Nghe theo tiếng gọi của Việt Minh... nhất tề đứng lên đánh đổ ách thống trị của đế quốc phát xít và chính quyền bù nhìn tay sai, giành lại độc lập, tự do, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.
Bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, dựa vào sức mình là chính của Cách mạng Tháng Tám 1945 được Đảng bộ và nhân dân trên cả nước vận dụng sáng tạo, đạt hiệu quả khá toàn diện trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Kinh tế nông thôn xin giới thiệu cách vận dụng bài học này của Tuyên Quang - “Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến” - trong XDNTM.
Là tỉnh còn nhiều khó khăn song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng cao của nhân dân, sau 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 -NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến đã thực sự “chuyển mình”.
Diện mạo mới
Theo ông Nguyễn Thế Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tuyên Quang đã khoác lên mình diện mạo mới, NTM được nâng lên cả “chất và lượng”. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm, sản lượng lương thực hàng năm trên 34 vạn tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch canh tác nông nghiệp theo giá thực tế, đạt 97 triệu đồng/ha năm 2020.
Các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó, vùng cam trên 8.650ha; vùng chè 8.460ha; vùng bưởi 5.190ha; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 5,8%/năm
Giá trị sản phẩm thuỷ sản nuôi cá thâm canh trên ao hồ đạt 92 triệu đồng/ha. Hiện, Tuyên Quang đứng đầu cả nước về cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC với hơn 35 nghìn hecta; diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn 69.862ha; năng suất rừng trồng đạt bình quân 16m3/ha/năm; thu hút đầu tư 04 dự án chế biến gỗ, 01 dự án sản xuất giống cây lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%.
Hết năm 2020, tỉnh có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; ngành nghề nông thôn và dịch vụ nông nghiệp có sự phát triển, tỉnh có 15.316 cơ sở kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 20.500 lao động.
Hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, giao thương nông nghiệp. Sau hơn 10 năm thực hiện XDNTM, hơn 4.100km đường giao thông nông thôn được bê tông hoá. Hệ thống công trình thủy lợi cung cấp nước tưới chủ động cho trên 84,5% diện tích gieo cấy.
Giai đoạn 2008 - 2020, Tuyên Quang hỗ trợ xoá 19.413 nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn tăng 4,15 lần lần so với năm 2008… Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 9,03%.
Đến nay, tỉnh có 47/124 xã ( chiếm 37,9%) đạt chuẩn NTM, 02 xã đạt NTM nâng cao, nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh lên 15 tiêu chí/xã. Hiện, thành phố Tuyên Quang đang đề nghị Chính phủ xét công nhận hoàn thành xây dựng NTM.
Những năm qua, Tuyên Quang ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất văn hóa nông thôn phù hợp với từng giai đoạn, theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Huy động đa dạng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn vốn, các chương trình, dự án và triển khai thực hiện kịp thời các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Trung ương, của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống ở nông thôn. Hơn 10 năm qua, nguồn lực hỗ trợ phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Tuyên Quang lên tới gần 40 nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, trên tinh thần nhìn thẳng, nói thật, lãnh đạo tỉnh nhận thấy, Tuyên Quang còn một số hạn chế: việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ còn chậm, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch; sản phẩm hàng hóa có chất lượng và quy mô xuất khẩu chưa nhiều; liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm quy mô còn hạn chế; đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm; đời sống nông dân tuy được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thấp…
Còn nhiều việc phải làm
Mục tiêu tỉnh Tuyên Quang đặt ra đến năm 2025 là, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1ha canh tác nông nghiệp, rừng trồng, nuôi trồng thủy sản gấp 1,3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn mới; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%. Trên 68% số xã đạt chuẩn NTM, có trên 30% xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; nâng số tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh trên 17 tiêu chí/xã.
Đến năm 2030, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch canh tác nông nghiệp trên 150 triệu đồng/ha; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 88 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn mới; duy trì tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%. Tất cả các xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM; 06/06 huyện đạt chuẩn huyện NTM
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Nghị quyết 26 diễn ra mới đây, bà Lê Thị Kim Dung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang nhấn mạnh, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được ưu tiên.
Bà Lê Thị Kim Dung yêu cầu, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết 26 và Chương trình XDNTM. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các cơ chế, chính sách đã ban hành, nghiên cứu, bổ sung và ban hành các chính sách mới cho phù hợp với từng giai đoạn.
Các ngành, địa phương phải xác định, XDNTM chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của từng đơn vị, địa phương, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống và muốn sống. Cần đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, hiệu quả, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
“Cần quan tâm đào tạo nghề về kỹ năng sản xuất, thích ứng với thị trường cho người dân, kiên quyết không để tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mình thực sự là chủ thể trong mọi chính sách, chương trình hỗ trợ, theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”… Đặc biệt, các địa phương phải chú ý thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông thôn, để người nông dân ly nông nhưng không ly hương, không để ai bị bỏ lại phía sau…”, bà Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã