Cần 28- 30 triệu tấn TACN/năm
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) - Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, trong 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 5-6%/năm. Trong đó ngành gia cầm có sự tăng trưởng nhanh nhất, đạt bình quân 7-8%/năm về đầu con và 11-12% về sản lượng thịt, trứng. Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn công nghiệp (TACN) ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13-15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
“Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, nguyên liệu TACN trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, năm 2020 giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và NPL tăng 3,75% và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tăng là 36,6% (số sơ bộ) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được đưa ra của việc tăng giá TĂCN thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu TACN trên thế giới giảm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm; các tác động của đại dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cộng thêm với nguồn cung trong nước còn hạn chế”, Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn cho hay.
Nhu cầu về nguyên liệu TĂCN của Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo dự báo của VIPA, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ cần khoảng 28- 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm, trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu TACN (14,5-15,0 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung và giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới rất khó dự đoán trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh đại dịch covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có thể tiếp tục làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.
Chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) Trần Xuân Định cho biết, hiện tại năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn, do đó, việc đưa vào sản xuất các giống ngô BĐG với năng suất cao và khả năng chống chịu tốt hơn đồng thời mở rộng diện tích canh tác ngô sẽ là các giải pháp cơ bản để tăng sản lượng ngô sản xuất trong nước.
Báo cáo phát hành gần đây về “Tác động kinh tế xã hội của ngô BĐG giai đoạn 2015 – 2019 tại Việt Nam” cho thấy ngô BĐG đã giúp tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô đã bỏ lõi/ha) so với các giống ngô lai truyền thống. Như vậy nếu mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô này, tiềm năng bổ sung thêm nguồn cung ngô hạt trong chuỗi TĂCN càng lớn.
“Bên cạnh đó, ngô BĐG cũng đang giúp nâng cao thu nhập ở cấp độ nông hộ từ 3.75 – 6.65 triệu đồng/ha. Đây là lợi ích đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, khi đảm bảo sinh kế cho nông dân, đẩy mạnh chuỗi cung ứng tại chỗ và đảm bảo an ninh lương thực đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngô BĐG cũng cho thấy khả năng chống chịu nổi bật trước sự xuất hiện của những dịch bệnh mới, trên 90% đối với sâu keo mùa thu. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng các giống mới năng suất cao và có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu cũng đang là định hướng để nâng cao sản lượng và chất lượng ngô thu hoạch trên mỗi đơn vị canh tác”, ông Trần Xuân Định nhấn mạnh.
Theo ông Trần Trọng Nghĩa – Trưởng đại diện Văn phòng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, những nước đang cung cấp nguồn TĂCN trên thế giới bao gồm năng lượng (ngô) và protein (đậu tương) cũng là các quốc gia hàng đầu về canh tác và sản xuất cây trồng BĐG. Trên thị trường thế giới, không phân biệt đó là ngô được sản xuất từ giống thông thường hay giống BĐG, nếu được phân loại cùng phẩm cấp (thường dựa vào nước sản xuất, độ ẩm, tỷ trọng của hạt) thì sẽ được xem là như nhau trong quá trình vận chuyển, thương mại và sản xuất TĂCN. Hiện tại, ngô BĐG đang chiếm tỷ lệ lớn và đóng góp khoảng 75% nguồn cung trên toàn cầu. Báo cáo của AgroMonitor cũng chỉ ra rằng ngô là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về cả khối lượng lẫn giá trị.
Bà Đinh Thị Thúy Phương thuộc Tổng cục Thống kê cho biết thêm, biến động giá thức ăn chăn nuôi trong nước chịu ảnh bởi giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới và giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất. Tại thị trường Chicago (Mỹ), 6 tháng đầu năm 2021, bình quân chỉ số giá thức ăn chăn nuôi tăng 49,32% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đậu tương tăng 65,64%, ngô tăng 71,6%, lúa mỳ tăng 24,41%... ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước.
Để bổ sung nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi, theo bà Đinh Thị Thúy Phương, ngành chăn nuôi cần tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm các ngành sản xuất trong nước như ngành thủy hải sản, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm...
Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước và dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã