Hương Sơn (Hà Tĩnh) là vùng đất được thiên phú cho điều kiện địa hình tự nhiên phù hợp để phát triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc. Tuy vậy, đây cũng là nơi được biết đến với nhiệt độ cao và thời tiết khắc nghiệt trong những ngày hè. Trong thời gian khô hạn này, đồng cỏ tự nhiên không còn đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho gia súc. Vì thế nông dân địa phương rất chú trọng tới việc trồng thêm cỏ phục vụ chăn nuôi.
Để giải quyết sự thiếu hụt thức ăn cho gia súc trong mùa khô và sử dụng đất hiệu quả hơn, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tham gia dự án SIPA Hà Tĩnh. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF Việt Nam) triển khai xây dựng mô hình “Trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi”. Mục tiêu của mô hình là chuyển đổi diện tích đất màu sản xuất không hiệu quả sang trồng giống cỏ chịu hạn, có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ chăn nuôi.
Thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến thuộc huyện Hương Sơn là một trong những vùng có nền nhiệt độ cao trong mùa hè bởi vị trí thuộc vùng chịu tác động mạnh của gió phơn Tây Nam. Khi gió thổi tới phía Tây dãy Trường Sơn, hơi nước bị giữ lại, khi xuống phía đông chỉ còn gió khô và rất nóng thổi tới các huyện miền núi ở Hà Tĩnh, nhất là vùng núi Hương Sơn.
Để cải thiện hiệu quả canh tác vào những tháng mùa hè khắc nghiệt này, 31 hộ trên địa bàn xã đã tham gia mô hình chuyển đổi giống cây trồng thích ứng hơn với khí hậu. Dự án SIPA Hà Tĩnh đã hỗ trợ các hộ dân tham gia dự án tổng cộng 100% cỏ giống, 50% phân bón cho toàn bộ diện tích trồng.
Ngoài ra, các hộ còn được tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cỏ Ghine Mombasa gồm các nội dung như: Cách trồng, chăm sóc, bón phân, thu cắt cỏ cho gia súc ăn; kỹ thuật phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại.
Trong quá trình triển khai, 2,6 ha của vùng đất xưa kia hầu như không sản xuất được vào mùa hè đã được quy hoạch lại thành vùng trồng cỏ chịu hạn. Giống cỏ được đưa vào thử nghiệm là giống cỏ Ghine Mombasa, còn có tên gọi khác là Cỏ sả lá lớn, một trong những giống cỏ sả tốt, non, mềm và phát triển nhanh, có khả năng chịu hạn tốt.
Loại cỏ này không có lông nên gia súc rất thích ăn; hàm lượng protein thô trung bình từ 8 - 14 %. Sau 40 ngày vào mùa mưa và 60 ngày vào mùa khô có thể cho thu hoạch, thời gian khai thác dài, từ 5 - 6 năm mới phải trồng lại.
Cỏ được đưa vào gieo từ tháng 2/2021, đến nay sau 8 tháng triển khai đã cho người dân thấy kết quả tích cực khi cỏ vẫn tươi tốt sau những tháng mùa hè khắc nghiệt của Hà Tĩnh. Có những lúc nhiệt độ tại ruộng lên đến 43 - 45oC nhưng cỏ vẫn xanh tươi và diện tích trồng đã cho thu hoạch vừa đủ để các hộ trồng cỏ có thể chăn nuôi đàn gia súc ngay cả trong mùa khô hạn.
Quá trình triển khai thực hiện mô hình, các hộ dân luôn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn, vì thế kỹ thuật được đảm bảo. Sau 40 - 45 ngày kể từ ngày gieo, các hộ có thể thu được cỏ chăn nuôi.
Năng suất cỏ bình quân của mô hình đạt được 2,5 kg/m2/lần cắt. Ngoài ra, các hộ còn có thể mở rộng mô hình và chia sẻ giống cỏ với nhau dễ dàng bởi khi mới bắt đầu gieo trồng, tỷ lệ mọc của cỏ là 100%. Do đó, các hộ tham gia dự án đã tỉa thưa để tự mở rộng diện tích cũng như chia sẻ thêm với 18 hộ khác trong xã.
Tổng diện tích mở rộng thêm được là 7.820m2. Có hộ đã biết tận dụng diện tích và trồng xen vào các hàng cây ăn quả hay các bậc thang để vừa có cỏ chăn nuôi, lại giúp giảm thiểu xói mòn đất và tăng khả năng che phủ cho đất. Dự kiến trong thời gian tới, khi người dân tiếp tục tiến hành chăm sóc và tỉa thưa cỏ, sẽ đảm bảo tránh được bệnh hại vào mùa mưa, giúp mô hình ngày càng nhân rộng.
Gặp ông Nguyễn Kế Hoạch đang thu hoạch cỏ vào những ngày dịu nhẹ sau đợt nắng dài hơn 1 tháng không có mưa, ông phấn khởi chia sẻ: Gia đình ông có được 2 sào cỏ mùa hè vừa qua, mặc dù nắng nóng gay gắt nhưng với việc chăm sóc đảm bảo kỹ thuật, diện tích cỏ ông trồng vẫn xanh tốt và cho thu hoạch đảm bảo cho 5 con bò, 2 con hươu khi mà vào những năm trước cứ vào mùa hè, gia đình ông phải luôn chật vật để lo thức ăn xanh cho đàn gia súc.
Ông cho biết thêm: Với diện tích cỏ như hiện tại, gia đình có thể nuôi thêm bò nữa mà không cần phải lo về thức ăn, nhất là vào mùa hè khan hiếm nguồn thức ăn. Ông cho biết tại vùng đất này, chưa năm nào ông cũng như các hộ dân khác có thể sản xuất vào vụ hè thu bởi cái nắng thiêu đốt nơi đây đã làm rụi hết cả cỏ cây.
Việc để hoang diện tích đất đã thành một thói quen đối với người dân nơi đây, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Dự án SIPA Hà Tĩnh và các cán bộ khuyến nông, người dân trong vùng đã có cái nhìn khác và một tư duy khác trong sản xuất “không phải do đất không thể khai thác mà bởi do con người chưa thực sự dám làm, dám thử thách và mô hình này là một minh chứng”.
Với những kết quả ban đầu thực hiện, màu xanh của cỏ đã làm tươi tắn lại niềm hi vọng của người dân sau những tháng ngày nắng hạn. Việc thực hiện mô hình trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi ở thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến đã cho thấy những thay đổi tích cực khi phát triển sản xuất dựa vào việc thay đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương và lựa chọn giống cây thích ứng với khí hậu.
Mô hình mang lại hiệu quả sản xuất, đồng thời nâng cao nhận thức người dân trong việc ứng phó với hạn hán và biến đổi khí hậu. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông đề nghị địa phương có kế hoạch phát triển nhân rộng mô hình nhằm chủ động nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa khô hạn, nâng cao chất lượng đàn gia súc, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân.
Thái Thơm/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã