Học tập đạo đức HCM

Cách làm mới trong dồn điền, đổi thửa

Thứ sáu - 10/05/2013 23:28
Dồn điền, đổi thửa (DÐÐT) tuy không phải là tiêu chí nhưng lại là yếu tố quyết định thành công của nhiều tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn Hà Nội, nơi luôn được coi là "tấc đất, tấc vàng" thì việc triển khai DÐÐT gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, bằng việc tạo ra các cơ chế hợp lý, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, việc DÐÐT của Hà Nội đã bước đầu thu được kết quả tích cực.

 

Khó trăm bề

Ở Hà Nội, đâu đâu cũng được coi là "đất vàng". Ðiều đó khiến tâm lý người dân nói chung đều cố gắng "giữ" đất, không muốn thay đổi. Kể cả đất nông nghiệp sản xuất gieo trồng, nhiều người dân vẫn có tâm lý chia lại đất canh tác sẽ thiệt thòi, gặp khó. Ðánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Nội cho thấy, trước đây việc chia ruộng đất chủ yếu theo tinh thần ai cũng có thửa xa, thửa gần, thửa xấu, thửa đẹp... cho nên manh mún, nhỏ lẻ. Trung bình mỗi hộ có từ năm đến bảy thửa ruộng; thậm chí có hộ có tới 25 đến 30 thửa, có thửa chỉ 15 đến 17 m2. Ngoài ra, theo Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, không chỉ khó khăn về ruộng đất manh mún, ở Hà Nội còn có một thực tế là nhiều hộ đã sang nhượng đất nông nghiệp hoặc trước đây một số ít cá nhân nhờ lý do nào đó mà "lận" được một phần diện tích, nay không muốn tham gia dồn, đổi bởi sợ mất phần "lận" được... Vì vậy, việc "rũ" ruộng đất để DÐÐT theo Kế hoạch 68/KH-UBND tháng 5-2012 của UBND thành phố về DÐÐT với mục tiêu dồn đổi mỗi hộ chỉ còn từ một đến hai thửa nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nông dân, giảm chi phí lao động, nâng cao thu nhập là không dễ dàng.

Thực tế, quá trình dồn, đổi để có thửa ruộng lớn ở Hà Nội khi bắt đầu triển khai không phải người dân nào, cán bộ nào cũng đồng thuận cho nên tốn không ít công sức. Nhớ lại việc triển khai DÐÐT, đồng chí Bí thư chi bộ thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ) Trần Quang Huy, vẫn thấy "sợ". Việc dồn, đổi ruộng của thôn đã "ngốn" của đồng chí 75 ngày đêm mất ăn, mất ngủ lăn lộn ngoài đồng cùng với 30 cuộc họp bất kể ngày hay đêm để vận động, thuyết phục người dân, tìm kiếm sự đồng thuận. Trong khi đó, Phó ban DÐÐT thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Ngọc Ðồng không nhớ hết được bao nhiêu cuộc họp thôn, xóm để "đả thông" việc "rũ" 54 ha nằm ven đường tỉnh lộ 131 để DÐÐT. Bởi mảnh đất "vàng" ven đường lớn ấy chuyên canh dưa lê có giá trị thu nhập cao gấp sáu lần trồng lúa. "Ai cũng tiếc, cũng lo "bờ xôi, ruộng mật" ở "mặt đường" vận chuyển, giao thương thuận lợi sau khi dồn, đổi "vào tay" người khác, hóa ra mình thiệt"- ông Ðồng chia sẻ. Khó khăn hơn, theo Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (Sóc Sơn) Nguyễn Văn Thu: Khi nghị quyết DÐÐT ban hành, nhiều người không hiểu, thậm chí "không chịu hiểu" đã tuyên truyền, kích động những người chung quanh "tẩy chay" không làm theo nghị quyết. Còn Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Chu Phú Mỹ thì thẳng thắn cho biết, việc triển khai DÐÐT căng thẳng tới mức có nơi khi mới bắt đầu triển khai, người dân còn mang cả vòng hoa đến nhà cán bộ để chửi bới, gây áp lực...

Dân chủ tạo nên đồng thuận cao

Ðể thực hiện thành công kế hoạch DÐÐT ở Hà Nội cần sự  tuyên truyền, công khai minh bạch kế hoạch, chương trình. Vì vậy, trước "sức nóng" khi bắt đầu triển khai kế hoạch DÐÐT, phần lớn các địa phương của Hà Nội đã triển khai hàng trăm buổi tuyên truyền qua loa đài, họp dân để người dân đồng tình. Ðiển hình như xã Liên Mạc, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh, trải qua 27 cuộc họp; xã Tân Hưng (Sóc Sơn) phải trải qua 31 cuộc họp để bà con nông dân bàn bạc kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận phương án khoanh vùng, chia thửa theo phương thức canh tác lúa, hoa màu, chuyên canh cây ăn quả hay chuyển đổi trang trại... Có những địa phương như xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), sau khi họp bàn, thống nhất, tạo sự đồng thuận, đến 29 Tết vẫn còn giao ruộng đất. Hay như ở thôn Tinh Mỹ, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, sau khi được họp bàn công khai, đồng thuận, việc tổ chức bốc thăm chia thửa từ chiều hôm trước kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau mới hoàn thành nhưng mọi người đều cảm thấy vui.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động công khai minh bạch, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống người dân Hà Nội Nguyễn Công Soái: Chưa bao giờ Hà Nội có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như thời gian qua. Nhất là sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách để các địa phương tập trung DÐÐT. Ðể thực hiện tốt công tác DÐÐT, thành phố có cơ chế hỗ trợ toàn bộ kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy định của Nhà nước... Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quy định hỗ trợ các ban chỉ đạo DÐÐT cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, hội họp, tuyên truyền... một triệu đồng/mỗi ha; hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp kênh mương, thủy lợi nội đồng khi DÐÐT, hỗ trợ toàn bộ bằng tiền mua vật tư khi kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Cùng với thành phố, nhiều huyện cũng tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ DÐÐT. Ðiển hình như huyện Phú Xuyên, ngoài chính sách hỗ trợ của thành phố còn thực hiện hỗ trợ cơ giới hóa đồng ruộng cho các tập thể, cá nhân mua máy cấy. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ 45 triệu đồng/máy, UBND xã hỗ trợ 15 triệu đồng/máy, HTX nông nghiệp hỗ trợ 10 triệu đồng/máy.     

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn do một số địa phương, việc DÐÐT chưa thật sự công khai, minh bạch đã gây nên những bức xúc trong dư luận như ở thôn Trung Vực Trong xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, hay như việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân sau DÐÐT còn nhiều lúng túng... Tuy nhiên, những kết quả DÐÐT đạt được đang góp phần thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng cao. Ðến các xã Hồng Phong, Mỹ Lương, Hữu Văn của huyện Chương Mỹ sau DÐÐT, dọc ngang trên những cánh đồng là hệ thống bờ vùng, bờ thửa, giao thông, thủy lợi thông thoáng. Trên cánh đồng xóm Trung (xã Hồng Phong), bà Trịnh Thị Hùng vừa be bờ giữ nước dưỡng lúa vừa cho biết, nhà bà trước kia có năm sào ruộng, chia làm sáu thửa, mỗi thửa ở một xứ đồng, nay DÐÐT chỉ còn hai thửa. "Khi nghe tuyên truyền, giải thích về việc dồn, đổi ruộng đất cũng thấy "thông" nhưng khi chia ruộng vẫn thấy lo lo. Lo vì  ruộng đang bám mặt đường, dồn ruộng nhỡ nhà mình gắp được mảnh đằng trong mà phải gánh lúa cả đoạn dài mới đến đường vận chuyển thì vất vả, rồi thì sợ mất đất, sợ không công bằng... Bây giờ thì không thấy lo nữa mà chỉ thấy vui thôi. Ðúng là thửa to thuận lợi thật"- bà Hùng tâm sự. Còn tại huyện Phú Xuyên, tốc độ phổ biến máy cấy trên địa bàn phát triển khá nhanh. Ðến nay, toàn huyện có 64 máy cấy, 112 máy làm đất, 528 máy tuốt lúa, 14 máy gặt lúa...

Theo Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã thực hiện DÐÐT được 35.346,96/19.444,9 ha đất canh tác. Trong đó, một số huyện làm tốt như: Chương Mỹ dồn đổi được hơn 7.947 ha, Mỹ Ðức hơn 6.149 ha, Sóc Sơn hơn 5.618 ha, Phú Xuyên: hơn 5.526 ha, Mê Linh 1.832 ha... Vụ xuân 2013, nhiều nông dân đã ứng dụng máy cấy, máy gieo sạ vào sản xuất, rút ngắn được ngày công lao động, có thời gian tập trung vào phát triển sản xuất. Những cánh đồng mẫu lớn đã và đang hình thành hứa hẹn những "mùa vàng" mới cho người dân mà quan trọng hơn là từng bước góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, mở đường xây dựng nông thôn mới.

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN MAI
Theo nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập97
  • Hôm nay29,585
  • Tháng hiện tại326,413
  • Tổng lượt truy cập85,233,449
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây