Tiền đề xây dựng nông thôn mới
Đối với các xã miền núi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới (NTM) còn hết sức khó khăn do địa hình đồng đất khó canh tác. Tuy nhiên, các xã miền núi lại có thế mạnh phát triển cây chè là cây trồng chủ lực, phù hợp thổ nhưỡng. Huyện Ba Vì có gần 2.000ha chè tập trung chủ yếu ở các xã miền núi như: Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang…, với tổng sản lượng bình quân hằng năm hơn 12.000 tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu chiếm 50 - 60%. Anh Nguyễn Tiến Dũng (xã Ba Trại) cho biết, gia đình có 7 sào đất trồng chè, do có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên sản phẩm chè khô của gia đình anh được bán với giá cao, thương lái đến tận nhà thu mua. Gần đây, gia đình anh tập trung sản xuất theo mô hình chè sạch. "Nếu sản phẩm chè được công nhận chè sạch theo các tiêu chí quốc tế thì việc làm giàu từ cây chè sẽ hết sức thuận lợi"- Anh Dũng khẳng định.
Hà Nội sẽ mở rộng mô hình sản xuất và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chè sạch. |
Để cây chè thực sự trở thành thế mạnh phát triển kinh tế ở các xã miền núi, năm 2012 Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại xã Thuần Mỹ, Yên Bài (huyện Ba Vì) và xã Bắc Sơn (Sóc Sơn) với quy mô 155ha. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Nguyễn Bá Sướng, mô hình thâm canh chè sạch đã phát triển tốt, năng suất tăng
7-10%, chè ít sâu, bệnh hại. Nông dân tham gia thực hiện mô hình đã cơ bản hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và hiệu quả kinh tế, xã hội của việc sản xuất chè an toàn, hiệu quả, giảm chi phí đầu vào đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giảm 2-3 lần/năm; nông dân đã biết lựa chọn thuốc BVTV an toàn cho sản phẩm. Hiệu quả kinh tế cao hơn (12-15 triệu đồng/ha) so với mô hình sản xuất chè truyền thống. Đây là tiền đề quan trọng để các xã miền núi hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Xây dựng thương hiệu chè sạch Hà Nội
Thực tế những năm gần đây, do yêu cầu của thị trường, bên cạnh các giống chè truyền thống cũ như PH1, Trung du lá nhỏ, Hà Nội còn phát triển một số loại giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt như LDP1, LDP2, PH9, Shan, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… nhưng diện tích chỉ chiếm 1-2%. Sản xuất chè của Hà Nội còn manh mún, tự phát, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chưa có các giống chè tiềm năng lớn. Đặc biệt, việc đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, diện tích đồi chè nhỏ, trồng xen kẽ, phân tán, vườn tạp hiệu quả kinh tế thấp. Các hộ chưa coi trọng việc tạo ra sản phẩm chè an toàn từ khâu sản xuất, chế biến tiêu thụ, đặc biệt là việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng kỹ thuật dẫn đến chất lượng chè không bảo đảm. Để khắc phục những hạn chế trên, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã kết hợp với Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư phát triển chè và cây nông, lâm nghiệp Phú Hộ (Phú Thọ), Công ty CP Chè Việt Mông cùng các HTX tổ chức tập huấn, huấn luyện nông dân về công tác quản lý, quy trình kỹ thuật thâm canh chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống chè mới, áp dụng kỹ thuật cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ chè sạch an toàn cho nông dân.
Trong năm 2013, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất chè sạch với quy mô 234ha và sẽ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chè sạch, an toàn Hà Nội. Và theo như lời Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, phát triển mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn tại Hà Nội là một giải pháp hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội tại các địa phương miền núi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã