Từng làm cửu vạn cho lâm tặc
Căn biệt thự đồ sộ trị giá vài tỷ đồng của gia đình anh Minh được liệt vào diện đẹp nhất xã Phú Long. Toàn bộ trần, sàn nhà và chân tường được ốp gỗ quý với những hoạ tiết tinh tế do bàn tay tài hoa của những thợ mộc người Lào tạo nên.
Nhiều người ấn tượng mạnh bởi sự xa hoa của ngôi nhà mà đặt ra nghi vấn: Ở nơi heo hút rừng nối tiếp rừng thế này thì làm nghề gì mà lắm tiền thế, chắc chỉ có đi buôn lậu mới giàu nhanh đến vậy. Nếu không thì gia đình lão phải có “ông sếp” nào to lắm, chắc lại nhờ người nhà đứng tên rửa tiền đây mà.
Dư luận ít nhiều có cơ sở để suy luận như vậy. Bởi, nhìn ngoại hình của anh Minh và người vợ Đinh Thị Lý (48 tuổi) thì đích thị là người lao động chân tay. Có ông hàng xóm bảo: Giàu có nhưng ông Minh ăn mặc tuềnh toàng như lão nông chi điền, hiếm hoi lắm mới thấy diện com-lê, cà-vạt”. Phải chăng, cái phong cách dân dã ấy đã ăn sâu vào máu của anh Minh từ thời trai trẻ, khi phải lăn lộn với đủ thứ nghề “hạ cám” để mưu sinh?
Năm 1987, anh Minh kết hôn với chị Lý. Căn nhà ngói bé xíu của gia đình không đủ sức chứa hết mấy thế hệ ở. Họ quyết định ra ở riêng nhưng chẳng có “mái nhà tranh” nào che mưa nắng cho đôi vợ chồng trẻ. Anh dẫn vợ đến bấu víu nhờ nhà người bác ruột. Với hơn 2 sào ruộng bạc màu, cấy lúa nhưng thiếu nước nên khi thu hoạch 10 hạt thóc thì 5 hạt lép. Đói hết mùa này qua mùa khác, phải ăn khoai, sắn thay cơm.
Không có nghề ngỗng gì, ai thuê đi chặt mía, xách hồ, đổ bê tông, thậm chí vác gỗ cho bọn lâm tặc phá rừng anh đều gật đầu hết. “Chúng nó (lâm tặc) cho mình 30.000 đ/ngày công, hồi đó khó sống quá! Nhìn vợ ẵm con nhỏ đói lay lắt mình thương. Thôi thì liều chết lên rừng vác gỗ thuê kiếm gạo vậy”, anh Minh tâm sự.
Ngồi cạnh tôi, cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Phú Long (Hạt Kiểm lâm huyện Nho Quan) Ngô Minh Tân, nhớ lại: “Cái tên Tống Xuân Minh một thời đã từng bị ghi vào “sổ đen” những người vận chuyển gỗ trái phép rồi đấy”.
Đến năm 1991, vợ chồng anh Minh mới cất được căn nhà ngói nhỏ. Nuôi gà, nuôi lợn không có kinh nghiệm nên chết dịch mất hết vốn liếng. Vay mượn gia đình mua được 3 con bò nhưng công chăn thả nhiều mà lãi lờ thì ít. Sau đó, anh bán bò chuyển sang nuôi chồn nhung đen, và tiếp tục thất bại, càng ngày càng xa vào vũng lầy nợ nần. Cuộc sống trở nên bế tắc, nhiều hôm vét hết trong nhà không được 2.000 đồng mua gói bột canh.
Phất lên như diều
Năm 2000, một người bạn đồng ngũ của anh Minh đến thăm. Thấy gia cảnh khó khăn liền bày cách nuôi hươu lấy nhung, bởi hiệu quả kinh tế mà nó đem lại ngoài sức tưởng tượng của một người nông dân.
Không có tiền, ngân hàng từ chối cho vay, chị Lý nhờ mẹ đẻ thế chấp sổ đỏ vay nặng lãi 25 triệu đồng với lãi suất 8 “phẩy” (8%/năm) của cô giáo Thoa - người cùng làng, sau đó hùn vốn với 2 người anh em trong gia đình mua 2 cặp hươu giống ở xã Cúc Phương (giá 25 triệu đồng/cặp).
Là loài động vật hoang dã mới được thuần hoá, hươu có sức đề kháng cực tốt. Chị Lý cho biết: "Giống hươu này gần như chẳng bao giờ có bệnh. Họa chăng nó bị chướng bụng hoặc tiêu chảy do ăn phải lá nhiễm thuốc sâu hoặc đồ thiu thối. Lúc ấy, chỉ cần tăng cường cho ăn các loại lá có vị chát là khỏi.
“Vào mùa sinh sản từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, hươu đực rất dữ tợn. Những con đực sinh cùng lứa thường xuyên đánh nhau để tranh giành bạn tình. Vì thế, cần cách ly riêng từng con để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra”, anh Minh nói. |
Chuồng trại nuôi hươu cũng chẳng phải đầu tư to tát. Nếu có điều kiện thì xây tường bao, không thì chặt tre, chặt gỗ đóng hàng rào cao 2,5 mét; bên trong dựng cột rồi lợp mái fibrô xi măng hoặc mái ngói, mái rạ, diện tích còn lại để trống làm sân chơi của hươu”.
Trung bình mỗi ngày, một con hươu tiêu thụ từ 4 - 9 kg cỏ, lá cây và nước lã; không phải chi phí cho bất cứ loại cám công nghiệp nào. Điều thuận lợi là rừng ở Phú Long bạt ngàn. Vợ chồng anh Minh chỉ việc bỏ công ra thu hái.
Hai năm sau, hai cặp hươu đẻ thêm được 2 con, anh Minh giữ lại nuôi hết. Cứ thế, hết năm này qua năm khác, đàn hươu của anh vừa phát triển theo cấp số nhân, vừa thu về hàng trăm triệu đồng từ bán nhung hươu. Khi đã ổn định số lượng đàn (khoảng 50 hươu đực và 40 hươu cái), anh Minh vừa bán nhung, vừa bán giống.
Anh Minh cho biết: "Mỗi cặp hươu giống từ 4 - 5 tháng tuổi đạt trọng lượng 10 kg giá khoảng 15 triệu đồng. Còn 1 cặp hươu bố mẹ trưởng thành giá từ 25 - 27 triệu. Nhiều người từ mãi tận Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hà Tĩnh… lặn lội đến tận nhà tôi học hỏi kinh nghiệm và mua giống.
Thương lái gõ cửa tận nhà cắt nhung hươu. Mà giá của mỗi lạng nhung đâu có rẻ, thời điểm thấp nhất là 1,8 triệu, cao nhất là 2,7 triệu đồng. Trung bình, một con hươu cho thu hoạch 4 lạng nhung hươu/năm, thu về 400 - 500 triệu. Doanh thu từ bán hươu giống khoảng 250 - 300 triệu đồng".
Với mức lãi siêu khủng ấy, chỉ sau 7 năm nuôi hươu, năm 2007, anh Minh Đã xây được căn biệt thự đồ sộ hàng tỷ đồng. Mua một lô đất rộng sát tỉnh lộ lập trang trại. Đấy chỉ là của nổi, còn “của chìm” thì chẳng ai biết được.
14 năm xây dựng và phát triển, uy tín của trang trại Minh Lý đã nổi tiếng khắp các tỉnh thành. Có những bạn hàng đã gắn bó với anh hơn 10 năm. “Nghe đài, báo nói rằng nhiều người nuôi hươu đang điêu đứng, nhưng với mối quan hệ bền vững và đầy trách nhiệm với các thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu nhung hươu, tôi tin trang trại của mình sẽ đứng vững trong mọi biến động của thời thế”, anh Minh chia sẻ.
Trở thành tỷ phú, nhưng anh Minh không thuê lao động ngoài cắt cỏ cho mình. Ngày ngày vợ chồng anh và 2 người con vẫn chăm chỉ lái chiếc xe lôi xin lá keo chủ rừng phát tỉa; cắt cỏ sữa, cỏ rừng nuôi hươu. Anh bảo: “Mình còn có sức thì đừng vội nghỉ, sống an nhàn sẽ ỳ người ra, có khi còn dễ sinh bệnh sinh tật ấy chứ”.
Minh Phúc
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;