Học tập đạo đức HCM

“vua cá” nơi núi đá

Thứ tư - 05/12/2012 19:09
Chuyện làm giàu của “vua cá” có lẽ khắp vùng Thông Huề đều biết. Thế nhưng, để có trong tay gia sản bạc tỷ hiện giờ, mấy ai biết người từng một thời được gọi là “kẻ cố chấp” đã phải trải qua hành trình dài thấm đẫm mồ hôi, nước mắt...

Truân chuyên

Tên gọi đầy đủ của “vua cá” là Hoàng Văn Rứ ở xóm Nặm Thúm, xã Thông Huề (Trùng Khánh - Cao Bằng). Năm nay ngoại ngũ tuần nhưng ông Rứ vẫn mang dáng vóc chắc đậm, nước da ngăm đen của người nếm trải sương gió. Vừa dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi của mình, ông vừa kể câu chuyện quá khứ đắng cay nhưng cũng đầy nghị lực của bản thân.

Nhà nghèo lại đông anh em, cả gia đình Rứ chỉ trông vào đám ruộng cằn chênh vênh bên lũng sâu, quanh năm phải sống trong cảnh quay quắt vì đói ăn. Đến tuổi trưởng thành, Rứ hăng hái xin nhập ngũ nhưng không được chấp nhận. Thỏa chí trai khi đất nước chưa hòa bình, cũng là để giữ trọn đạo hiếu, Rứ xin đi dân công ở địa phương. Ngày đi lao động sản xuất, đêm về Rứ lại có thời gian chăm sóc mẹ già.

Trên vùng đất cằn, bao quanh chỉ toàn đá núi như Thông Huề, nhà nào cũng đua nhau khai phá đồi trồng mơ, trồng mận. Rứ cũng không ngoại lệ, thế nhưng sau gần 5 năm hì hụi chăm bón bên những đồi mận, mơ, ngày thu hoạch, quả chín rụng đỏ gốc cũng không ai mua. Không có đầu ra cho cây mơ, mận, người dân nơi đây đành bấm bụng chặt bỏ mà lòng như xát muối.

Sau năm 1979, thất bại từ cây mơ, mận đã cho Rứ một bài học đầu đời đáng nhớ. Sau bao ngày ngẫm suy, Rứ quyết định đào ao nuôi cá trên vùng đá núi này. Biết Rứ có ý định làm kinh tế bằng cách nuôi cá trên núi, chẳng mấy ai tin, cũng chẳng mấy người ủng hộ. Thuyết phục mãi cuối cùng Rứ cũng được năm người bạn thân đồng ý, chung vốn làm ăn.

Số tiền khởi nghiệp gom góp chưa đến 100 triệu đồng, không đủ để khoét đá làm ao huống chi nói đến việc mua cá giống. Nghĩ thế, nên Rứ tự bỏ sức dọn đá, khoét đất được một ao hơn 2.000m2. Nguồn cá giống được Rứ tận dụng bằng nhiều nguồn, theo lời giải thích của ông nghĩa là “cá nào cũng thả”.

Nhưng năm đó, những đợt rét kéo dài, nhiệt độ trên cả vùng Trùng Khánh hạ xuống dưới 10 độ khiến cá trong ao chết trắng. Cá chết, cái chuyện làm kinh tế theo kiểu nuôi cá trên núi chắc chắn chỉ là viển vông. Bạn bè không ai còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục chung sức với Rứ nữa, họ rút vốn.

Bạn bỏ, một mình Rứ vẫn cố bám trụ lay lắt với cái ao, thế nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại. Trận lũ nguồn năm 2002 tràn qua, quét sạch công sức lao động sắp đến ngày thu hoạch. Ao đầm bị đất đá vùi lấp, hoa màu, cá, gà, vịt… trôi theo dòng nước. Trắng tay hoàn toàn, nhìn công sức bao ngày vất vả nay chẳng còn gì Rứ chỉ còn biết ngẩn ngơ nhìn mà lòng quặn thắt.

Không cam chịu thất bại, Rứ tự nhủ, phải làm lại, phải thực hiện mô hình nuôi cá trên vùng núi này thành công. Rứ làm thật. Ngày nắng cũng như mưa, ông hì hục dọn dẹp, khoét đất, đắp bờ.

Người hiểu chuyện thì chỉ lắc đầu ái ngại, lo công việc mà Rứ đang làm chỉ mang đến thất bại. Kẻ ghét thì dè bỉu, nói ông là kẻ gàn dở, cố chấp. Rứ biết, nhưng ông để ngoài tai, vẫn kiên trì với niềm tin mình sẽ thành công.

Khi hỏi tại sao ngày ấy ông lại có một niềm tin sắt đá vào công việc nuôi cá như vậy, Rứ chỉ cười và phân tích: “Nuôi cá trên vùng đất này chắc hẳn không có ai, nếu có cũng chỉ ở quy mô nhỏ. Bởi thế, nếu nuôi cá quy mô lớn thì đầu ra sẽ không phải lo lắng nhiều. Muốn nuôi cá thành công thì mình phải yêu nó, có ham thích thì mới nắm được thói quen, bệnh tật của nó, khi ấy chẳng sợ gì việc không thành công…”.

“Vua cá” vùng núi đá

Ngoài việc phục hồi ao cá ban đầu, tự tay Rứ còn đào thêm ao cá có diện tích 4.000m2, khoan giếng, mở đường dẫn nước vào ao. Lúc này Rứ ngộ ra những kinh nghiệm sau lần thất bại trước. Với những bài học về chuyện quản lý, lựa chọn con giống, phương thức chăn nuôi rồi tiên lượng thị trường…, ông đã chọn cho mình hướng làm ăn phù hợp.

Để có tiền đầu tư con giống và tiếp tục cải tạo hồ đập, ông Rứ thuyết phục vợ bán nốt đôi bông tai vàng. “Dạo ấy thiếu vốn không biết làm thế nào nên đành bảo vợ bán vật đính ước. Cũng may khi ấy vợ hiểu và tin rằng sẽ thành công. Ngân hàng huyện thấy mình quyết tâm, họ cũng cho vay thêm 50 triệu đồng để tôi phát triển kinh tế VAC”, ông bộc bạch.

Có vốn, ông Rứ đầu tư mua cá giống, đặc biệt là những giống cá có khả năng chống chịu rét cao, phù hợp với mùa đông buốt giá nơi đây như: rô phi, hường, chép… Để lấy ngắn nuôi dài, năm 2006, ông nuôi thử nghiệm hơn 70 con dê. Năm 2009, đầu tư 60 triệu đồng xây thêm ao 2.200m2. Những giống cá Hoàng Văn Rứ nuôi giờ không đơn thuần chỉ là rô phi, mè, chép nữa mà còn có cả cá vược, ông mới xuất lứa thương phẩm đầu tiên, trọng lượng mỗi con đạt 1-2,5kg. Nhờ nghiên cứu kỹ tập tính, thói quen… trước khi đầu tư chăn nuôi nên ông đều thành công.

“Việc tự sản xuất thức ăn cũng là khâu quan trọng, giúp chủ động nguồn dinh dưỡng cho cá, bảo đảm cá không nhiễm bệnh từ bên ngoài”, ông Rứ bật mí. Thực vậy, ngay bên những vuông cá trải dài là một dãy lán trại nuôi giun quế cùng với dàn máy xay, ép thức ăn khép kín được ông tự chế tạo, lắp ráp. Nhờ vậy, chi phí nuôi cá giảm, lợi nhuận tăng đáng kể. Mỗi lần kéo cá là các nhà hàng, khách sạn lớn ở Thông Nông, Quảng Uyên… đều tìm đến tận nơi thu mua.

Quan sát khu trang trại nuôi cá quy mô, người “thổ địa” dẫn đường tên Nông Vĩnh nhẩm tính: “Nếu tính sơ bộ thu nhập từ đàn lợn hàng chục con, lứa cá vược thương phẩm 7.000 con sắp tới, đàn gà, vịt hàng trăm con, diện tích trồng lúa, hoa màu…, ông Rứ phải có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

Khi được hỏi về dự định sắp tới, Hoàng Văn Rứ cho biết sẽ áp dụng thêm mô hình nuôi tắc kè thương phẩm đầu tiên trên đất Cao Bằng. Ông cũng nhiệt tình chỉ dẫn phương pháp làm kinh tế cho những ai muốn học hỏi.

Thoáng chút suy tư khi chia tay, ông Rứ bộc bạch: “Ai cũng có thể làm giàu nếu như kiên trì và chịu khó. Những khó khăn vấp váp lúc khởi nghiệp là khó tránh khỏi nhưng nó chỉ làm cho mình cứng cáp thêm mà thôi. Biết học từ thất bại chắc chắn sẽ thành công…”

Giang Nam

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay21,796
  • Tháng hiện tại25,160
  • Tổng lượt truy cập92,402,824
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây