Đánh giá của cơ quan chức năng tại Thái Nguyên, dịch Covid 19 có làm giảm sản lượng tiêu thụ nông sản song người làm nông nghiệp tại địa phương vẫn có thể duy trì theo hướng sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng nông sản. Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ tụt giảm chủ yếu ở nhóm ngành hàng nhập khẩu hoặc từ các địa phương khác nhập về. Đây chính là thời điểm, là cơ hội để phát huy hiệu quả kết nối tiêu thụ trên địa bàn.
Ông Ngô Tất Khánh (Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ Minh Cầu) cho biết, với hệ thống các siêu thị lớn trên địa bàn, mỗi ngày, lượng tiêu thụ nông sản của công ty rất lớn. Chính vì vậy, chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được công ty đặt lên hàng đầu.
Tất cả các nhà cung ứng nông sản đều được công ty ưu đãi, hỗ trợ và ràng buộc việc duy trì chất lượng sản phẩm bằng hợp đồng với giá luôn cao hơn thị trường. Bên bán có trách nhiệm với sản phẩm cung ứng, bên bao tiêu kiểm tra chất lượng thường xuyên và phản hồi. Cứ sau nửa tháng, 2 bên thống nhất lại giá cả và thủ tục trao đổi.
Ông Hoàng Công Bằng (Đại diện Công ty TNHH Hưng Nguyên Thịnh) cho biết, đơn vị của ông cung ứng sản lượng trung bình 1 tấn thịt lợn/ngày cho hệ thống siêu thị Minh Cầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngoài đảm bảo chất lượng thịt, còn phải đáp ứng yêu cầu về thời gian. Phía đối tác cần thời điểm nào thì thịt lợn thời điểm ấy. Phát sinh ngoài mong muốn khi siêu thị phản ánh về chất lượng sản phẩm thịt lợn sẽ được công ty thu hồi ngay và bù vào bằng sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Thịnh (Giám đốc HTX chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh, huyện Phú Bình) cho biết, toàn bộ quy trình sản xuất thịt gà từ ấp trứng, nuôi con giống, chăn nuôi gà thương phẩm cho tới tiêu thụ được HTX thực hiện theo quy trình khép kín “từ quả trứng đến bàn ăn”.
Thực tế đó, đem lại hiệu quả là HTX có đầu ra ổn định. Siêu thị Minh Cầu là một trong những khách hàng bền vững, đảm bảo hai bên cùng vị mục tiêu lớn là chất lượng sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng. Mặc dù, dịch Covid 19 ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng song những đối tác chiến lược vẫn luôn đảm bảo về giá bán cũng như sản lượng, doanh số.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch rau các loại tại Thái Nguyên ước đạt 96.009 tấn, chè thu hoạch 6 tháng đầu năm đạt 25 nghìn tấn chè búp khô, nhãn thu hoạch trong khoảng tháng 9 ước đạt 5.500 tấn, bưởi quả thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 01/2022 ước đạt 16.000 tấn, na sản lượng quả thu hoạch đạt khoảng trên 4.500 tấn...
Ông Dương Sơn Hà (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên) cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động kết nối cung cầu cho nông sản đến với các hệ thống tiêu thụ như siêu thị, cửa hàng tiện ích, các bếp ăn tập thể.
Cho đến nay, sản lượng nông sản được sản xuất tại Thái Nguyên đã đáp ứng phần lớn số lượng tiêu thụ tại các hệ thống nói trên. Tỉnh Thái Nguyên cũng xây dựng kế hoạch (Kế hoạch số 32) kiểm tra việc cung cầu nông sản để định hướng tiêu thụ. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 05 thực hiện hỗ trợ tập trung, đáp ứng quy mô vùng cho các HTX và tổ hợp tác.
Theo đó, đề án nông nghiệp chủ lực của Thái Nguyên đã xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể vào phương án sản xuất. Để khuyến khích, nhân rộng các phương thức sản xuất an toàn, đề án đã chọn quy mô sản xuất rau an toàn Vietgap với diện tích 25 ha, 170 ha cây ăn quả. Ngay trong vụ đông tới đây, kế hoạch hỗ trợ giá giống đã được xây dựng với xấp xỉ 300 ha rau, 300 ha cà chua, 400 ha bí xanh, khoai tây...
Có thể thấy, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong lúc này. Cáh thức triển khai tại Thái Nguyên về lâu dài là chiến lược tiêu thụ nông sản bền vững. Hướng đến việc hình thành các vùng nông nghiệp tập trung, sản xuất, chế biến hiện đại, có sự liên kết hợp tác lâu dài, bền chặt giữa doanh nghiệp và người nông dân, tích cực tham gia các hoạt động kết nối cung cầu… nhằm tạo chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đồng Văn Thưởng/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã