Ngày trước, người dân Hương Khê từng “ngậm ngải tìm trầm”. Bây giờ, họ cũng là những người đầu tiên mang cây dó trầm về trồng ở vườn nhà và quanh rào. Nhiều nông dân ở đây đã trở thành tỉ phú từ loài cây này.
Làng tỉ phú dó trầm
Trở lại vùng bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) nổi tiếng lần này, tôi thấy bạt ngàn cây dó trầm từ nhỏ đến lớn vươn lên lấn át cây bưởi. Các con đường liên xã, liên thôn đã được tráng nhựa hoặc đổ bê tông, những ngôi nhà tươm tất, giàu có hơn.
Bây giờ, phần lớn diện tích bưởi, cam và cây ăn quả hay cây rừng khác ở đây đã bị đốn hạ để nhường đất cho cây dó trầm. Khi có người lạ vào làng, người dân xã Phúc Trạch luôn canh dè, bởi họ sợ bị chặt trộm cây dó trầm ở bờ rào.
Chỉ tay vào những cây dó trầm có dấu sơn xanh đỏ, ông Phạm Văn Nghĩa, một lái trầm, nói: “Đó là những cây trầm đã được chủ bán đứng trên vườn. Chủ và người mua thỏa thuận giá cả xong cùng nhau ra UBND xã xin xác nhận việc mua bán rồi bôi sơn lên thân cây đánh dấu để phân biệt với cây chưa bán. Người mua có thể thỏa thuận với chủ để cây dó trầm sống trong vườn 1-10 năm sau mới đến chặt mang đi bán”.
Ông Thái Văn Quý (xã Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh) đang khoan vào thân cây dó để bón thuốc kích thích tạo trầm.
Vườn nhà ông Nguyễn Xuân Quế (cựu chiến binh ở xóm 5, xã Phúc Trạch) rộng nửa hecta nhưng hiện có 3.000 cây dó trầm, lác đác trong vườn vẫn còn vài cây bưởi, cây cam. Chỉ cây dó trầm có đường kính chừng 25 cm bên bờ rào, ông Quế nói: “Cây đó thương lái ở Huế, Đà Nẵng ra đây trả 80 triệu đồng mà tôi chưa bán đó. Hiện tôi có 500 cây đã có trầm trong vườn nhà, nếu bán ở thời điểm hiện nay thì hơn cả tỉ đồng”. Gần nhà ông Quế, nhiều thương lái đến trả một cây trầm trong vườn nhà bà Trần Thị Mục với giá 250 triệu đồng nhưng bà Mục chưa bán. Bà nói: “Tôi già rồi, chưa cần tiêu tiền nhiều thế, bán chi!”.
Bà Trần Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, kể hôm trước ông Hoàng Trung Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phải đốn hàng cây dó trầm ở bờ rào để nhường đất mở đường giao thông. “Chỉ hàng cây đó thôi mà anh Thành bán được gần cả tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng công an xã, bán chỉ năm cây dó trầm thôi mà cũng được những 500 triệu đồng. Từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, đến nay hộ ông Thái Văn Phương (ở xóm 6) có vườn trầm trị giá 2 tỉ đồng, ông Nguyễn Hồng Thái (xóm 8) có vườn dó trầm trị giá gần 1,5 tỉ đồng…”.
Nghề ươm dó trầm cũng phất theo
Để có tiền cho ba đứa con cùng lúc học ĐH, vợ chồng anh Phạm Văn Tân ở xã Phúc Trạch phải “bán đứng” ba cây dó trầm trong vườn nhà được 30 triệu đồng để gửi cho các con. Nay các con anh Tân ra trường thì ba cây dó trầm này trị giá hàng trăm triệu đồng.
Chủ tịch xã Phúc Trạch Trần Thị Hà khoe: “Xã chúng tôi đang giàu lên không phải nhờ bưởi mà nhờ cây dó trầm. Có cái lạ là bưởi trồng ở đất Phúc Trạch cho quả ngon ngọt hơn bưởi cùng cây giống trồng ở các xã cạnh bên. Cây dó trầm trồng ở xã Phúc Trạch này cũng lại cho trầm nhiều hơn, được thương lái chuộng mua nhất, giá cao nhất. Ví như hai cây dó có bán kính bằng nhau nhưng cây dó ở xã tôi bán được 8 triệu đồng thì ở các xã bên chỉ bán được 2 triệu đồng thôi”.
Nhiều gia đình ở đây cũng phất lên nhờ bán cây dó trầm giống. Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, ở huyện có một doanh nghiệp và hơn 40 hộ gia đình làm vườn ươm cây dó giống, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/hộ/năm. Đầu năm 2013, nhu cầu cây giống của người dân tăng cao, nguồn cung ứng hạt giống khan hiếm, có thời điểm giá hạt dó trầm lên tới 2 triệu đồng/kg, giá cây giống thì tăng gấp đôi so với năm trước. Nhiều người ở TP Hà Tĩnh, TP Vinh (Nghệ An) và cả Hà Nội đang tìm đến xã Phúc Trạch mua đất để trồng cây dó trầm.
Cây dó trầm con ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được bán với giá 10.000-20.000 đồng/cây.
Đóng tiền cho xã để… bảo vệ dó trầm
“Do cây dó trầm có giá trị kinh tế cao nên tình hình cưa trộm, tranh chấp cây dó trầm khá phức tạp. Từ đầu năm 2013 đến nay, chúng tôi đã phải xử lý ba, bốn vụ cưa trộm dó trầm rồi. Hằng năm chúng tôi đưa ra quy định kiểu hương ước là người dân bán một cây trầm thì phải góp 100.000 đồng vào quỹ để chính quyền địa phương tăng cường lực lượng bảo vệ cây dó trầm. Nếu người đi mua trầm tranh giành, đánh nhau thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang xin cấp trên đưa cây dó trầm vào cây mũi nhọn phát triển kinh tế” - Chủ tịch xã Phúc Trạch Trần Thị Hà cho biết.
Chị Trần Thị Mận (xóm 7, xã Phúc Trạch) đã dựng hàng rào bằng dây thép gai và cổng sắt nhưng vẫn bị cưa trộm cây dó gần 10 năm tuổi. Vừa qua, Công an xã Phúc Trạch điều tra ra bảy đối tượng cưa trộm cây dó của chị. Bảy kẻ trộm đã đền cây dó cho chị với số tiền 30 triệu đồng, còn công an thì không xử lý hình sự vì khi định giá tài sản thì cây này chỉ có mấy trăm ngàn đồng!
Trưởng Công an xã Phúc Trạch Nguyễn Văn Thiện phàn nàn: “Cây dó trầm càng ngày càng đắt nên đang làm đau đầu chúng tôi, hằng ngày đều có giao dịch mua bán nhưng khó kiểm soát hết được. Dó trầm trồng bạt ngàn cả xã, những lúc có mưa, gió lớn thì kẻ trộm hay cưa hạ cây dó trầm, chúng tôi phải khoanh vùng và tăng cường lực lượng. Có những cây dó trầm bị mất trộm trị giá hàng chục hoặc hàng trăm triệu đồng theo giá thị trường nhưng khi áp dụng định giá thì cây dó trầm rất thấp nên không thể lập hồ sơ xử lý hình sự” (?!).
Cây dó trầm của bà Trần Thị Mục (xã Phúc Trạch) được thương lái trả hơn 250 triệu đồng nhưng bà Mục chưa bán. Ảnh trong bài: ĐẮC LAM
Ồ ạt trồng dó trầm
Trong mảnh vườn lèo tèo mấy cây bưởi, cha con ông Thái Văn Quý (xóm 7, xã Phúc Trạch) đang lúi húi dùng khoan máy khoan thủng nhiều lỗ vào thân cây dó cao to. Ông nói: “Trồng bưởi không ăn thua nữa, cả xã tôi đang có phong trào trồng cây dó trầm. Vừa qua, con gái tôi làm công nhân ở Bình Dương bị tai nạn giao thông cần tiền mổ cấp cứu. Tôi rút điện thoại ra gọi cho thương lái đến bán một cây trầm được 15 triệu đồng, kịp gửi vào cho con. Cây dó trầm có tiền vậy dại gì không bỏ bưởi trồng dó!”.
Ngay cả Chủ tịch xã Phúc Trạch Trần Thị Hà cũng bỏ bưởi trồng trầm. Bà Hà nói: “Cây dó trầm đang lấn át cây bưởi Phúc Trạch. Hai năm trở lại đây dân ồ ạt đầu tư trồng cây dó trầm. Gia đình tôi hiện đã trồng được hơn ba sào với hơn 1.000 cây dó, hiện vườn chỉ còn 40-50 cây bưởi thôi. Năm trước có một cây dó nhỏ bị lũ ngập thối rễ tôi bán cũng được 9 triệu đồng. Vừa rồi có tập đoàn ở Trung Quốc đến xin hợp tác với UBND xã Phúc Trạch cùng thu mua cây dó trầm nhưng xã không thể liên kết được vì không đưa ra được cái giá cụ thể của cây dó trầm”.
Trước sức hấp dẫn của cây dó trầm, người dân ở Hương Khê đang hạ gục bưởi để trồng dó, toàn huyện ước tính hiện có gần 1.000 ha dó trầm. Không chỉ người dân mà các trường học, các công ty cũng đua nhau trồng cây dó. Điển hình như Công ty Cao su Hương Khê đã trồng 20 ha dó trầm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu cũng trồng 171 ha…
Trăn trở bảo tồn bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh là nơi có diện tích cây dó trầm lớn nhất nước với khoảng 3.000 ha. Nhiều hộ gia đình đang triệt hạ cả vườn bưởi đặc sản (bưởi Phúc Trạch đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2010) để trồng cây dó trầm. Ông Phạm Quang Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh), cho biết: “Diện tích bưởi Phúc Trạch trên địa bàn xã trước đây hơn 250 ha nhưng mấy năm nay cây dó trầm đang lấn át dần. Diện tích bưởi hiện chỉ còn gần 80 ha, trong đó khoảng 20 ha còn hiệu quả, số còn lại đang còi cọc dưới gốc cây dó trầm. Chủ trương của xã hiện nay là cố gắng giữ lại 60-100 ha cây bưởi truyền thống”. Ông Lê Tiến Đài, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, trăn trở: “Việc trồng cây dó trầm thời gian qua là hoàn toàn tự phát, không nằm trong quy hoạch cơ cấu cây trồng của tỉnh và huyện. Để bảo tồn cây bưởi đặc sản, UBND huyện Hương Khê có chính sách khuyến khích người dân bằng cách ai trồng mới 1 ha bưởi thì được hỗ trợ 50 triệu đồng và sẵn sàng cho vay vốn để trồng thành vườn, trang trại”. Ông Đài nói biết là nhu cầu thị trường về cây dó trầm là rất lớn. “Tuy nhiên, huyện chưa dám chỉ đạo khuyến khích người dân trồng nhiều vì chưa biết rõ thị trường chắc chắn thế nào. Nhỡ may trồng ồ ạt rồi sau này không ai mua thì sao”. Trước thực trạng đó, huyện Hương Khê đã báo cáo xin ý kiến từ UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ban ngành để giúp địa phương định hướng đối với việc phát triển cây dó trầm. Vừa qua, đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp, cán bộ kiểm lâm và UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã về gặp gỡ người dân và khảo sát cây dó trầm. Tuy vậy, hiện địa phương vẫn đang loay hoay, trong khi người dân thì đang rất ồ ạt phá bưởi trồng dó trầm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;