Học tập đạo đức HCM

Hà Nội sau 10 năm mở rộng: Đếm không hết những vùng quê trù phú…

Thứ năm - 26/07/2018 22:42
10 năm qua (2008-2018), với sự quan tâm kịp thời, đầu tư thích đáng, bộ mặt nhiều vùng nông thôn của thủ đô Hà Nội đã “thay da đổi thịt” một cách rõ rệt. Nhiều vùng quê sầm uất, trù phú mọc lên, đặc biệt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, yên tâm sản xuất và sinh sống.

Tháng 5.2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ 1.8.2008. Theo nghị quyết, thủ đô Hà Nội sẽ rộng gấp 3,6 lần diện tích khi đó, bao gồm: TP.Hà Nội trước hợp nhất, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Đến nay, sau 10 năm hợp nhất, thủ đô Hà Nội đã ổn định, diện tích được xác định là 3.358,92km2, dân số 7,7 triệu người (gấp 1,24 lần năm 2008), có 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 584 xã, phường, thị trấn.

Bộ mặt nông thôn sang trang mới

 ha noi sau 10 nam mo rong: dem khong het nhung vung que tru phu… hinh anh 1

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham quan mô hình trồng bưởi cho thu nhập cao ở huyện Quốc Oai (Hà Nội).  Ảnh: Thành An

Theo nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội, mặc dù có những thành tựu đáng kể, nhưng sau 10 năm mở rộng Thủ đô, cũng còn những hạn chế riêng. Hạn chế lớn nhất là ruộng đồng ở nông thôn còn nhỏ, nên việc chuyển đổi mạnh, bứt phá chưa được đạt yêu cầu; nguồn vốn đầu tư, nhất là vay vốn ưu đãi từ ngân hàng còn hạn chế. Dù có chủ trương nhưng khi người dân đi vay vốn vẫn còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn cũng đang là thách thức với nhiều địa phương, cản trở quá trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang đất đô thị tại các huyện ven đô khá thấp, tiền đền bù một sào đất nông nghiệp quá nhỏ so với đất làm xây dựng nhà ở, đô thị…

Nhớ lại thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây cũ), ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông tin Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, cán bộ, công chức huyện vừa mừng vừa lo. “Chúng tôi lo vì không biết cơ chế chính sách tới đây sẽ thay đổi như thế nào, đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến xã có đáp ứng được nhiệm vụ mới hay không” - ông Mỹ nói.

Theo ông Mỹ, trước khi hợp nhất, cơ sở hạ tầng ở hầu hết các huyện của Hà Tây hết sức khó khăn. Hệ thống giao thông thời điểm đó chủ yếu là giao thông cấp phối hoặc đường đất; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp bị xuống cấp, nhiều trạm bơm được xây dựng từ những năm 1960 đã cũ nát, không đảm bảo công suất nên không kịp thời đáp ứng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất, hệ thống cơ sở hạ tầng từ giao thông nông thôn đến trụ sở UBND xã đã được xây dựng mới để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Trao đổi với PV NTNN, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho hay, 10 năm sau khi hợp nhất, huyện Thường Tín đã có sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Theo ông Huy, từ năm 2008 trở về trước, chưa một xã nào ở huyện nay đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng sau 10 năm hợp nhất, huyện Thường Tín đã có 19/28 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đang phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn trong năm 2018.

Đánh giá điểm nổi bật nhất trong 10 năm qua của Hà Nội, ông Khuất Văn Thành - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận định: “Hạ tầng kỹ thuật của thành phố được đầu tư rất mạnh, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. 10 năm trước, có những xã tôi phải đi 2 tiếng mới đến nơi. Tuy nhiên, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế phát triển mạnh, giao thông nông thôn giờ đã khác hẳn, đi lại thuận lợi hơn rất nhiều”.

Theo thống kê, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 294/386 xã về đích, chiếm 76,2%. Trong giai đoạn 2008 - 2018, diện mạo nông thôn khắp nơi có sự khởi sắc rõ rệt, tỉ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa đạt 95%; tỉ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt hơn 80%; 100% trạm y tế có bác sĩ, đã cơ bản đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Môi trường khu vực nông thôn cũng được quan tâm đầu tư; tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt 90%. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, dân chủ được mở rộng. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân tính đến 30.6.2018 đạt hơn 43 triệu đồng/người, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2008.

Đời sống nông dân đổi thay từng ngày

Theo ghi nhận của PV NTNN, tại các vùng nông thôn được hợp nhất về Hà Nội cho thấy có sự chuyển mình rõ rệt, nhà cửa được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, đáng chú ý việc áp dụng máy móc công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động mà còn đem đến “luồng gió” tích cực cho nông dân Thủ đô.

 ha noi sau 10 nam mo rong: dem khong het nhung vung que tru phu… hinh anh 2

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, 95% đường trục thôn, liên thôn đã được bê tông hoá sạch đẹp. Ảnh: Thành An

Có thể kể tới mô hình sản xuất hoa hồng thế được triển khai tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh) từ năm 2016, đến nay đã có 60 hộ tham gia sản xuất hoa hồng thế với quy mô trên 12ha và đang được nhân rộng tại các xã Liên Mạc, Thanh Lâm, Tiền Phong; mô hình tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hoa, cây cảnh trang trí. Còn tại xã Kim Hoa, nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi, phật thủ, đào, quất… mà nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí việc thu nhập vài trăm triệu đồng từ mỗi vụ thu hoạch đã không còn là chuyện hiếm...

Tự hào với mô hình trồng hoa hồng thế, anh Tạ Đức Tài - chủ nhà vườn Tài Lý cho chia sẻ: “Từ hộ dân trồng hoa cắt cành với diện tích nhỏ, được định hướng, hỗ trợ về giống và vốn, gia đình tôi đã đổi ruộng, mở rộng diện tích canh tác thành hơn 6.000m2 để trồng hồng ngoại. Các giống hồng ngoại được nhập về từ nhiều nước, sau đó được nhân giống, ghép cành rồi bán buôn cho các nhà vườn. Cứ 5 tháng thu hoạch một lứa cây, mỗi năm, vườn hồng đem lại cho gia đình thu nhập 300-400 triệu đồng, so với lợi nhuận hoa cắt cành tăng 50-60%. Ngoài ra, mô hình này cũng tạo công ăn, việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng”.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Thế Khiết – nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội cho biết, sau 10 năm Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, cuộc sống của người nông dân được cải thiện đáng kể. Mức thu nhập của người dân tăng lên gấp 3 lần trước khi sáp nhập.

 “Điều đáng mừng nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư, tăng cường. Tỉ lệ hộ nghèo giảm, khi chưa sáp nhập là 7,8% còn thời điểm hiện nay còn dưới 3%. Người dân đã biết ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp như sử dụng máy cày, cấy…” - ông Khiết bày tỏ.

 Theo Thanh An/Baodanviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập102
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại277,269
  • Tổng lượt truy cập92,654,933
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây