Người ta biết đến huyện Chư Sê của tỉnh Gia Lai với cái tên là “vương quốc hồ tiêu”. Nơi đây từng được xem là thủ phủ hồ tiêu của Tây Nguyên, và của cả nước, bởi ngoài diện tích lớn thì thiên nhiên đã biệt đãi cho vùng đất này một vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây hồ tiêu. Theo đó, hồ tiêu Chư Sê đã trở thành thương hiệu lớn, đã có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Và cũng theo đó, người trồng hồ tiêu ở Chư Sê một thời có cuộc sống được xem là sung túc bởi nguồn lợi thu về từ những vườn hồ tiêu. Đã có không ít những ông “vua hồ tiêu” nơi đây với vài chục hec-ta hồ tiêu mỗi vườn. Những căn biệt thự lộng lẫy đua nhau mọc lên, những chiếc xe hơi sang trọng mỗi sáng lại đưa ông chủ đi thăm vườn…
Để rồi, đến những năm 2014 - 2015, khi giá hồ tiêu lập đỉnh 200 - 250 ngàn đồng/kg thì lác đác có những vườn hồ tiêu bắt đầu vàng lá, thối rễ. Căn bệnh mà người ta ví như là bệnh “ung thư hồ tiêu” đã khai tử phần lớn diện tích hồ tiêu ở “vương quốc” này. Xe hơi thì… bốc hơi theo nợ nần; những căn nhà, những căn biệt thự dần vắng chủ bởi họ phải bỏ xứ đi làm xa để kiếm tiền trả nợ, cũng là để… tránh nợ.
Thế rồi, được sự khuyến cáo và hướng dẫn của chính quyền, của ngành nông nghiệp; được sự tạo điều kiện của ngân hàng, người trồng tiêu ở đây bắt đầu công cuộc chuyển đổi: Những vườn hồ tiêu một thời dần được thay thế hoặc trồng xen với cây ăn quả, cây dược liệu hoặc những trang trại chăn nuôi… Màu xanh của mít, của bơ, của sầu riêng, của chanh dây… đã lại phủ lên những vườn hồ tiêu khô cháy. Cuộc sống của người trồng tiêu ở Chư Sê đã dần trở lại bình thường khi mà những vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch, nợ dần được trả, con em lại được đến trường.
Mới đây nhất, Chư Sê lại có thêm một nghề mới: Nghề nuôi chim yến.
Thực ra, nghề nuôi yến đã có ở các huyện phía nam tỉnh Gia Lai như Ayun Pa, Phú Thiện… từ gần mười năm nay, và đã khẳng định sự thành công. Tuy nhiên với Chư Sê thì đây lại là một nghề cứu cánh cho không ít hộ nông dân đã từng đổ nợ vì cây hồ tiêu.
Anh Phạm Tiến Dũng ở tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê từng có 9ha hồ tiêu với 17.000 gốc, được trồng từ năm 2011. Cuối năm 2013, căn bệnh “ung thư hồ tiêu” làm chết đi một số diện tích. Đến năm 2014 thì vườn tiêu 9ha của anh chết sạch, chết không chừa dù chỉ… một trụ. 15 tỷ đồng đầu tư vào vườn tiêu - tất nhiên phần lớn là tiền vay ngân hàng, theo đó mất trắng. Loay hoay với đủ nghề, thêm vào đó là một số ngân hàng hỗ trợ bằng cách giãn nợ, giảm lãi suất nên vợ chồng anh cũng đã thoát được số nợ tưởng khó mà thanh toán nổi.
Thế rồi, nghề nuôi chim yến đến với gia đình anh một cách khá là tình cờ. Anh kể: Có nhiều hôm, vợ chồng anh thấy chim yến bay lởn vởn trong khu vực thị trấn. “Vợ tôi vốn đam mê mạng, liền mở mạng ra tìm hiểu thì biết đó là chim yến. Sẵn máu làm ăn, cũng thông qua mạng, bà ấy liên lạc với những người đang làm nhà yến trong cả nước để tìm hiểu cách làm, tìm hiểu thị trường. Cuối cùng, tôi đã đồng ý làm thử một nhà yến, sau một thời gian bị bà ấy kiên trì thuyết phục”.
Vậy là, ngày 10/10/2014, vợ chồng anh Phạm Tiến Dũng mở máy, chính thức khai trương nhà yến của mình - cũng là nhà nuôi yến đầu tiên của huyện Chư Sê. Anh Dũng cho biết, sau 18 tháng kể từ ngày mở máy, nhà yến đã cho thu lai rai. Đến năm thứ 5 thì thu rộ. Cho đến bây giờ, vợ chồng anh đã có 3 căn nhà yến ở thị trấn Chư Sê, 1 căn ở xã H’bông. Trong đó có hai căn đã cho thu hoạch, bình quân được khoảng 20kg sản phẩm thô mỗi tháng.
Cũng ở thị trấn Chư Sê, anh Lã Văn Phóng ở tổ dân phố 9 có cửa hàng làm nghề nhôm kính. Thấy mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Dũng thành công ngoài mong đợi nên năm 2016, anh Phóng quyết định chi tiền đầu tư hai căn nhà nuôi yến. Hồi đó, nghề nuôi yến ở Chư Sê chưa nhiều, trong khi cửa hàng làm nghề nhôm kính của anh đang thành đạt nên không ít người ái ngại cho anh.
Bây giờ, hai nhà yến của anh Phóng (một căn 100m2, một căn 800m2) đã cho thu hoạch 5kg sản phẩm thô mỗi tháng. Một năm thu 10 tháng, gia đình anh có được 50kg yến thô.
Chỉ trong một thời gian ngắn, gần 300 căn nhà yến được phát triển ở huyện Chư Sê, điều này khẳng định sự thành công trong việc đầu tư nuôi yến trên địa bàn. Chả vậy mà có những căn biệt thự hàng mấy tỷ bạc, được xây lên từ thời hoàng kim của hồ tiêu, giờ được cải tạo lại để làm nhà yến.
Một đồng nghiệp cùng đi với tôi, thấy nghề nuôi yến ở đây đang rất khả quan liền mượn chiếc máy gọi yến của anh Dũng về nhà thử. Đúng một tuần sau, anh thông báo: “Nếu thời tiết tốt, mười ngày nữa em sẽ khánh thành nhà nuôi yến rộng 145m2, ngay trên tầng thượng nhà em”.
Anh Phạm Tiến Dũng cho biết, chất lượng yến sào Tây Nguyên không hề thua kém ở đồng bằng, bởi Tây Nguyên có khí hậu rất hợp với chim yến, nguồn thức ăn lại dồi dào. Đặc biệt do gần với những cánh rừng nguyên sinh của Campuchia nên yến ở đây thường bay sang bên ấy, chiều về là đã no nê với nguồn thức ăn là côn trùng từ những cánh rừng nguyên sinh ấy.
Anh Dũng tâm sự: “Nuôi yến không khó. Nhiều người nói "chim trời cá nước", biết đâu mà lần. Tuy nhiên đã làm là phải có niềm tin, và phải quyết tâm. Quan trọng là vùng đó yến có về hay không, quan trọng nữa là vốn”.
Theo tính toán của anh Dũng, chưa kể đất thì 1m2 nhà yến đầu tư hết 3,5 triệu đồng. Nếu gia đình nào có sẵn đất, để đầu tư một căn nhà yến 100m2, cần đến 350 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, bởi người dân ở “vương quốc hồ tiêu” này vẫn chưa hoàn toàn “bình phục” sau cơn đại dịch hồ tiêu.
Tuy nhiên nếu xác định được vị trí đặt nhà yến (sau khi dùng máy thử đảm bảo có yến, và đảm bảo giữ đúng khoảng cách với khu dân cư) thì đầu tư nhà yến là nắm phần thắng. Căn nhà yến của anh Dũng ở xã H’bông có diện tích 540m2, mới mở máy được một tháng rưỡi đã có trên 20 cặp chim yến bay về. Vậy là thắng rồi!
Qua khảo sát hồi đầu tháng tư năm nay, toàn huyện Chư Sê đã có 228 nhà nuôi chim yến đang hoạt động. Vậy là, Hội Yến sào huyện Chư Sê chính thức ra đời, thông qua Đại hội thành lập Hội Yến sào huyện Chư Sê lần thứ I (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Chủ tịch Hiệp hội không ai khác chính là anh Phạm Tiến Dũng - người tiên phong trong nghề nuôi yến của huyện. Báo cáo tại Đại hội cho biết, với 228 nhà nuôi chim yến hiện có, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 700kg tổ yến sào. Với giá thị trường hiện tại dao động từ 18 - 22 triệu đồng/kg yến thô thì đây là nguồn thu không hề nhỏ.
Phương hướng của Hội Yến sào huyện Chư Sê là tập trung bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ các chủ nhà nuôi chim yến tiếp cận thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử cho từng nhà yến… Tập hợp các thành viên trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý Yến sào Chư Sê cũng như của tỉnh phát triển bền vững…
Đến nay, Hội Yến sào huyện Chư Sê đã có khoảng 100 nhà yến tham gia. “Các chủ nhà yến đã thấy được vai trò của Hội, xác định vào Hội để giao lưu học hỏi kinh nghiệm, được bảo vệ quyền lợi chính đáng… Tuy nhiên, vẫn rất cần một thương hiệu mang tên "Yến sào Chư Sê", mà yến sào Chư Sê hoàn toàn xứng đáng với thương hiệu này”, anh Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Hồng Hà - Bí thư Huyện ủy Chư Sê, cho biết, hiện các ngân hàng thương mại chưa có chủ trương cho vay dự án nuôi yến, nghĩa là không thể thế chấp nhà yến để vay vốn, chỉ dùng Giấy Chứng nhận QSDĐ để vay thương mại. Duy chỉ có ngân hàng SacomBank có cho vay dự án nuôi yến. “Huyện sẽ hỗ trợ Hội Yến sào Chư Sê hoạt động có hiệu quả, nhằm giúp người nuôi yến được yên tâm đầu tư, đảm bảo đầu ra, bảo vệ quyền lợi cho người nuôi yến…”, ông Hà khẳng định.
Trần Đăng Lâm/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;