Học tập đạo đức HCM

Thơm ngon trái nhãn Hưng Yên

Thứ hai - 17/09/2012 20:20
Khi trên thị trường tràn ngập nhãn nhập từ Thái-lan, quả to, mẫu mã đẹp, rồi nhãn từ nhiều nơi đưa về thì những người sành ăn vẫn tìm đến nhãn Hưng Yên chính hiệu, chấp nhận mua với giá cao hơn các loại nhãn khác, bởi đặc tính thơm, ngon của giống nhãn lồng trồng trên đất Hưng Yên nổi tiếng nhiều đời nay.
 

 
Vườn nhãn chín muộn của gia đình ông Nguyễn Ðức Lợi, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang cho thu nhập cao.  
 
Cuối vụ nhãn chúng tôi về xã Hồng Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, nơi nhiều nhà vườn đang chuyển sang thu hoạch trà nhãn chín muộn. Ông Nguyễn Văn Minh, một chủ vườn nổi tiếng ở xã Hồng Nam cho biết: Trước kia các nhà vườn ở Hồng Nam thu hoạch chủ yếu nhãn chính vụ, nay thì khác, nhiều hộ thu hoạch ở cả ba trà, chín sớm, chín chính vụ và chín muộn. Vụ này, gia đình ông Minh ước thu gần chục tấn nhãn quả tươi, trong đó có hơn hai tấn nhãn chín sớm và chín muộn. Sản lượng nhãn chín sớm và nhãn chín muộn chưa nhiều nhưng có giá trị, bình quân mỗi kg quả giá cao gấp từ hai đến ba lần so với nhãn chính vụ. Ðặc biệt, nhu cầu nhãn chín sớm ngày càng lớn, các thương lái từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh về tận các vườn nhãn ở Hồng Nam đặt hàng với giá cao. Khi được hỏi: Ðược mùa có lo ép giá, rớt giá không? Ông Minh trả lời: Vườn nhãn của gia đình tôi có "thương hiệu" nên không bao giờ lo bị ép giá. Cả xã Hồng Nam có hơn 120 ha nhãn, ước thu khoảng 2.500 tấn quả tươi. Trong đó, nhãn chín sớm và chín muộn chiếm hơn 15% tổng diện tích.

Anh Nguyễn Văn Tám, thành viên Hội nhãn lồng Hưng Yên cho biết: Việc canh tác nhãn trà sớm nhằm kéo dài thời vụ thu hoạch nhãn, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và không lo "được mùa rớt giá" như đối với một số loại hoa quả khác. Tuy nhiên kỹ thuật xử lý để nhãn sớm ra hoa đậu quả không hề đơn giản. Sau khi vụ nhãn kết thúc, để có trà nhãn sớm các chủ vườn phải tiến hành chăm sóc nhãn, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật như phun các chế phẩm sinh học qua lá, tưới ka-li, KCLO3 qua gốc, khoanh vỏ... Năm nay, vào thời điểm nhãn trà sớm trổ hoa gặp mưa kéo dài đã phần nào ảnh hưởng sản lượng trà nhãn sớm nhưng bù lại giá trị của quả nhãn đầu mùa cao, giá một kg nhãn Hương chi dao động từ 45 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng nên các chủ vườn rất phấn khởi.

Huyện Khoái Châu là vùng trồng nhãn lớn của tỉnh Hưng Yên. Ngoài diện tích nhãn trồng trong vườn, ven đường, nông dân trong huyện còn chuyển cây nhãn ra trồng ở ngoài đồng, góp phần đẩy nhanh diện tích nhãn của toàn huyện lên hơn 400 ha nhãn, phần lớn là giống nhãn chín muộn. Theo đánh giá của các hộ làm vườn năm nay "nhãn vừa được mùa, vừa được giá". Ở thời điểm nhãn chín chính vụ cho thu hoạch rộ, giá nhãn ngon trên thị trường vẫn có mức giá khá cao, dao động từ 15 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/1 kg (tùy theo loại quả), cao gấp gần hai lần so với vụ mùa năm 2011. Anh Nghĩa, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu cho biết: Vào thời điểm này ở nhiều nơi hết nhãn quả tươi nhưng ở địa phương tôi các chủ vườn vẫn đang thu hoạch rộ nên giá nhãn chín muộn bao giờ cũng cao hơn nhãn chính vụ từ 30% đến 50% và phong trào trồng nhãn muộn phát triển nhanh, mạnh ở nhiều xã trong huyện Khoái Châu. Nhờ đó giống nhãn chín muộn Hàm Tử được lên "ngôi", trồng nhiều ở các xã như Hàm Tử, Ðông Kết, Bình Minh... giúp vụ thu hoạch nhãn ở Hưng Yên được kéo dài ra cả tháng cho đến đầu tháng 10 mới kết thúc. Theo UBND huyện Khoái Châu, năm 2011 là năm được mùa nhãn, toàn huyện ước thu gần 10 nghìn tấn quả tươi, đạt doanh thu hơn 200 tỷ đồng, năm nay nhãn tiếp tục được mùa, sản lượng gần bằng năm trước nhưng doanh thu sẽ cao hơn, nhiều chủ vườn thu hàng trăm triệu đồng từ cây nhãn muộn.

Từ lâu, nhãn lồng là đặc sản của đất và người Hưng Yên. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha nhãn (gồm cả nhãn trồng phân tán), trong đó hơn 3.000 ha nhãn trồng tập trung đang trong thời kỳ cho thu hoạch ổn định. Nhãn Hưng Yên được chia làm ba trà: trà chín sớm, trà chín chính vụ và trà chín muộn. Có nhiều giống cho quả to, thơm ngon, như: nhãn lồng, nhãn đường phèn, nhãn cùi, nhãn Hương chi...

Ðể xây dựng thương hiệu nhãn lồng đặc sản, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức nhiều cuộc thi bình tuyển giống nhãn, trên cơ sở đó lựa chọn những cây nhãn đầu dòng quả to, thơm ngon; cấp giấy chứng nhận, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho từng cây nhãn đầu dòng; xây dựng vườn bảo tồn những giống nhãn quý, sản xuất cây giống tốt, cung cấp cho các nhà vườn. Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về thâm canh nhãn, kỹ thuật điều tiết ra hoa, đậu quả, kỹ thuật nhân giống, xây dựng mô hình trồng nhãn tiên tiến... đã giúp nhiều hộ trồng nhãn có kiến thức, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nhãn, nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng quả nhãn, kéo dài thời vụ và tăng hiệu quả kinh tế từ cây nhãn. Vụ nhãn năm nay, nhiều vùng trồng nhãn lớn ở một số tỉnh "mất mùa" nhưng ở tỉnh Hưng Yên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng với kỹ thuật thâm canh của người dân được nâng cao, tỷ lệ nhãn ra hoa, đậu quả đạt cao, được mùa, sản lượng nhãn cả tỉnh ước đạt khoảng 40 nghìn tấn. Trên thực tế cho thấy việc phát triển, nhân rộng diện tích các giống nhãn ngon, nhãn chín sớm và nhãn chín muộn cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nhãn nhằm mục đích kéo dài vụ sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây nhãn, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ trồng nhãn ở Hưng Yên. Hiện nay, việc này tuy đã được các cấp, các ngành ở tỉnh Hưng Yên quan tâm nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của cây nhãn nên ở nhiều nơi, nông dân vẫn tự mày mò, trồng và chăm sóc nhãn theo lối truyền thống, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Vì vậy, để nhãn Hưng Yên được mùa không lo rớt giá, người trồng nhãn ở Hưng Yên đang cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, nhất là việc sớm triển khai dự án "Bảo tồn giống nhãn lồng đặc sản, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn giai đoạn 2012-2015"; qua đó tỉnh Hưng Yên sẽ từng bước xây dựng được thương hiệu nhãn lồng với những vùng chuyên canh có chỉ dẫn địa lý, cho sản lượng lớn, ổn định, chất lượng quả ngon, đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Quả nhãn lồng đặc sản của tỉnh Hưng Yên sẽ vươn tới nhiều thị trường mới trong và ngoài nước, thật sự trở thành cây làm giàu cho nông dân.

PHẠM HÀ
Nguồn:nhandan.com.vn
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập235
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm229
  • Hôm nay55,700
  • Tháng hiện tại868,967
  • Tổng lượt truy cập88,224,037
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây