Trước thực tế đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân… đã có những giải pháp chủ động thích ứng, hình thành cách quản trị nông nghiệp mới, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.
Khó lưu thông, khó tiêu thụ
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian này, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt với quy định lái xe và phụ xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được vào địa phương khiến việc lưu thông hàng hoá gặp khó khăn, tăng chi phí vận chuyển. Chưa kể các nhà máy sản xuất ở nhiều nơi phải tạm ngừng hoạt động.
Nhiều địa phương chưa thống nhất được cách thức vận tải hàng hóa, ví dụ, có địa phương quy định giấy xét nghiệm có hiệu lực 5-7 ngày, nơi lại 3 ngày, có địa phương lại yêu cầu cách ly đối với lái xe đi đến từ vùng dịch... Đơn cử, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh quy định giấy xét nghiệm có hiệu lực 3 ngày; Long An quy định 5 ngày và Đồng Nai quy định 7 ngày... Việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên (test nhanh) và PCR cũng chưa thống nhất, gây khó khăn lái xe khi vận chuyển hàng hoá nhu yếu phẩm, nông sản.
Qua báo cáo của Cục Trồng trọt về tình hình thu mua lúa gạo vụ hè thu 2021 tại ĐBSCL, lượng thu mua sụt giảm từ 20-30%. Cùng với đó, việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Qua nắm bắt ở các địa phương, việc giá lúa giảm thời gian qua chủ yếu do hoạt động thu mua lúa của doanh nghiệp, thương lái gặp trở ngại do các địa phương áp dụng việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển do dịch Covid-19.
Báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ cho biết, hiện nay toàn vùng còn khoảng 3 triệu tấn lúa hè thu và thu đông sớm chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang (TP Cần Thơ đã thu hoạch xong lúa hè thu). Do gặp khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ, dẫn đến giá lúa tươi bán tại ruộng thấp.
Về góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cho biết, hiện nay chuỗi cung ứng logistics lúa gạo đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; lúa bị ách tắc từ đồng ruộng cho đến nhà máy, cảng xuất khẩu.
Trong tình trạng tương tự , Vĩnh Long là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn thứ hai tại ĐBSCL với hơn 60 nghìn hecta. Hiện nay, tỉnh đang có hai loại trái cây chủ lực đang thời điểm thu hoạch rộ là nhãn và cam sành. Hiện cam sành tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, đầu ra của nhãn thì đang gặp khó.
Đồng Tháp có khoảng 35.000ha cây ăn trái. Một số loại có diện tích lớn, sản lượng cao như: xoài 12.108ha, sản lượng gần 130.000 tấn; quýt 2.360ha, sản lượng 70.000 tấn; nhãn gần 5.500ha, sản lượng 55.000 tấn,...
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, sẽ thúc đẩy thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn… |
Đắk Lắk có nhu cầu cung ứng và xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm như: cà phê (557.000 tấn), hồ tiêu (78.000 tấn), sầu riêng (100.000 tấn)… Đặc biệt là quả bơ đang vào vụ thu hoạch với sản lượng trên 80.000 tấn…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao…; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…
Linh hoạt tìm giải pháp
Để giải quyết tình trạng khó khăn từ việc lưu thông hàng hóa, nông sản, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ đã thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hoạch, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản trên địa bàn với điều kiện con người phải được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR mẫu gộp) còn hiệu lực. Doanh nghiệp cập nhật danh sách lực lượng nhân công ở các nhà máy gửi các địa phương để được cấp phép đi lại. Đồng thời, sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy…).
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ cũng thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh, thành phố. Đồng thời cũng kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua dự trữ lúa gạo.
Theo ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất lưu thông trái cây. Trong đó, mỗi huyện sẽ thành lập các tổ thu gom trái cây mà thành phần nòng cốt là thương lái, HTX… Các thành viên tổ này sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19.
Bên cạnh đó, Vĩnh Long đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh mua sắm online, bưu điện và các sàn giao dịch điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Thông tin và Truyền thông. Còn vận chuyển thì có Viettel Post. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản gồm các sở, ngành do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm tổ trưởng. Sở Công Thương Vĩnh Long làm đầu mối kết nối với Sở Công Thương TP.HCM.
Bến Tre hiện có sản lượng lớn trái cây đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch như nhãn (660 tấn), chôm chôm (300 tấn), sầu riêng (50 tấn), bưởi da xanh (1.200 tấn)… Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, các địa phương quan tâm đảm bảo an toàn cho chợ dân sinh, ưu tiên test nhanh cho tiểu thương buôn bán tại chợ. Những nông sản nào có thể neo lại, chờ thu hoạch sau thì cơ quan chức năng cần có hướng dẫn kỹ thuật để người dân thực hiện, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, Bộ sẽ tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet...) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ. Đồng thời, Bộ phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội (Phụ nữ, Đoàn thanh niên...) xây dựng chương trình hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.
Quản trị nông nghiệp mới trong tương lai
Trước tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 3149/QĐ-BNN-VP ngày 18/7/2021 về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 (gọi tắt là Tổ Công tác 970), do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng.
Khi được thành lập, nhiệm vụ của Tổ công tác 970 là giữ vững cung – cầu nông sản trong mùa dịch, tránh tình trạng ách tắc, không chỉ cho cách tỉnh phía Nam mà còn cho cả các tỉnh, thành phố phía Bắc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thành viên của Tổ Công tác 970, cho biết, chỉ sau hơn 3 tuần thành lập, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kết nối được hơn 1.140 đầu mối cung ứng, tiêu thụ nông sản.
“Khi có ý tưởng thành lập trung tâm kết nối, tiêu thụ nông sản, quan điểm của Bộ là muốn hình thành cách quản trị nông nghiệp mới trong tương lai. Nó sẽ là hình thức mới, đóng góp vào các hình thức kết nối, cung ứng nông sản trước đây nhưng chủ yếu là tự phát. Với trung tâm này, sẽ định hình cung cầu nông sản rõ hơn, và mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Hiện, Tổ công tác 970 đang vừa chạy vừa xếp hàng, từ nền tảng là các đầu mối kết nối cung ứng, tiêu thụ này, Tổ đang xây dựng một trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và PTNT ở phía Nam với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ. Hiện, Tổ công tác đang hoàn thiện đề án với mục tiêu duy trì và nâng cấp trung tâm lên cấp vùng.
“Chúng tôi cũng gợi ý các địa phương thành lập các tổ công tác, không chỉ ứng phó trong mùa dịch mà có thể ứng phó với những biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh khác cũng có thể kết nối, tiêu thụ nông sản. Khi tổ công tác 970 hết nhiệm vụ, trung tâm này sẽ đi vào hoạt động, hiện chúng tôi đã xây dựng website để các đơn vị tự đăng ký, hình thành cơ sở dữ liệu lâu dài về vấn đề này. Chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là trung tâm bán hàng của tương lai, có nghĩa mọi người có thể đặt hàng từ khi xuống giống”, ông Lê Thanh Tùng nêu kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chúng ta hay nói về liên kết vùng, vì vậy, đây là dịp để liên kết với nhau, bởi chúng ta hiểu rằng không gian kinh tế ngành hàng nông sản ở ĐBSCL không phải chỉ phân chia theo địa giới hành chính, ở từng địa phương cụ thể, mà có tính liên quan, liên kết trong toàn vùng, nhất là hệ thống thương lái, vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề xuất, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp. Bởi những cơ sở chế biến trong chuỗi cung ứng không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn tác động đến đời sống của hàng triệu người nông dân.
Đặc biệt, để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế một cách an toàn, Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa đề xuất với Chính phủ kế hoạch triển khai chiến dịch phát triển doanh nghiệp xanh. Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV, việc thiết lập các doanh nghiệp xanh tiến tới hình thành các vùng xanh tại Việt Nam sẽ giúp duy trì sản xuất kinh doanh trong nước, tăng niềm tin với các đối tác quốc tế.
Theo đề xuất này, doanh nghiệp xanh trước mắt gồm doanh nghiệp sản xuất xanh và doanh nghiệp vận tải/logistics xanh, tiến tới doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, trang trại xanh... Trong đó, toàn bộ lái xe, nhân viên logistics, công nhân sản xuất, người lao động được tiêm đủ vắc-xin. Mọi hoạt động sản xuất, vận hành trong khu vực trụ sở doanh nghiệp được đưa về trạng thái bình thường kết hợp duy trì “5K” trong quá trình giao tiếp với ngoài doanh nghiệp. Như vậy, có thể hiện quy trình ứng xử với Covid-19 tại trong các doanh nghiệp này áp dụng như với cúm mùa thông thường để tập trung tối đa nguồn lực cho sản xuất. Được cấp QR code về tình trạng tiêm chủng kèm tuân thủ quy định 5K lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng, xuất - nhập khẩu.
“Dù có thể vẫn phải chấp nhận quy mô công suất chưa đạt 100% nhưng có duy trì được sản xuất, duy trì được sản lượng và lực lượng lao động thì mới giúp các chuỗi cung ứng được khởi động trở lại, qua đó giúp đảm bảo mục tiêu kép đặt ra”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nêu nhận xét.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã