Theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận, các dấu hiệu của bệnh EMS với nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các giai đoạn nuôi, bệnh lý đa dạng, dù đã được các chuyên gia trong và ngoài nước, các viện, trường tập trung nghiên cứu nhưng hiện vẫn chưa được thông báo tác nhân chính gây bệnh nên các biện pháp phòng, trị không đạt hiệu quả.
Xét nghiệm bệnh tôm tại Trung tâm Giống thủy sản cấp I An Hải, huyện Ninh Phước - Ảnh: Duy Anh
Nhiều hộ nuôi tại khu vực Đầm Nại nuôi đối tượng tôm sú, bao gồm tôm sú thường và tôm sú Châu Phi đã bị bệnh EMS gây thiệt hại trên 75 ha diện tích tôm nuôi. Một số hộ nuôi tôm sú Châu Phi thành công nhưng do hệ số chuyển đổi thức ăn cao, khó tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao. Đối với tôm thẻ chân trắng được thả nuôi diện tích lớn (đạt 134 % kế hoạch), bao gồm: 114 ha ở Ninh Phước, 367 ha tại Thuận Nam, 796 ha tại Ninh Hải và 3 ha tại Phan Rang-Tháp Chàm. Do thời tiết thay đổi thất thường, chất lượng tôm giống chưa được kiểm soát chặt chẽ; môi trường ô nhiễm do tình trạng xả thải bừa bãi và bệnh EMS khiến tổng diện tích tôm thẻ bệnh lên đến 550 ha, trong đó 82 % diện tích tôm thẻ bệnh tập trung khu vực Đầm Nại.
Tuy nhiên trong bối cảnh trên, vẫn có một số hộ đã nuôi thành công nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới theo chương trình CPF-Turbo Program, BioFloc. Có thể nói đầm Nại đang là tâm điểm của thảm trạng bệnh tôm, tuy nhiên cũng chính trong vùng này xuất hiện một số mô hình mới, cách làm hay. Đơn cử tại xã Phương Hải, ông Dương Ngọc Hoà nuôi 3 ha ao tôm sú thành công, vượt qua hội chứng EMS nhờ áp dụng theo mô hình nuôi “CPF Turbo Program”. Cuối tháng 12 năm 2012, có dịp trò chuyện cùng anh Ngô Ngọc Quý, một người nuôi tôm có 2 ha đìa ở Hộ Hải (Ninh Hải), anh cho biết: Tôi thả tôm thẻ nuôi sau 3 tháng vẫn phát triển bình thường, không hề có hiện tượng hội chứng EMS. Tôi nghĩ đó là nhờ ứng dụng mô hình mới BioFloc, dành ra diện tích 4 sào làm ao xử lý nước và thả nuôi mật độ thưa (10 con/m2) nên thiệt hại dù có nhưng không đáng kể. Tại hội nghị tổng kết nuôi trồng thuỷ sản tỉnh cuối năm 2012, đã có một số kinh nghiệm hay của người nuôi tôm về sự ứng phó hội chứng EMS được đưa ra phân tích, trong đó ấn tượng nhất là thành công của ông Tô Thanh Hường. Là người nuôi tôm lâu năm ở Sơn Hải (xã Phước Dinh, Thuận Nam), ông Hường có 6 ha ao đìa ở Sơn Hải và Từ Thiện, trừ lần thất bại vì bệnh phân trắng trên tôm vào năm 2003, đến nay năm nào ông cũng trúng đậm, ngay cả trong năm 2012 đang bị đe doạ bởi hội chứng EMS. Ông chia sẻ: Tôi cũng bị thiệt hại 50% đìa nuôi tôm bởi hội chứng EMS, song sau đó tôi rút kinh nghiệm chỉ thả thưa và liên tục cho máy sục khí hoạt động 24/24 giờ nên đã đạt sản lượng cao. Theo anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Quản lý khu vực Ninh Thuận-Bình Thuận của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP, các hộ nuôi tôm ở vùng nuôi tôm trên cát An Hải-Phước Dinh qua thí điểm áp dụng hệ thống an toàn sinh học và quản lý ao nuôi theo mô hình “CPF Turbo Program” của công ty đều không bị ảnh hưởng của hội chứng EMS.
Thu hoạch tôm ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Thanh
Từ kinh nghiệm của các hộ, các cơ sở nuôi thành công vừa qua, Chi cục NTTS tỉnh phổ biến mô hình mới theo “CPF Turbo Program” và “BioFloc” áp dụng qui trình cải tiến về mật độ thả nuôi, khuyến khích các hộ nuôi sử dụng ao chứa lắng xử lý triệt để nguồn nước đầu vào và ao xử lý nước thải hạn chế lây lan mầm bệnh trong vùng nuôi; đồng thời tăng cường hệ thống quạt nước, sục khí; đầu tư máy cho ăn, hệ thống lưới ngăn chim... Tuy nhiên theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục Trưởng Chi cục NTTS tỉnh, mô hình mới dù đòi hỏi nhiều cải tiến nhưng cái chính vẫn là người nuôi tôm phải chú ý đến giống, quản lý ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi cho tốt. Môi trường đảm bảo là cách ngăn ngừa tốt nhất các bệnh tôm.
Nhìn chung, hiệu quả từ việc ứng dụng mô hình mới trong nuôi tôm đang tạo ra động lực mới cho người nuôi chuẩn bị bước vào mùa vụ mới. Theo định hướng năm 2013 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây sẽ là năm tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững với môi trường; tập trung tìm hiểu kỹ thuật và nhân rộng các mô hình nuôi tôm thành công trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm nhằm hạn chế tối đa hội chứng hoại tử gan tụy cấp. Mục tiêu cụ thể năm nay là toàn tỉnh có 1.300 ha diện tích tôm thả nuôi và phấn đấu đạt sản lượng 7.600 tấn tôm các loại
>> Đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Ninh Thuận: Trước tình hình người nuôi tôm thiệt hại do hội chứng EMS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với các địa phương tham gia xử lý, giải quyết kịp thời việc hỗ trợ Chlorine tiêu độc khử trùng ao nuôi và hệ thống kênh mương nội đồng. Đồng thời các đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao, tiêu độc khử trùng ao nuôi, chọn giống... để bắt đầu vụ nuôi mới được hiệu quả. Đặc biệt ngành còn tổ chức các lớp tập huấn ngăn ngừa hội chứng EMS và tìm hiểu kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi tôm thành công trên địa bàn tỉnh qua áp dụng công nghệ Biofloc, quy trình nuôi tôm hạn chế sự phát triển của tảo. Từ kinh nghiệm của một số mô hình thành công bước đầu, nếu giám sát chặt chẽ vấn đề môi trường và có giống bảo đảm chất lượng, các hộ nuôi tôm sẽ có nhiều khả năng ứng phó thành công với hội chứng EMS. Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải: Huyện Ninh Hải có 750 ha mặt nước nuôi tôm, tập trung chủ yếu ven đầm Nại, nhiều nhất là ở các xã Tân Hải, Hộ Hải. Vụ tôm vừa rồi, có khoảng 30 ha hồ nuôi bị nhiễm bệnh hội chứng EMS, thiệt hại về kinh tế từ 30 – 40%. Đây là bệnh lạ, chưa xác định được nguyên nhân, nhưng khi phát hiện bệnh người nuôi tôm đã nhanh chóng thu hoạch sớm, đồng thời xử lý ao nuôi bằng Clorin B nên cơ bản khống chế được bệnh, tránh lây lan sang các hồ nuôi lân cận. Để tránh cho ao nuôi bị nhiễm bệnh, chúng tôi khuyến cáo người dân phải chọn nguồn giống chất lượng, có địa chỉ rõ ràng, đặc biệt phải qua xét nghiệm kiểm dịch trước khi thả nuôi. Vụ tôm năm nay sẽ bắt đầu từ 1-5 đến 30-10, các hộ nuôi phải thả tôm đồng loạt. Bên cạnh việc tuân thủ đúng thời vụ nuôi, chúng tôi còn vận động, hướng dẫn thành lập trên 30 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản (bao gồm cả nuôi tôm và ốc hương). Với các tổ này, việc giám sát tình hình tôm nuôi, phát hiện và xử lý khi có bệnh, dịch sẽ hiệu quả, nhanh chóng hơn. Trước mắt, trong tháng 4 tới, sẽ cho xử lý Clorin B toàn bộ các ao nuôi, nguồn nước các kênh mương vào và ra ao nuôi, với kinh phí hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng. Ông Tô Thanh Hường, thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, Thuận Nam: Trong diện tích 6 ha nuôi tôm, bao gồm 22 ao, trong đó tôi dành ra 3 ao chỉ để lắng, xử lý nước. Năm 2012 tôi thả nuôi 3 vụ, vụ đầu bị hội chứng EMS thiệt hại hoàn toàn nhưng nhờ thả nuôi ít nên cũng đỡ hơn các hộ khác. Đến vụ kế tiếp, thử thả nuôi mật độ 80 con/m2 thay vì 150-170 con như mọi lần, đồng thời làm thêm các giàn quạt sục khí, nhận thấy mỗi khi quạt hoạt động tạo ô-xy nhiều thì tôm ăn mạnh hơn. Áp dụng quy trình nuôi BioFloc, tôi liên tục sử dụng chế phẩm vi sinh, kiểm tra chặt chẽ môi trường ao nuôi, có giăng lưới ngăn chim và bạt chắn bảo vệ. Kết quả tôm nuôi không bị hội chứng EMS. Vụ cuối cùng tôi thả nuôi theo mật độ thưa như trước và sử dụng các biện pháp kỹ thuật trên. Điều đáng nói là tôm thả thưa nhưng lại cho năng suất, sản lượng lớn hơn tôm thả dày. Qua 2 vụ thu hoạch, không những bù cho vụ đầu thất bại mà còn lãi được 4 tỷ đồng. Từ thực tế nuôi, theo kinh nghiệm của tôi là cùng với việc thả giống thưa, tăng cường máy sục khí hoạt động thường xuyên, điều cần thiết là phải kiểm tra ao nuôi, không để tảo phát triển. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã