Rời Thái Lan, anh Nguyễn Hữu Duẩn trở về quê hương xây dựng thương hiệu giò chả Thành Duẩn.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề làm giò chả, anh Nguyễn Hữu Duẩn cho biết, từ nhỏ đã rất đam mê và mong muốn phát triển món ngon của quê hương. Bởi thế, năm 2009, anh sang Thái Lan học nghề làm giò chả và trở thành bếp chính.
Năm 2018, anh Duẩn quyết định trở về Hà Tĩnh để gây dựng thương hiệu cho riêng mình. Để bổ sung kinh nghiệm cho bản thân, anh lại cất công tìm đến làng giò chả truyền thống Ước Lễ ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) để học hỏi.
Sau 3 năm phát triển, anh Duẩn đã tạo thu nhập ổn định cho 5-7 lao động địa phương.
Giò chả Thành Duẩn đang được nhiều người ưa chuộng bởi ông chủ luôn “kỹ tính” trong từng khâu chế biến.
Sau quãng thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh Duẩn quay trở về quê hương và bắt đầu tạo lập thương hiệu cho riêng mình. Tuy nhiên, anh gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các cơ sở khác đã gia nhập thị trường từ trước. Lúc này, anh Duẩn lại quyết định sang Lào để kinh doanh nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc của chàng trai trẻ tiếp tục gặp khó.
Không nản chí, anh Duẩn quyết tìm hướng đi mới. Nhận thấy sự phát triển của mạng xã hội, anh thường xuyên đăng tải những sản phẩm giò chả của mình lên Facebook và bất ngờ nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Dần dần, món ăn mộc mạc của anh Duẩn đã được nhiều khách hàng gần xa tìm đến.
Sản phẩm giò chả Thành Duẩn bao gồm các loại giò nạc, giò lắt, giò bì... với giá 160 ngàn đồng/kg.
“Mới đầu tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi vừa chăm mẹ bị ung thư lại vừa gây dựng sự nghiệp. Mọi công đoạn đều tự tay tôi và người thân trong gia đình cùng làm. Ban đầu số lượng giò bán ra chỉ từ 5 - 10 cây giò nhưng giờ đây tôi đã phải thuê thêm nhân công để kịp sản xuất 100 - 150 cây giò/ngày” - anh Duẩn cho biết.
Khi thương hiệu giò chả Thành Duẩn dần được mọi người đón nhận, anh mạnh dạn vay hơn 1 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, đồng thời duy trì số lượng 5 - 7 nhân công làm việc thường xuyên, trong đó anh Duẩn là kỹ thuật chính.
Sản phẩm giò chả Thành Duẩn bao gồm các loại giò nạc, giò lắt, giò bì... với giá 160 ngàn đồng/kg. Giò chả Thành Duẩn bắt đầu tham gia chương trình OCOP vào năm 2020 và đây cũng là năm thương hiệu này đạt giải B Hội thi Ẩm thực hướng tới sản phẩm OCOP Hà Tĩnh lần thứ Nhất...
Anh Nguyễn Hữu Duẩn (ở giữa) cùng món giò đạt giải B Hội thi Ẩm thực hướng tới sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2020 (Ảnh: tư liệu)
Chia sẻ về lý do khiến sản phẩm của cơ sở được nhiều người ưa chuộng, anh Duẩn cho hay, để có nguyên liệu tươi ngon thì phải tìm đến các lò thịt lợn, thịt bò để học cách chọn thịt. Ngoài ra, người làm còn phải tỉ mẩn trong cách xay giò để làm sao cho ra thành phẩm thật mịn; nêm nếm gia vị vừa phải; tìm hiểu cách gói đẹp mắt, không bị rách lá và cách luộc sao cho khi giò vớt ra có mùi thơm đặc trưng quyện với mùi lá chuối xanh.
Đặc biệt, cơ sở cũng tính toán nhằm đặt ra mức giá hợp lý với khách mua để có thể bỏ hàng lâu dài, duy trì lượng hàng bán ra ổn định...
Các giấy tờ kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất giò chả Thành Duẩn
Do cơ sở sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống nên nguyên liệu chế biến luôn yêu cầu là thịt tươi ngon, vừa được lấy về từ lò mổ. Hằng ngày, nhân viên cơ sở sản xuất giò chả Thành Duẩn phải dậy từ lúc 1h30’ - 2h giờ sáng để kịp làm việc. Ngay cả lá chuối dùng để gói giò cũng tự trồng tại nhà với yêu cầu nghiêm ngặt, rửa kỹ bằng nước sạch.
Sản phẩm giò chả Thành Duẩn đạt giải B tại Hội thi Ẩm thực hướng tới sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2020
Ông Bùi Công Thư - Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, cho biết: “Dù chỉ mới đi vào hoạt động nhưng sản phẩm giò chả Thành Duẩn đang trở thành một thương hiệu nổi bật của địa phương, được kết nối tiêu thụ tại nhiều điểm bán hàng lớn ở TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, Vũ Quang... và TP Vinh (Nghệ An). Thương hiệu giò chả Thành Duẩn ngày càng phát triển là cơ sở để chúng tôi động viên và hỗ trợ gia đình xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới”.
Ngân Giang - Anh Tấn/https://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã