Ông Nghĩa chăm sóc vườn bưởi
Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh, Bình Phước hiện có trên 200ha bưởi các loại, trong đó chủ yếu là bưởi da xanh, ruột đỏ. Năm 2017, thời tiết tuy khắc nghiệt, sâu bệnh phá hại mùa màng song dưới bàn tay cần mẫn của người nông dân, những vườn bưởi vẫn vươn mình xanh tốt. Những trái bưởi nặng oằn, căng mọng trên cây, báo hiệu một cái tết đầm ấm cho chủ vườn.
Giá bưởi da xanh vào cuối quý 3, đầu quý 4/2017 giảm xuống chỉ 30 ngàn đồng/kg, nhưng nhà nông ở đây không nao núng. Trên khắp các khu vườn ở huyện Phú Riềng, thị xã Bình Long, Đồng Xoài… người dân vẫn cắt lá, tỉa cành, bọc trái cho tết.
Chúng tôi có mặt tại vườn bưởi của ông Hoàng Phước Nghĩa ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú. Ông Nghĩa đang chăm sóc vườn bưởi của gia đình mình để chuẩn bị cho thị trường cuối năm.
Đưa tay hái những lá sâu, dằn lại những chiếc túi bọc từng quả bưởi, ông Nghĩa bảo: “Dùng túi xốp mặc áo cho bưởi sẽ giúp trái có màu xanh rất đẹp, côn trùng không bậu vào, bọ xít không hút. Khi phun, tưới thì thuốc và phân bón không thâm nhập vào trái bưởi”.
Nhiều vườn bưởi cho thu cả chục tấn trái
Đây là một trong những bí kíp để ông Nghĩa sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ cho nhu cầu của người dân ở Tân Phước và thị xã Đồng Xoài vào dịp tết.
Khu vườn của gia đình ông Nghĩa thuộc vùng đất cằn cỗi. Nhưng dưới bàn tay chịu thương chịu khó của người nông dân, những thớ đất cằn vẫn cho những trái ngọt, mang thu nhập về cho gia đình ông Nghĩa.
200 cây bưởi da xanh của ông Nghĩa vươn mình trong nắng, đón những giọt nước mát lành từ tay người chủ vườn. Năm nay, ông Nghĩa không trồng bưởi ngày thường mà làm bưởi muộn. Những trái bưởi lúc này đã chuẩn bị “vào mẩy”, sẵn sàng "lên kệ". Ông Nghĩa cho biết, bưởi của mình đang sang năm thứ 5. Dự tính ông sẽ có 1,5 tấn bưởi phục vụ dịp cuối năm này.
Nhà vườn Tống Công Hòa ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú cũng đang tất bật cho mùa bưởi chín. Ông Hòa có tổng số 500 cây bưởi da xanh hơn 3 năm tuổi. Theo kinh nghiệm của ông Hòa, trồng bưởi tết phải tính chính xác thời điểm cho ra bông, đậu trái. Nếu tính sai sẽ làm “lệch” việc thu hoạch. Bưởi chín quá hay non quá đều không ngon. Những ai muốn “mần” bưởi tết phải bắt đầu từ tháng 5 âm lịch “vì bưởi chín phải mất 7 đến 8 tháng. Nếu làm trễ quá, độ ngọt của bưởi không đạt yêu cầu”, ông Hòa giải thích.
Khác với những nhà vườn khác, chị Phạm Thị Hạnh ở phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài lại đang thung dung đợi Tết. Vườn bưởi của chị Hạnh đã sang tuổi thứ 8. Đây là thời điểm bưởi sai và ngọt nhất. Nhìn những chùm bưởi da xanh nặng trĩu trên cành, chị Hạnh cho biết mỗi năm vườn bưởi thu hoạch hơn 7 tấn trái. Dịp tết này, vợ chồng chị chuẩn bị đưa ra thị trường khoảng trên 3 tấn trái. “Hy vọng dịp cuối năm giá bưởi sẽ nhích lên, người trồng chúng tôi sẽ đón một cái tết thật ấm áp”, chị Hạnh chia sẻ.
Theo những nông dân trồng bưởi, không hẳn bất cứ nhà vườn nào cũng thành công khi trồng bưởi tết. Ngoài việc canh thời gian “làm trái”, vườn bưởi còn phụ thuộc vào thời tiết, sâu bệnh. Muốn bưởi ngon, đẹp, khâu xử lý kỹ thuật rất quan trọng.
“Kỹ thuật ở đây là việc ra bông, đậu trái, tỉa cành, trừ sâu bệnh, bón phân cho trái chín mẩy, ngọt đúng dịp”, ông Nguyễn Thanh Phong chủ một vườn bưởi ở xã Long Bình, huyện Phú Riềng giải thích. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn bưởi của ông Phong cũng “nặng cành”.
Theo Kim Tiền/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã