Bỏ phố lên non
Quê Phò ở huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), huyện giáp ranh với huyện Bắc Quang, cũng là nơi nổi danh với cam sành. Phò lên Khuổi Mù từ năm 2007. Chỉ khoảng 6 năm thôi, chính người đàn ông này đã thay đổi bộ mặt của một vùng đất tưởng chừng như đói nghèo đeo bám mãi.
Thực ra trước năm 2007, cây cam sành ở Khuổi Mù đã phải gánh trách nhiệm lo toan cho cuộc sống của gần 40 hộ dân đồng bào Dao trên núi Ngòi Lịp rồi. Chỉ có điều, thiếu vốn, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật nên sản xuất manh mún. Người Dao ở đây trồng cam chỉ với mục đích đổi gạo. Nắm được cái thóp ấy, cánh thương lái nhăm nhăm ép giá, biết được nhà nào sắp hết gạo thì đến gạ gẫm họ bán cam. Có những gia đình chấp nhận bán khi cây chỉ vừa mới ra hoa, bán quạ cả vườn, đến mùa hái quả chẳng được lấy một đồng. Cao điểm như năm 2007, người ta tính rằng, một kg cam sành chỉ có giá một ngàn đồng. Vì thế cam sành ở Khuổi Mù chỉ làm tròn vai là kiếm đủ miếng ăn mà thôi.
2 trang trại, 10 ha cam sành, nhà 4 tầng ở thị trấn Tân Yên (huyện Hàm Yên), mỗi vụ cam thu nhập trên dưới 1 tỷ. Nhìn cơ ngơi ấy, số tiền ấy cứ nghĩ Phò chắc phải giàu từ lâu lắm. Không. Khi lên Khuổi Mù thì anh nông dân có cái tên là lạ này cũng chỉ hai bàn tay trắng. Tài sản là sức vóc của vợ chồng và một ít đất đai người ta cho mượn để trồng cam. Nhìn cảnh đồi núi hoang vu, không điện, không đường sá đi lại, chị Nguyễn Thị Hằng, vợ của Phò thấy tương lai sao mà mù mịt quá. Không ít lần bàn chồng bỏ cuộc, quay về thị trấn Tân Yên kiếm việc đắp đổi cũng đủ sống qua ngày. Nhưng, giống như phần lớn những tỷ phú chân chính khác, khởi nghiệp càng khó khăn thì quyết tâm thành công của họ càng thêm lớn. Phò không phải là ngoại lệ. Huy động hết nhân lực trong gia đình phát rẫy, đào hố, kêu gọi người dân Khuổi Mù làm đường dẫn nước từ dòng sông Bạc lên Ngòi Lịp. Trong suy nghĩ người đàn ông sinh năm 1964 này không cho phép mình và người dân vùng cao này thất bại.
Anh Phò bên đồi cam trĩu quả
Những thách thức cần đến sức người có thể cố, chứ vốn mới là vấn đề nan giải. Khi nghe tin vợ chồng Phò làm dự án vay vốn trồng cam lên đến 400 triệu đồng thì cả quê mới Khuổi Mù lẫn quê cũ Tân Yên chẳng người nào tin nổi. Liều lĩnh. Đó là từ mà họ nhắc đến nhiều nhất khi bàn tán chuyện làm ăn của vợ chồng Phò. May thay, vẫn có người tin vào khả năng thành công của vợ chồng anh. Đó là những cán bộ tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) huyện Hàm Yên. Sau khi khảo sát mô hình trồng cam và phát triển kinh tế trang trại của anh Phò, Ngân hàng NN-PTNT Hàm Yên đồng ý cho vay vốn hỗ trợ lãi suất. Cũng đã có lúc, cán bộ tín dụng của ngân hàng tưởng là mình nhầm. Đó là khi vụ cam đầu tiên của vợ chồng Phò vừa chuẩn bị bói quả thì gặp thiên tai quật cho gần như mất trắng. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Hàm Yên, người đồng thuận nhất với kế hoạch phát triển kinh tế của vợ chồng Phò cũng lắm phen mất ăn mất ngủ.
Có nản nhưng không bỏ cuộc, đến vụ sau thì họ thành công ngay. 400 triệu đồng vay được gia đình anh Phò đầu tư tất vào cam, gà và lợn. Lợn, gà cứ mua giống về rồi thả tự do, còn 10 ha trồng cam, mỗi ha đầu tư tất tần tật khoảng 30 triệu đồng, tổng cộng hết gần 300 triệu. Sau vụ đầu tiên mất mát, mấy năm trời trồng cam, chưa vụ nào gia đình anh bị lỗ. Như năm nay, 10 ha cho thu hoạch gần 200 tấn quả. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay là 10 ngàn đồng/kg thì ít nhất anh Phò đút túi hơn 1,5 tỷ đồng sau khi đã trừ đi chi phí. 4 vụ liền như thế, vụ ít nhất vườn cam của đôi vợ chồng “liều lĩnh” cũng lãi tới 800 triệu đồng.
Cán bộ tín dụng thăm mô hình của anh Phò
Còn giàu hơn nữa
Bây giờ Khuổi Mù là thôn giàu có nhất xã Vĩnh Hảo. Những triệu phú chân đất lần lượt bước ra từ những mô hình trang trại, từ những vườn cam sành. Hiếm có vùng cao nào mà người dân tộc lại đi ô tô, lại sắm két bạc để cất tiền. Hiếm có anh nông dân nào lại xài những chiếc điện thoại di động đời mới nhất để “tiện giao dịch làm ăn”. Công lao ấy Phò đóng góp chẳng nhỏ một chút nào, vậy mà người đàn ông này lại lắc đầu nguầy nguậy khi tôi đề cập đến. Anh bảo: “Đất của Khuổi Mù, cam của Khuổi Mù, thì sự giàu có đến với Khuổi Mù chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi”. Cuộc sống, thu nhập tưởng chừng như viên mãn ngày hôm nay của gia đình anh Phò, của thôn Khuổi Mù hóa ra chỉ là suy nghĩ của những người bình thường. Phò còn nhiều trăn trở, nhiều dự định lắm. Cam sành Hàm Yên được bầu chọn là một trong 50 loại quả có giá trị nhất Việt Nam, đã vào siêu thị Big C bán hàng khắp mọi nơi, vậy mà Phò vẫn cho là nhỏ lẻ.
“Người nông dân trồng cam, thoát nghèo được đã là mừng rồi. Họ không nghĩ đến thương hiệu, đến chuyện xuất khẩu ra thế giới. Thắng lợi một vài vụ họ cũng quên đi những lần gặp thiên tai, dịch bệnh. Đúng ra, cam sành cần phải được quy hoạch”, Phò nói. Nghe những lời ấy tôi cứ nghĩ là mình đang hầu chuyện một chuyên gia ngành nông nghiệp chứ chẳng phải anh nông dân cách đây dăm bảy năm còn hai bàn tay trắng.
Cái số vất vả dường như đã vận vào người, anh Phò bảo thế. Bởi bây giờ, khi đã thành đại gia giàu có bậc nhất huyện Hàm Yên thì cuộc sống của vợ chồng chủ yếu vẫn ở một căn chòi cứ độ nửa năm phải thay vách một lần vì bị gió quật cho tơi tả. Hôm tôi lên trang trại của vợ chồng anh cùng với ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Hàm Yên, Phò cứ nằng nặc bắt đi tham quan trang trại, hái cam ăn ngay tại vườn. Anh bảo đấy là thành quả của nguồn vốn tín dụng cho hộ nông dân vay, chứ chỉ riêng ý chí, sức lực, khát vọng của những người như anh thì không làm nổi. |
Mà tất cả những điều Phò nói đều đúng cả. Bằng chứng là đến bây giờ vườn cam nhà anh vẫn còn trĩu quả trong khi những khu vườn khác chỉ còn lơ phơ mấy quả xấu, quả cọt mà người ta bỏ lại. Mỗi vụ cam sành bắt đầu thu hoạch từ tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau. “Quy hoạch phải dựa trên cung và cầu. Ví dụ ở một phiên chợ, nhu cầu thương lái chỉ có 10 tấn mà mình chở ra 15 tấn thì ế là cái chắc, bị ép giá là cái chắc rồi”, đó là đúc rút của người trồng cam chưa thất bại bao giờ.
Tâm tư ấy, trăn trở ấy khiến Phò ao ước thành lập một hội cam sành Hàm Yên ở Khuổi Mù. Nếu có hội, có tổ chức thì việc buôn bán sẽ càng thuận lợi. Có cán bộ hướng dẫn bà con chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng vùng cam sạch, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Anh suy nghĩ, người nào có nhu cầu thì bố trí cho họ bán trước, người nào thuận lợi hơn thì bán sau. Mỗi vụ cam chừng 4-5 tháng, chia nhau ra bán giá cả lúc nào cũng cao, còn bán ồ ạt thì giá thấp.
Dự án xây dựng hội cam sành Khuổi Mù chắc chắn sẽ thành công. Gia đình anh Phò cùng người dân Khuổi Mù còn giàu nữa. Tất nhiên, những cán bộ ngân hàng như ông Trần Anh Tuấn sẽ luôn ủng hộ. “Làm ngành ngân hàng, cho nông dân vay vốn như chúng tôi mà gặp được những người như anh Phò, thay đổi được những vùng đất như Khuổi Mù thì còn hạnh phúc nào hơn”, ông Tuấn chia sẻ.
Sưu tầm: Hữu Hùng
Nguồn:nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã