Những năm gần đây, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất, nông dân tỉnh Vĩnh Long đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây ăn trái.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long, ước tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng của 3 vụ lúa cả năm ước đạt gần 135.000ha, giảm 7,7% hay giảm trên 11.000 ha so với năm trước.
Diện tích giảm sâu nhất là 2 vụ đông xuân và hè thu. Vụ đông xuân 2020-2021, tỉnh gieo trồng trên 47.400ha (giảm trên 9%). Còn vụ hè thu, tỉnh chỉ xuống giống trên 44.900ha (giảm 8,5%).
Nguyên nhân chính là do nhiều nơi nông dân chuyển đổi mạnh mẽ từ đất trồng lúa sang trồng rau màu và cây lâu năm. Nhiều diện tích đất trồng lúa đã được chuyển sang lên vườn trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: mít, sầu riêng, cam sành, bưởi da xanh, cây giống...
Ông Trần Văn Tươi có 3 mảnh ruộng tổng cộng gần 10.000m2, ở ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Những năm qua, thấy hiệu quả kinh tế từ cây lúa không cao ông Tươi đã cho người quen thuê ruộng để mua ghe chở thuê. Hai năm gần đây, sẵn có được ít vốn liếng dành dụm từ việc chở thuê ông Tươi đã bàn bạc với gia đình chuyển đổi ruộng lên vườn trồng cây ăn trái.
Việc chuyển đổi vườn được ông Tươi thực hiện lần lượt trên từng mảnh ruộng. Hai năm trước, ông chuyển đổi một mảnh ruộng với diện tích 4,5 công để trồng 150 gốc bưởi long cổ cò. Sau đó 1 năm, ông chuyển tiếp mảnh ruộng 3 công lên trồng 150 gốc bưởi long có xen thêm mít Thái.
Dù chưa có kinh nghiệm làm nhưng nhờ chịu khó học hỏi nên vườn bưởi của ông Tươi rất xanh tốt, ai thấy cũng khen. Dự kiến sang năm, vườn bưởi 4,5 công của gia đình ông Tươi sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên nên gia đình hết sức phấn khởi.
Cách đây 2 tháng, anh Trần Tuấn Đạt, con trai ông Tươi quyết định ở nhà phụ chăm sóc vườn nên ông Tươi quyết định chuyển đổi thêm 2,4 công đất ruộng còn lại để trồng sầu riêng. Nói về quyết định chuyển đổi đất ruộng lên vườn trồng cây ăn trái của gia đình, anh Trần Tuấn Đạt chia sẻ:
“Chi phí lên vườn cũng khá lớn. Mình thuê máy cuốc hết 3,5 triệu/công. Chi phí lắp đặt đường ống để tưới tiết kiệm cũng hết 13 triệu đồng một miếng vườn. Hàng tháng tiền phân bón, thuốc men bỏ vô cũng hết 1 triệu đồng/công. Bây giờ thấy kinh tế vườn cũng phát triển nên mình học cách làm chứ để ruộng không hiệu quả. Hai cha con mình tự làm, tự học không có thuê nhân công nên chi phí cũng không lớn lắm”.
Tuy nhiên, bà con nông dân cần lưu ý trong chuyển đổi đất ruộng sang đất vườn phải theo hướng dẫn của địa phương. Để tránh việc chuyển đổi tràn lan không theo quy hoạch, ngày 26/4/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quy định về về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với từng hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.
Theo đó, đối với vi phạm quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thì tùy từng hành vi vi phạm mà đối tượng vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục. Người vi phạm phải lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khôi phục lại các điều kiện để trồng lúa trở lại. Trường hợp chuyển đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì không sử dụng vượt 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120cm so với mặt ruộng.
MINH ĐẢM – HỮU ĐỨC/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã