Lãi “bất ngờ” từ trồng cây lấy tinh dầu
Anh Nguyễn Văn Thành (thôn Chi Đông, xã Lệ Chi) cho biết, gia đình anh có 3 - 4 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng, chủ yếu trồng ngô, lạc; cuối năm gieo thêm một ít rau mùi thơm để bán ở chợ làng, chợ xã. Cách đây 6-7 năm, anh và nhiều bà con trong xã cùng hợp tác trồng cây mùi cho cơ sở nấu tinh dầu ở xã Dương Xá. Vì vậy, gần đây, cuối các năm, anh chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng cây mùi.
Hiện, do cơ sở sản xuất tinh dầu Dương Xá làm ăn phát đạt, nên bà con trồng mùi ngày càng tăng, hộ nhiều nhất là 1 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), thu nhập 25 triệu đồng/tháng, hộ ít nhất 4 - 5 triệu đồng/tháng. Cây mùi chỉ trồng 3 - 4 tháng cuối năm, các tháng còn lại vẫn canh tác ngô, lạc, hoa màu bình thường. Đất Gia Lâm nhờ vậy nhiều năm nay chưa bỏ không bao giờ.
Mặt khác, do gia đình có ô tô chuyên chở hàng thuê, vì vậy, đến vụ thu hoạch, anh kiêm luôn việc vận chuyển mùi đi tiêu thụ cho bà con.
Cũng như những hộ trồng mùi, chị Nguyễn Thị Sương (thôn Phú Thuỵ, xã Phú Thị) cho biết, trước đây, gia đìnhchỉ trồng vài thước (1 thước đo diện tích Bắc Bộ = 24m2) cây sả để mang ra chợ bán. Cách đây 2 - 3 năm, có cơ sở chưng cất tinh dầu Phùng Xá đến hợp tác thu mua lá sả, với giá 1.500 – 2.000 đồng/kg, gia đình thuê thêm 3 sào để trồng sả cung cấp nguyên liệu.
Nếu không lấy củ, một năm nhà chị Sương bán được 3 vụ lá. Nếu lấy cả lá, củ, mỗi năm được 1 vụ lá, 1 vụ củ. Sả rất dễ trồng và không phụ thuộc vào mùa vụ, cứ 3 tháng thu 1 lứa. Hiện, đầu ra thuận lợi, giá lá sả tăng lên 3.000 đồng/kg, gia đình tập trung chuyên canh sả, để có thêm hàng cung cấp cho cơ sở thu mua.
“Mặt khác, do cơ sở tinh dầu thu mua cả mùi và sả, mùi chỉ thu hoạch vào 3 tháng cuối năm, vì vậy, gia đình trồng cả mùi và sả, hiện, đầu ra khá ổn định”, chị Sương cho biết thêm.
Giám đốc HTX Sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé, ông Phùng Đắc Kiêu (ở xã Dương Xá) cho biết, tinh bột nghệ sản xuất từ đời bố mẹ ông, đã nổi tiếng trong cả nước và đạt OCOP 4 sao năm 2019. Thế hệ ông, cây sả, bạc hà được trồng đại trà và sản xuất tinh dầu thành công ở địa phương. Theo đó, HTX cung cấp giống, vốn, bà con chỉ việc trồng, chăm sóc. Trước đây, cây sả chủ yếu được trồng để lấy củ, lá thường bỏ đi, nay được HTX thu mua với giá 1.500 đồng/kg. Cũng như tinh dầu bưởi, làm từ vỏ bưởi bỏ đi, HTX thu mua 40.000 đồng/bao tải. Biến của bỏ đi thành tiền, nên bà con rất phấn khởi.
Về tinh dầu cây mùi già, sau khi thử nghiệm thành công năm 2019, đến nay đã có 5 xã chuyên cung cấp cây mùi cho HTX, gần như nhà nào cũng trồng mùi. Hộ nhiều nhất 4-5 sào, ít nhất 1 -2 sào, vừa bán vào dịp Tết Nguyên đán, vừa cung cấp cho HTX. Đặc biệt, năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid - 19, tiêu thụ hàng hoá rơi vào khó khăn chung, song HTX vẫn thu mua hết cây mùi cho bà con. Bình quân mỗi ngày 2 tấn mùi và đang chưng cất trên 100 tấn tinh dầu.
Lương của các thành viên, nếu đủ công 27 ngày đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng; cao điểm phải thuê thêm 20 người, trả thù lao 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc và gia đình thu nhập bình quân 100 – 200 triệu đồng/tháng. Về đầu ra, khá thông thoáng do “một mình 1 giá, 1 lối đi”. “Trong kinh doanh, chỉ cần sáng tạo một chút, may mắn một chút sẽ thành công”, ông Kiêu cho biết thêm.
Góp phần XDNTM nâng cao
Đánh giá về những đóng góp của HTX Tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé, Chủ tịch UBND xã Dương Xá, ông Tô Hữu Vịnh, cho biết: “Mô hình liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín tại Dương Xá, từ vùng trồng đến các hộ kinh doanh, đã góp phần không nhỏ trong Chương trình XDNTM nâng cao của địa phương. Nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú, lượng tiêu thụ luôn đạt mức ổn định, không bị tồn hàng.
Doanh thu hàng tháng ước đạt 200 - 300 triệu đồng, số lao động luôn được duy trì 10 - 12 người. Thu nhập bình quân đầu người đạt 7 triệu đồng/tháng. Đáng ghi nhận là, năm 2019 – 2020, sản phẩm của HTX đã tham gia Chương trình OCOP và được TP.Hà Nội công nhận 11 sản phẩm đạt 4 sao.
Từ thắng lợi trên, thời gian tới, xã tiếp tục XDNTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2020 – 2025. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại; huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và quản lý, giám sát. Đặc biệt, chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP của địa phương.”
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Năm 2015, Dương Xá đã được UBND TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010 – 2015. Đến cuối năm 2020, qua việc tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, Dương Xá có 19/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của TP. Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020.
Từ thành quả trên, Dương Xá sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM nâng cao. Đồng thời, xây dựng xã NTM kiểu mẫu theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng; phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Song song với đó là thực hiện nhiều giải pháp, để đạt các chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Từng bước đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính phường theo quy định.
Đặc biệt, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại, nhất là huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại. Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã