Bỏ phố về vườn
Dạo quanh khu vườn rau sạch trồng trong nhà lưới rộng hàng nghìn mét vuông, ông Lộc kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với vườn rau sạch. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở xã Ninh Thân, nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Lộc đã rất chăm chỉ học tập. Năm 1999, ông tốt nghiệp chuyên ngành Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) rồi được giữ lại làm giảng viên. Sau 2 năm giảng dạy, ông may mắn được nhận học bổng toàn phần của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được cử sang Trung Quốc học thạc sĩ Ngôn ngữ học. Qua 3 năm học tập, ông trở về giảng dạy tại trường thêm 2 năm và tiếp tục sang Canada học lên tiến sĩ. Tại đây, ông lân la làm quen với một số người bản địa trồng rau sạch, mỗi tháng cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. “Họ chỉ có hơn 1ha đất vườn, nhưng áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng rau theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh. Nó khác xa so với những gì tôi vẫn nghĩ về cây rau. Ngoài trình độ sản xuất cao hơn mình rất nhiều, tôi còn bị mê hoặc bởi yếu tố chất lượng, môi trường và ý nghĩa của việc trồng rau sạch. Điều này đã hun đúc ước muốn trồng rau trên chính mảnh đất quê hương mình. Cho nên, tôi đã bỏ luôn việc học tiến sĩ để học cách trồng rau sạch”, ông Lộc kể.
Đầu tư nhà lưới là một bước tiến dài trong hoạt động trồng rau sạch của Hiệp Nông Phát |
Trở về Việt Nam, ông quyết tâm mở công ty trồng và cung cấp rau sạch. Tuy nhiên, lúc này không có vốn, nên ông Lộc làm đủ thứ nghề, từ việc thỉnh giảng tại các trường đại học, làm hướng dẫn viên du lịch đến quản lý kinh doanh sữa... Từ những công việc ấy, mỗi tháng ông kiếm được hơn 100 triệu đồng. Đến năm 2007, khi trong tay đã có một khoản tiền kha khá, ông tìm về huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) mua và thuê đất vườn để trồng rau. Đến năm 2009, ông thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hiệp Nông, chuyên cung cấp rau và thực phẩm sạch cho các nhà hàng, siêu thị, trường học, bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau sạch.
Trong một lần về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, đi đến nhiều vùng quê, ông thấy quê mình có các điều kiện về thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển rau sạch. Vì thế, năm 2011, ông quyết định bán cổ phần của mình ở Công ty Hiệp Nông tại TP. Hồ Chí Minh, trở về xã Ninh Thân mua đất trồng rau sạch. Đến năm 2012, ông thành lập Công ty TNHH Hiệp Nông Phát, rồi được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 3 cấp giấy chứng nhận VietGap. Đầu ra sản phẩm của ông chủ yếu cung cấp cho hơn 60 trường học bán trú, bệnh viện, bếp ăn tập thể trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh.
Vườn rau kiểu… thạc sĩ
Bên hiên ngôi nhà cổ hơn trăm tuổi tại thôn Chấp Lễ, xã Ninh Thân, bao quanh là khu vườn rau xanh ngút ngàn. Những luống rau ngay hàng thẳng lối, nhựa sống căng tràn để tạo nên một thảm xanh mát mắt. Nơi đó còn được điểm tô bởi màu tím của những luống cà tím sai trĩu quả, màu vàng của hoa cải … “Không gian là thứ hết sức quan trọng, tạo cho con người ta tinh thần lao động tốt hơn. Vì thế, bên cạnh yếu tố sạch cả về môi trường lẫn cảnh quan, chúng tôi còn cố gắng xây dựng từng vườn rau trở thành một không gian đẹp để tận hưởng”, ông Lộc chia sẻ.
Qua câu chuyện với ông, chúng tôi được biết hiện nay Công ty Hiệp Nông Phát đang sở hữu 5 vườn rau tại xã Ninh Thân, mỗi vườn rộng từ 3.000 đến 5.000m2. Tổng cộng khoảng 2ha trồng chủ yếu là các loại rau như: mồng tơi, cải ngọt, cải đắng, rau dền, diếp cá, bồ ngót… Đặc biệt, một diện tích đáng kể trong những khu vườn nơi đây được ưu tiên để trồng rau bồ công anh. Theo ông Lộc, loại rau này có hàm lượng vitamin và các vi lượng cao, trong đông y dùng làm thuốc chữa bệnh, các bà nội trợ sành ăn rất thích vì tính thanh mát, dễ dùng. Đặc biệt, khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi và kháng bệnh của loại rau này rất tốt, người trồng rau hầu như không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khi trồng.
Đây cũng là hướng đi mà ông Lộc đang đeo đuổi, bởi ngoài bồ công anh, ông đang ghép dần những loại rau hoang dã như: cải trời, rau sam, rau má… vào vườn rau của mình với mục tiêu trong một tương lai gần không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khi trồng rau. Nhắc đến điều này, ông Lộc khẳng định: “Tiêu chuẩn VietGAP mà sản phẩm rau sạch của Công ty Hiệp Nông Phát đạt được gần như chỉ mang tính thủ tục. Quan trọng nhất phải là cái tâm của người trồng rau. Với những loại cây ăn lá, yếu tố môi trường, sinh vật gây hại là điều khó tránh khỏi, nên người trồng rau phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được pháp luật cho phép. Trên mỗi chai thuốc đều ghi rõ thời gian được phép thu hoạch tính từ khi sử dụng thuốc, thường là 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, chúng tôi luôn để thời gian gấp đôi, gấp 3 so với khuyến cáo nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sản phẩm trước khi xuất bán”.
Rau được chọn lựa kỹ càng, bao gói cẩn thận trước khi xuất bán |
Chúng tôi cũng có dịp đến vườn nhà lưới được ông đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng cách đó không xa. Trong nhà lưới rộng chừng 2.000m2, người nông dân này đã bê tông hóa gần như toàn bộ khu vực, khéo léo chừa lại những luống rau ngay ngắn, tươi xanh. Theo ông Trầm Lợi Quyền, kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật trồng rau của Công ty Hiệp Nông Phát: “Nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới, hoạt động trồng rau thuận lợi hơn rất nhiều do không còn quá phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nơi đây cũng đã đầu tư hệ thống tưới phun để điều tiết nhiệt độ, tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước. Hoạt động trồng rau tuân theo một quy trình khép kín nên cũng khá đơn giản. Tùy từng loại rau, ví dụ như mồng tơi sau 27 ngày có thể thu hoạch, loại rau lâu nhất cũng chỉ mất 45 ngày. Khi nắm vững lịch thời vụ sẽ giúp cho hoạt động cung ứng rau ra thị trường luôn được duy trì ổn định”.
Gần với khu nhà lưới, ông Lộc đã đầu tư một hệ thống sau thu hoạch rất bài bản. Mỗi ngày, lúc cuối giờ chiều là thời điểm thu hoạch rau. Gần 1 tấn rau được tập trung về khu vực chế biến để phân loại, rửa sạch và bao gói cẩn thận. Trên bao gói có đầy đủ các thông tin cần thiết cho người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, đối với số lượng rau cung cấp cho các nhà trường, sau khi được phân loại, rửa sạch, rau sẽ được sục ô-zôn để khử trùng, diệt khuẩn nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh. Bên cạnh sản phẩm tự trồng trọt, ông Lộc còn đặt hàng đối với một số hộ trồng rau ở Ninh Đông mà ông tin tưởng. Mỗi ngày, ông cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau với giá bình quân 40.000 đồng/kg. Riêng với các bếp ăn tập thể ở hệ thống trường học, Công ty Hiệp Nông Phát đang trợ giá nên chỉ bán với mức trung bình 30.000 đồng/kg.
Triển vọng từ rau sạch
Theo bà Trần Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, mô hình trồng rau của Công ty Hiệp Nông Phát bước đầu đã khẳng định tính hiệu quả. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhất là những thị trường yêu cầu cao như các bếp ăn tập thể. Vì thế, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa tiến hành tìm hiểu, khảo sát, đánh giá thực tế. Trên cơ sở đó sẽ có các bước hỗ trợ nhân rộng mô hình này. |
Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong những năm tới, ông Lộc cho biết: “Mong muốn của tôi là sẽ “phủ sóng” rau sạch đến mọi nhà, để ai ai cũng được sử dụng những thực phẩm sạch. Để làm được điều ấy, hiện tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau. Dự kiến từ năm 2017 trở đi, mỗi năm tôi quyết tâm phát triển thêm ít nhất 1ha rau sạch; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ đến tất cả các trường học bán trú, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn trong toàn tỉnh”. Ngoài ra, hiện nay, ông Lộc đang xin phép các đơn vị chức năng của thị xã Ninh Hòa để mở một số ki-ốt trên tuyến đường của thị xã. Qua đó, cung cấp rau sạch cho người dân, đồng thời góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng và trồng rau sạch.
Cũng theo ông Lộc, xã Ninh Thân có con sông Tân Lâm chảy qua, lại được hưởng nguồn nước từ hồ Đá Bàn, đất đai khá màu mỡ nên rất thuận lợi cho việc trồng rau. Tuy nhiên, từ trước tới nay, hoạt động trồng rau trong xã nói riêng và toàn thị xã Ninh Hòa nói chung vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều gia đình trồng rau chưa tuân thủ tốt các điều kiện đảm bảo an toàn, rau sạch. Vì thế, ông mong muốn quê hương mình sẽ có thêm nhiều người cùng chí hướng, cùng liên kết, hợp tác lại với nhau để trồng rau sạch.
Theo ông Nguyễn Tấn Duy - Chủ tịch UBND xã Ninh Thân, mô hình trồng rau sạch của ông Lộc khá hay và hiệu quả. Toàn bộ các loại rau được ông Lộc sản xuất theo quy trình khép kín, đạt chuẩn an toàn. Hiện nay, địa phương đang phối hợp với Hội Nông dân thị xã, Hội Nông dân tỉnh và công ty của ông Lộc để tìm hiểu, khảo sát, tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất rau sạch Ninh Thân. Bởi hiện nay, toàn xã có hơn 10ha đất trồng rau màu và có trên 70% hộ làm nông nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển cây rau sạch.
CÔNG ĐỊNH - VĂN GIANG
Nguồn: baokanhhoa.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;