Ông Đức có kinh nghiệm trồng màu nhiều năm tại vùng đất bị nhiễm mặn của huyện Năm Căn. Có gần 4ha đất nhưng ông Đức không tiếp tục trồng rau màu, bởi theo ông, vùng đất này bị nhiễm mặn quanh năm lại gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Khoảng năm 2010, ông đến tỉnh Bến Tre học hỏi các mô hình phát triển kinh tế và nhận thấy giống tre Mạnh Tông dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nên mua về trồng thử.
“Thấy bà con ở Bến Tre đắp đất cao trồng tre cho măng rất tốt, tôi nảy ý định mang giống tre này về trồng tại địa phương. Vậy là trao đổi kinh nghiệm xong, tôi mua giống về, đắp đất quanh nhà để làm những bờ cao, đắp mô lên trồng. Nhưng mới đầu do chưa có kinh nghiệm, tôi vun đất trực tiếp vô gốc khiến tre lên măng nhỏ như cây sậy, sau đó vun đất xa ra thì măng lớn dần”, ông Đức chia sẻ.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm cùng với chịu khó tìm hiểu thêm kỹ thuật, ông Đức dần biết cách giữ ẩm cho gốc tre Mạnh Tông bằng các loại vỏ, lá cây khô. Ông cũng biết, vun đất cách gốc khoảng 50-60cm để măng đạt chất lượng. Theo ông Đức, muốn có năng suất cao, vào đầu mùa mưa, bón 1 lần phân, đến cuối mùa mưa bón thêm đợt phân nữa để cây măng chống chịu qua mùa hạn mặn. Đặc biệt, vào mùa khô kỷ lục năm 2019-2020, ông đầu tư hệ thống máy tưới để giữ chất lượng cây măng tốt nhất.
Ông Đức cho biết, do trồng trên đất phèn mặn nên vào giữa mùa mưa là chất lượng măng tốt nhất và cũng chính là thời điểm măng cho năng suất cao nhất. Với diện tích chưa đến 3.000m2, gia đình ông có thu nhập vài chục triệu mỗi mùa. Ngoài ra, ông còn bán khoảng 300 mục măng giống cho người dân địa phương, với giá 50.000-60.000 đồng/mục.
Với bản tính cần cù, trên diện tích đất gần 4ha của gia đình, ngoài nuôi tôm, trồng măng, ông Đức còn thực hiện nuôi cá nước ngọt, trên bờ bao ông trồng thêm thanh long. Nhờ đó, hằng năm, gia đình ông có thu nhập khá cao. Trong đó, mô hình trồng măng tre đã mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.
Ông Phạm Văn Dẻn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Nước, đánh giá, mô hình đa cây đa con của ông Đức rất hiệu quả. “Ông Đức chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệp nuôi, trồng. Tre ông mua có chất lượng tốt nên cho hiệu quả cao, trung mình 1 cây măng nặng 2kg, được thương lái mua tại vườn cũng như được cung cấp tại chỗ cho bà con”, ông Dẻn nói.
Dù đã bước qua tuổi 75 nhưng với ông Đức, lao động chính là niềm vui. Trồng đa cây, nuôi đa con không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình mà theo ông thì đó cũng là cách nêu gương cho con cháu biết trân quý giá trị của lao động và phát huy tiềm năng của đất để tạo ra sản vật cho địa phương.
Măng tre (còn gọi là măng ta, tiếng Anh là bamboo, tên khoa học là Bambusa spp.) là phần non của cây tre. Măng tre rất giàu chất xơ, giúp làm mềm phân, chữa trị táo bón. Măng cũng chứa các chất giúp trị các vấn đề đường ruột, dạ dày. Ngoài ra, măng tre có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus. Đặc tính này khiến măng là phương thuốc hữu ích cho các bệnh do vi khuẩn và virus. Măng tre chứa nhiều chất dinh dưỡng như carbohydrate, protein, chất béo, chất xơ, kali, vitamin, sắt, phosphore…, có công dụng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, hỗ trợ giảm cân, chống ôxy hóa, hạ đường huyết, giảm cholesterol… Măng tre tươi có vị ngọt đậm đà nên dễ dàng chế biến thành các món ăn ngon. Tuy nhiên, khi ăn măng cần phải luộc hoặc nấu chín để loại bỏ độc tố. |
P.V/https://kinhtenongthon.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã