Thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua tại nhiều địa phương cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Ðặc biệt, trong những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Theo Báo cáo tại Đại hội Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, giai đoạn 2016-2020 cả nước thành lập mới 10.749 HTX trong đó lĩnh vực nông nghiệp là 7.632 HTX, chiếm tỷ lệ 71%; tính đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX trong đó HTX nông nghiệp là 16.953 HTX.
Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất
Xác định hình thức tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên HTX nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất để tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Mô hình hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Cường/Báo Nông nghiệp) |
Điển hình như tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên), từ năm 2018, HTX đã áp dụng mô hình dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, trong đó HTX nhận thực hiện dịch vụ đồng bộ từ khâu làm đất, làm mạ, cấy và gặt, điều này đã giúp giảm giá thành sản xuất, giải phóng sức lao động góp phần đem lại lợi nhuận cho HTX và các thành viên. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý Lê Thị Hương cho biết: Để HTX phát triển mạnh và bền vững, thời gian qua, HTX đã nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như mô hình giống cây trồng chất lượng cao; mô hình phân bón, mô hình xử lý gốc rạ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và cơ giới hóa khép kín;…
Những năm gần đây, HTX còn xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đưa các mô hình chuyển đổi giống cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như: Lúa chất lượng cao, hoa cúc, hoa hồng, ớt, khoai tây, ngô biến đổi gen, ngô ngọt Thái Lan, ngô Singenta, đỗ tương DT26,… và cung cấp dịch vụ làm đất, cung cấp giống, phân bón theo phương thức trả chậm cho thành viên. Đặc biệt, HTX còn đứng ra liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để giúp bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm. Riêng năm 2019, HTX giúp bà con tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản các loại như: Ớt, khoai tây, ngô ngọt,... và đảm bảo thu mua 30% tổng sản lượng lúa chất lượng cao, giúp bà con yên tâm gắn bó lâu dài với HTX.
Tại xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, từ 3ha sản xuất, đến nay, HTX rau an toàn Visa đã mở rộng quy mô diện tích lên hơn 700 ha với 67 đầu rau, cung cấp 7-8 tấn rau các loại ra thị trường mỗi ngày, trở thành HTX duy nhất trên địa bàn tỉnh cung cấp cho hệ thống Vinmart và là một trong số ít các nhà cung cấp được Vinmart cho phép trực tiếp phân phối rau tại 7 tỉnh, thành trong hệ thống các nhà cung cấp. Điều này khẳng định chất lượng sản phẩm của HTX đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của đơn vị thu mua.
Theo anh Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc HTX, để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp thu mua, HTX kiểm soát chặt chẽ các quy trình sản xuất; cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật canh tác; thành lập phòng kiểm soát chất lượng, trực tiếp test tại từng lô thửa; thực hiện việc giám sát nội bộ toàn bộ diện tích sản xuất rau an toàn và rau VietGAP. Hiện bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng hơn 7 tấn rau, củ, quả các loại cho thị trường, trong đó 1,5-2 tấn rau cho hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng thực phẩm sạch, Công ty TNHH Welstory Việt Nam, Công ty TNHH Foseca Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư thương mại quốc tế Mặt Trời Đỏ. Trong thời gian tới, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sản xuất rau của địa phương, HTX mở rộng quy mô sản xuất ở các tỉnh: Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh với đa dạng chủng loại; đồng thời, mở rộng thị trường kết nối cung ứng rau trên toàn quốc, trong đó hướng tới đối tượng khách hàng là các hộ gia đình trong các chung cư, khu biệt thự cao cấp; mở rộng chi nhánh tại các tỉnh, thành…
Được biết, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 230 HTX nông nghiệp, chiếm tỷ lệ trên 32% tổng số HTX trên địa bàn. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các HTX nông nghiệp đã có những đóng góp rất quan trọng, không chỉ tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân mà còn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân và tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để tạo thuận lợi cho các HTX nông nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc đã xây dựng, ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, như đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ HTX liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm; hỗ trợ phí mua bảo hiểm nông nghiệp…
Phát triển HTX gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tại tỉnh Bình Định, xác định nông nghiệp là ngành sản xuất chính của địa phương, 5 năm qua, HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực mở ra hướng đi mới cho HTX nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.
Dưa lưới của HTX mang lại thu nhập cao cho thành viên (Ảnh: vca.org.vn) |
Thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn thị xã An Nhơn giai đoạn 2016-2020, HTX đã xây dựng phương án triển khai sản xuất 3,4ha rau, quả an toàn theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng. Hiện nay, 3 sản phẩm chủ lực đầu tiên của HTX là dưa hấu, dưa lê vỏ vàng và dưa lưới đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX cho biết, những kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại cao hơn gấp 3 lần so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 10 đến 20 lao động là thành viên HTX.
Đáng chú ý, từ năm 2009 đến nay, HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa giống, xây dựng cánh đồng lớn giữa HTX và Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình, Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam với diện tích sản xuất hàng năm gần 200ha, năng suất đạt từ 70-80 tạ/ha; sản lượng tiêu thụ 3.611 tấn lúa giống các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, giá trị tăng thêm cho thành viên trên 5,4 tỷ đồng so với sản xuất thông thường (bình quân 1kg lúa giống cao hơn giá thị trường 1.500 đồng/kg). Quá trình xây dựng chuỗi giá trị liên kết cũng đã góp phần tăng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cùng địa phương thực hiện thành công tiêu chí số 10 (thu nhập) và số 13 (hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX tăng lên đáng kể, doanh thu tăng từ 25,083 tỷ đồng (2010-2015) lên 37,157 tỷ đồng (2015-2020); thu nhập tăng từ 2,190 tỷ đồng (2010-2015) lên 2,371 tỷ đồng (2015-2020); nguồn vốn kinh doanh tăng từ 5-7%/năm; hàng năm phân phối lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ trên 150 triệu đồng theo Luật HTX năm 2012, và chia lãi theo vốn góp cho thành viên bình quân đạt 8%/năm.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Bình Định, trong 223 HTX toàn tỉnh có 167 HTX nông nghiệp; thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và tăng thêm các dịch vụ phục vụ kinh tế hộ, giúp hộ nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản xuất nhằm nâng cao năng suất và tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Tham mưu phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương
Là HTX nông nghiệp duy nhất của xã Mỹ Nhân, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, HTX nông nghiệp Nhân Mỹ luôn là cơ quan tham mưu cho cấp ủy chính quyền lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là việc phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, trong đó chú trọng đến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả. Đại diện HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ cho biết, HTX luôn bám sát giữa cầu và cung của thị trường; vận dụng có hiệu quả cơ chế liên doanh liên kết 4 nhà để kích cầu phát triển bền vững. Hiện nay cơ cấu giống lúa của địa phương, chủ yếu giống lúa thị trường cần như các loại lúa thơm chất lượng có tỷ lệ 80 đến 85% tổng diện tích gieo cấy toàn HTX mỗi vụ; riêng vụ đông hàng năm HTX sản xuất các loại sản phẩm chủ yếu như bí xanh, bí đỏ, dưa chuột… Đặc biệt, hàng vụ HTX nông nghiệp Nhân Mỹ còn là cầu nối ký kết với các công ty lớn như: Tập đoàn Lộc trời, Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH thu mua lúa gạo Long Vũ thuộc huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam… để cung ứng đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra cho các thành viên HTX, tạo được lòng tin đối với người lao động, thành viên HTX.
Thu hoạch lúa mùa tại xã Tràng An (Bình Lục, Hà Nam). (Ảnh: Kim Chi/Báo Hà Nam) |
Từ nguồn vốn quỹ của HTX và sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước, HTX đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, kiên cố hóa kênh mương với kinh phí tới hàng tỷ đồng; qua đó, góp phần hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu về đích nông thôn mới tại xã Nhân Mỹ.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam Đỗ Xuân Trường, tính đến nay, toàn tỉnh Hà Nam có 251 HTX, trong đó HTX nông nghiệp là 214 (chiếm tỷ lệ 85,3%). Cùng với HTX nông nghiệp Nhân Mỹ, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế nông nghiệp nông dân, nông thôn tại địa phương; tham gia vào công tác quy hoạch vùng sản xuất, công tác tích tụ ruộng đất, dồn đổi ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn phục vụ sản xuất tập trung để tăng giá trị sử dụng đất... như HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Bắc với thế mạnh là sản xuất lúa hàng hóa, lúa giống; phát triển dịch vụ cấy lúa bằng máy, dịch vụ hợp đồng trọn gói từ làm đất đến thu hoạch, thành viên chỉ việc lựa chọn giống lúa cấy, phân bón, trả tiền dịch vụ cho HTX và chờ ngày mang lúa về; HTX nông nghiệp công nghệ cao Anh Tuấn với sản phẩm chủ lực là cây có múi, cây Bưởi với quy trình chăm sóc đặc biệt lựa chọn thời điểm ra hoa, cho trái, thời điểm bón phân, tưới nước đảm bảo đúng kỹ thuật để cho trái có chất lượng cao nhất. Trái bưởi của HTX những năm gần đây luôn được thị trường ưa thích và có giá bán cao hơn bưởi cùng loại từ 10 đến 20 ngàn đồng...
Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của các HTX, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trong giai đoạn năm 2016-2020, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Xác định vai trò quan trọng của các HTX nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển. Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ của Liên minh HTX, tự thân mỗi HTX nông nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc đổi mới phương thức hoạt động, chủ động kết nối, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững./.
Theo ĐP/daihoi13.dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;