Bây giờ cánh đồng mẫu lớn ở Nghị Đức đã vào mùa gặt. Những gié lúa vàng trĩu hạt như nói lên niềm vui của những nông dân tham gia mô hình. Gạt vội những giọt mồ hôi, ông Mai Sang ở thôn 5 phấn khởi cho biết: “Nhà tôi gieo 4 sào (4.000m2), năng suất 7,5 tạ/sào. Nhờ bón phân, chăm sóc đúng quy trình nên năm nay lúa tốt lắm! Nếu không vì thời tiết, giá lúa giảm từ 4.200 đồng/kg xuống còn 3.800 đồng/kg thì bà con còn vui hơn nhiều”. Hiện, nông dân Nghị Đức đã thu hoạch được 80/100ha, năng suất bình quân 7 – 7,5 tấn/ha. So sánh lợi ích khi trồng lúa trong và ngoài mô hình cánh đồng mẫu lớn thấy, tổng chi phí đầu tư trồng lúa trong mô hình giảm 1,5 triệu đồng/ha. Thêm nữa, chi phí tiết kiệm được từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc lên tới hơn 4 triệu đồng/ha. Rõ nhất là sản lượng tăng thêm 500kg nên lợi nhuận của mô hình tăng lên gần 2 triệu đồng/ha. Ông Sang cho biết: “Năng suất lúa vụ này hơn các vụ trước khoảng 1 tấn/ha, lại được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg nên chúng tôi rất phấn khởi”. Nhưng đó chỉ là kết quả tức thì, điều ý nghĩa nhất của mô hình cánh đồng mẫu lớn chính là tạo sự liên kết mới trong sản xuất giữa những hộ nông dân có diện tích nhỏ lẻ và manh mún, tương tự như dồn điền đổi thửa, để từ đây tạo sự đồng bộ trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tạo ra sản phẩm có chất lượng, có khả năng cạnh tranh nhằm ổn định đầu ra, tăng thu nhập cho nông dân. Và khi đã tăng thu nhập thì bà con sẽ có thêm động lực tiếp cận kiến thức sản xuất lúa tiến bộ. Ông Trương Văn Sơn, đại diện cho 311 hộ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Nghị Đức cho biết: “Mấy năm qua, năng suất lúa ở đây chỉ đạt khoảng 6 – 6,5 tấn/ha và luôn bị sâu bệnh phá hoại. Nông dân rất muốn thay đổi cách sản xuất nên khi nghe chính quyền và ngành chức năng triển khai mô hình, chúng tôi đã tự nguyện tham gia. Trong quá trình thực hiện, bà con đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông khuyến cáo là giảm lượng giống gieo sạ từ 25kg/sào xuống còn 18kg/sào. Từ đó, giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tiến hành gieo sạ đồng loạt và tuân thủ theo sự điều hành của tổ, nhóm. Đặc biệt là bón phân, chăm sóc lúa theo quy trình “2 xanh – 2 vàng”, phun thuốc trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”. Do vậy, năng suất lúa trong mô hình cao hơn hẳn”. Từ thành công bước đầu của mô hình, ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh đề nghị: “Xã cần rút kinh nghiệm về hình thức tổ chức sản xuất trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa. Qua đó, phát huy những mặt đạt được để tiếp tục triển khai trong vụ tới...”. Thu Hà Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã