Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một nhân vật gắn liền với rất nhiều sáng chế và ứng dụng khoa học trong sản xuất ở huyện Đơn Dương - Lâm Đồng.
Anh Nguyễn Hồng Chương, sinh năm 1975, sinh ra và lớn lên tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trong một gia đình thuần nông. Với tinh thần ham học hỏi, không chịu khuất phục trước nghèo khó, anh đã sáng chế thành công nhiều loại máy nông nghiệp, thay thế hàng chục nhân công lao động trong sản xuất rau, hoa, từ đó làm giàu cho bản thân và quê hương. Từ những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp, anh Nguyễn Hồng Chương đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng…
Xưởng sản xuất Hồng Chương
Từ chiếc máy gieo hạt chân không đầu tiên
Hơn chục năm qua, muốn ươm cây giống rau, hoa trong vỉ xốp theo công nghệ mới, các cơ sở phải thuê nhân công cho đất vào vỉ và gieo hạt bằng tay nên tốn rất nhiều công sức, thời gian. Nắm bắt nhu cầu thiết thực của các vườn ươm và nông hộ, năm 2006, anh Chương bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy gieo hạt giống chân không.
Chỉ hơn 2 tháng mày mò, chiếc máy gieo hạt đầu tiên ra đời trước sự thán phục của bà con nông dân Lạc Lâm. Chiếc máy gieo hạt đầu tiên của Anh Chương được xuất xưởng, máy có trọng lượng 130kg, hoạt động bằng động cơ điện, hơi nén, hút chân không, có chức năng tự động thông kim, tự dập vỉ, tự làm sạch máy, chống kẹt vỉ xốp và được dùng để ươm các loại rau, hoa trong vỉ xốp.
Hàng loạt những sáng chế của anh nông dân ra đời
Anh Chương cho biết, so với loại máy gieo hạt của Australia (giá 12.000USD, tương đương 240 triệu đồng) hiện đang có mặt trên thị trường với công suất chỉ đạt 120 - 130 vỉ/giờ, tiêu thụ điện năng từ 3-5kW/giờ thì máy của anh chỉ có giá 56 triệu đồng, công suất lại cao hơn, đạt 230 - 250 vỉ/giờ, tiêu thụ điện năng chỉ 0,5kW/giờ. Đặc biệt, máy có thể thay thế 8 - 12 nhân công/ngày, tiết kiệm 70-80 triệu đồng chi phí thuê nhân công mỗi năm.
Tiếp đó, năm 2008, Anh Chương lại chế tạo thành công máy dồn đất vào vỉ xốp có thể thay thế cho 6 đến 8 lao động.
Đến những loại máy nông nghiệp hữu ích và thực tiễn
Máy rửa, phân loại, đánh bóng trái cà chua
Chỉ trong vòng 3 tuần, anh Nguyễn Hồng Chương đã cho ra đời máy rửa, phân loại, hong sấy khô và đánh bóng trái cà chua trước khi đóng thùng xuất bán trước sự ngỡ ngàng của chủ vựa cà chua, người mà trước đó đã than vãn với anh. Dĩ nhiên, người này xung phong mua ngay chiếc máy để đưa vào phục vụ sản xuất. Máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trái cà chua của anh Nguyễn Hồng Chương hoạt động mỗi ngày 8 tiếng, đạt năng suất 20 tấn, bằng khoảng 20 người dùng phương pháp thủ công để làm việc. Anh Chương cho biết, có thể nâng công suất làm việc của loại máy này lên gấp đôi, hay nhiều hơn thế nữa tùy vào quy mô của mình mà chủ vựa cà chua đặt hàng anh sản xuất.
Anh Chương trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật trong nhà xưởng
Máy rửa, phân loại, hong sấy khô nước và đánh bóng trên trái cà chua của anh Nguyễn Hồng Chương có hình chữ L, bao gồm các bộ phận cơ bản như thùng đựng cà chua thô. Từ đây, một bộ băng chuyền hoạt động tương tự như cầu thang. Máy sẽ tự động lấy cà chua chuyển tới bộ phận sàng lọc các loại chất thải còn dính trên quả như rác, lá, cuống, cà chua hư hỏng… tách bỏ phần chất thải này ra khỏi quả. Cà chua tiếp tục được chuyển tới bộ phận đựng nước rửa.
Khi đã được rửa sạch, băng chuyền chuyển tới vùng sấy khô nước trên cà chua, sau đó đưa tới vùng phân chia thành các loại cà chua lớn nhỏ khác nhau và đánh bóng trái cà chua. Khi đã hoàn tất các công đoạn trên, trái cà chua được đưa ra ngoài bằng các máng trượt, mỗi máng là một loại kích cỡ khác nhau.
Máy đóng đất vào chậu
Năm 2008, anh Chương lại nghiên cứu và sáng chế thành công máy dồn đất vào vỉ xốp, có thể thay thế 6 đến 8 lao động. Tiếp đến, vào năm 2010, Chương cùng 3 anh em trong gia đình sáng chế thành công chiếc máy đóng đất vào chậu để trồng hoa. Anh cho biết, chiếc máy này có tới 3 băng chuyền cùng hoạt động nhịp nhàng: băng chuyền thứ nhất đẩy đất từ thấp lên cao để đổ vào chậu; băng chuyền thứ hai xoay tròn đẩy dàn chậu vào đúng vị trí hứng đất; băng chuyền thứ ba đẩy chậu đã cấy giống xong ra ngoài. Máy có công suất 1.200 chậu/giờ.
Anh Chương tiết lộ, một công ty sản xuất kinh doanh hoa 100% vốn nước ngoài ở Đà Lạt đã đặt hàng anh sản xuất chiếc máy này. Và thành công này tạo đà để anh tiếp tục ra mắt sản phẩm mới.
Tháng 3/2011, bà con trồng rau, hoa trong xã lại ngạc nhiên trước chiếc máy đẩy vỉ xốp (dùng để lấy cây giống trong vỉ xốp đem ra trồng ngoài vườn) rất thiết thực với các nông hộ trồng rau, hoa tại địa phương.
Anh Chương bên những bằng khen nhận được
Tính đến tháng 4.2011, xưởng cơ khí Hồng Chương đã xuất xưởng trên 250 máy móc các loại, trong đó nhiều nhất là 2 loại máy gieo hạt và máy dồn đất vào vỉ xốp. Máy nông cụ thương hiệu Hồng Chương ngày càng được nhiều công ty, nông dân trong cả nước tín nhiệm đặt hàng.
Không những góp phần tích cực cho nền nông nghiệp trong nước, các sản phẩm sáng chế của anh nông dân Nguyễn Hồng Chương đang dần khẳng định vị thế để vươn ra thị trường quốc tế và giới thiệu giao lưu công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp ở các nước lân cận. Đó hẳn là niềm tự hào cho nông nghiệp Việt Nam thời gian tới./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã