địa phương chỉ đạo hệ thống ngành BVTV tăng cường công tác quản lý vùng trồng, giám sát vùng trồng, nhất là các vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số có nguy cơ cao về nhiễm dịch hại, đặc biệt là rệp sáp, cần rà soát, kiểm tra chặt chẽ các đối tượng dịch hại thuộc diện kiểm dịch của phía Trung Quốc (nhất là với rệp sáp và ruồi đục quả). Vùng trồng nào có rủi ro cao nhiễm dịch hại thì chủ động tạm dừng việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc.
Cục BVTV đề nghị các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp sơ chế đóng gói, xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc đặc biệt quan tâm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BVTV và kiểm dịch thực vật tập trung cao nhất việc tuân thủ các quy định trong tổ chức sản xuất, quản lý giám sát và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại (nhất là rệp sáp); tuân thủ nghiêm các biện pháp, quy trình kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cục BVTV cho biết, sẽ chỉ đạo hệ thống chuyên ngành kiểm dịch thực vật siết chặt các biện pháp kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với các lô hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới từ các vùng trồng tới cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu cũng như kiểm dịch tại cửa khẩu…
Cụ BVTV cũng cho biết, thời gian qua, cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu vẫn phát hiện có các loài rệp gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc trên các loại quả tươi như chôm chôm, chuối, xoài, thanh long, mít, nhãn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về giải pháp dài hạn, thường xuyên, Cục BVTV đề nghị các địa phương và hệ thống ngành BVTV phải thường xuyên kiểm tra, giám sát vườn trồng để phát hiện rệp, đẩy mạnh áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để quản lý rệp và các loại sinh vật gây hại trên vườn cây ăn quả xuất khẩu.
Chỉ sử dụng thuốc BVTV để trừ rệp khi thật cần thiết và khi sử dụng phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”.
Lưu ý phòng, trừ rệp sáp
Rệp sáp là loài côn trùng thuộc họ rệp sáp (Coccidae), rệp sáp vảy (Diaspididae), và rệp sáp phấn (Pseudococcidae) gây hại trên nhiều loài cây trồng lâu năm như cây ăn quả, cây công nghiệp.
Trong sản xuất, nông dân thường hiểu rệp sáp là rệp sáp phấn. Rệp trưởng thành họ rệp sáp (Coccidae) thường có lớp sáp bao phủ bên ngoài, họ rệp sáp vảy (Diaspididae) thường có hình dạng như vảy ốc còn rệp sáp phấn (Pseudococcidae) có hình ô van được bao phủ bằng lớp phấn sáp.
Các loài rệp sáp khi trưởng thành thường cố định một chỗ, chích hút nhựa cây, quả và đẻ con ngay phía dưới bụng nên khả năng sinh sản nhanh, trong một năm có thể có từ 6 - 7 thế hệ.
Đối với các loài gây hại các bộ phận cây ở trên mặt đất, chúng thường bám vào mặt sau lá, cành bánh tẻ, cành non, cuống các chùm hoa, quả… để hút dịch nhựa cây làm cho lá chuyển màu vàng, thô ráp, héo khô, đọt non có thể bị thui chột, cành nhỏ, hoa rụng sớm, qủa không phát triển được và rụng.
Đối với những loài gây hại bộ phận cây dưới mặt đất, rệp sáp chui xuống đất bám vào hút dịch ở gốc thân, cổ rễ. Khi rễ bị hại nặng cây cằn cỗi, lá vàng rồi héo dần và chết do bộ rễ bị phá hủy, không còn khả năng hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.
Khi rệp hại lâu ngày ở rễ, chúng cộng sinh với nấm trong đất tạo thành những vùng u lớn bề mặt xù xì màu trắng xám bao quanh các đoạn rễ (nông dân hay gọi là “măng xông”), bên trong là rệp đủ các tuổi bám chặt vào mặt rễ đã bong tróc hết vỏ để chích hút. Tuyến trùng, nấm gây bệnh cũng theo các vết thương do rệp tạo ra xâm nhập gây tác hại trầm trọng hơn.
Rệp sáp thường lây lan nhờ kiến, chất thải của rệp sáp là thức ăn cho các loài kiến sống cộng sinh trên cây. Kiến vừa ăn dịch từ rệp sáp tiết ra, vừa tha rệp sáp chui xuống đất và rệp sáp tiếp tục bám chích hút nhựa ở gốc cây, rễ cây.
Rệp sáp còn lây lan theo nước mưa, nước tưới hoặc các công cụ làm vườn. Trên các vườn mới trồng, rệp sáp phát sinh chủ yếu từ giai đoạn cây có quả, ban đầu xuất hiện ở một số cây sau đó mới lây lan dần sang các cây khác xung quanh.
Để phòng chống rệp sáp, người dân cần thực hiện đồng bộ những biện pháp quản lý tổng hợp (IPM) như sau:
Biện pháp canh tác: Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm sự xuất hiện của rệp sáp, loại bỏ bằng cách ngắt cành, quả có rệp sáp đem tiêu hủy.
Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già, cành tược nằm trong tán lá để vườn cây thông thoáng. Kiểm tra, vệ sinh công cụ làm vườn nhằm hạn chế sự phát tán rệp từ vườn này sang vườn khác, cây này sang cây khác.
Thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mục ở xung quanh gốc để phá bỏ nơi trú ngụ của rệp sáp. Dùng máy bơm xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp đeo bám có tác dụng rửa trôi bớt rệp, đồng thời tạo ẩm độ trên cây làm giảm mật số rệp.
Biện pháp sinh học: Bảo vệ các loài thiên địch của rệp sáp như ong kí sinh, các loài bắt mồi ăn thịt bọ rùa, kiến vàng, bọ đuôi kìm…
Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để trừ rệp sáp theo nguyên tắc bốn đúng. Chỉ phun thuốc nơi có xuất hiện rệp sáp.
LÊ BỀN/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã