Tổ công tác 3430 Bộ NN-PTNT được thành lập ngày 30/7. Ngay trong ngày, Tổ đã gửi Công văn số 4815/BNN-CBTTNS gửi UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát tình hình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản, vật tư nông nghiệp trên địa bàn và khả năng cung ứng cho Hà Nội và các địa phương lân cận trong tình hình dịch Covid-19.
Sau khi đảm bảo được nguồn cung lương thực, thực phẩm, Tổ công tác 3430 Bộ NN-PTNT tiếp tục gửi Công văn số 5063/BNN-CN ngày 11/8 đến Bộ Giao thông vận tải đề nghị, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc linh hoạt, thống nhất trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm.
Tổ trưởng Tổ công tác 3430, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Chúng tôi tập trung tháo gỡ ùn ứ ở các tuyến liên huyện, tỉnh lộ và quốc lộ, và cơ bản đã hoàn thành. Hiện chỉ còn vấn đề ở các xã, phường. Tổ công tác quyết tâm giải quyết chuyện này trong thời gian tới".
Cũng trong ngày 11/8, Tổ công tác 3430 gửi Công văn số 5064/BNN-CN tới Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tạo điều kiện, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến" một cách linh hoạt, phù hợp để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và duy trì phát triển sản xuất, chủ động nguồn cung hàng hóa cho tiêu dùng.
"Với những doanh nghiệp, cơ sở lớn có hàng nghìn công nhân, họ buộc phải thuê các khách sạn, hoặc địa điểm quanh khu vực sản xuất, chế biến để đảm bảo 3 tại chỗ. Tuy nhiên, do dịch bệnh, các doanh nghiệp khó thanh toán, chủ yếu vì nguyên nhân hóa đơn. Vấn đề này cần sự chỉ đạo, và vào cuộc của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để tạo cơ chế thông thoáng, nhanh chóng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Ngoài hai Bộ trên, Tổ công tác 3430 Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Công thương có phương án hỗ trợ tiền điện cho những doanh nghiệp sơ chế, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, đặc biệt là các đơn vị phải sử dụng kho lạnh. Tổ cũng trao đổi, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, về việc giảm lãi suất tín dụng, hoặc tạo cơ chế thế chấp khoản vay bằng chính nông sản thu mua cho doanh nghiệp.
Một loạt biện pháp kịp thời của Tổ công tác 3430 cho kết quả, khi tình hình cung ứng nông lâm thủy sản tại các tỉnh phía Bắc hiện đảm bảo. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đảm bảo cung cấp hơn 500.000 tấn thủy sản từ giờ đến cuối năm 2021. Với riêng Hà Nội, ông cho rằng, lượng cung từ hai tỉnh lân cận là Hải Dương, Bắc Ninh đã đủ đáp ứng được khoảng 80-90% nhu cầu nội tiêu.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cả hai vụ trong năm 2021, miền Bắc thu hoạch ước đạt khoảng 13 triệu tấn thóc, trong khi nhu cầu tiêu thụ, tính cả lượng dự trữ thóc giống và chế biến, chỉ khoảng 10 triệu tấn. "Sản xuất trồng trọt ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch", ông nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, Cục đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại các siêu thị. Qua rà soát, lượng cung thịt, trứng gia cầm hầu hết đều dồi dào.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác 3430, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, một số địa phương đang có dấu hiệu khan hiếm rau ăn lá. Giá của mặt hàng này đang tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố.
TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham mưu cho Tổ công tác 3430 về việc chuyển đổi cơ cấu trong chu kỳ sản xuất kế tiếp. Bà cho biết, hiện nhiều Sở NN-PTNT đề xuất xin chuyển từ đất trồng lúa sang trồng rau ăn lá ngắn ngày.
"Với hệ thống cán bộ khuyến nông rộng khắp trên cả nước, chúng tôi đã lập các tổ về các xã. Trước yêu cầu thực tế của địa phương, Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn bà con nông dân quy trình canh tác, thu mua, và cách sử dụng các chế phẩm sinh học, nhất là khi giá phân bón đang tăng như hiện nay", bà Hạnh nói.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác & PTNT cho biết thêm, rằng các hợp tác xã giờ đều có nhu cầu thông tin về thị trường, dịch bệnh. Do đó, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT cam kết hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong việc chuyển đổi, tái cơ cấu quy trình sản xuất theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc vào vật tư nông nghiệp.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật tin rằng, giá phân bón tăng có thể là cơ hội để thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng, cũng như đổi mới phương thức canh tác.
Một giải pháp nữa của Tổ công tác 3430 là xây dựng Hệ thống kết nối cung ứng nông sản trực tuyến. Đại diện đơn vị thiết kế - Hợp tác xã nông nghiệp số - cho biết, hệ thống này có thể nhập dữ liệu trực tiếp, hoặc gửi file Excel cho người quản lý hệ thống.
Tính đến ngày 13/8, bộ dữ liệu đã được xây dựng cho 63 tỉnh, thành, với 8.050 điểm bán hàng, 647 đơn vị cung cấp, 20 đơn vị thu mua.
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, khi được cấp quyền vào hệ thông, có thể theo dõi nhiều dữ liệu về tình hình cung ứng, lưu thông và vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh, hoặc các vùng trên cả nước. Hệ thống cung cấp nhiều dạng hiển thị trực quan như biểu đồ, đồ thị, kết hợp với phần dự báo đang được xây dựng, hứa hẹn sẽ giúp kết nối cung cầu nông sản cho địa phương.
Bảo Thắng - Đức Minh/nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã