Học tập đạo đức HCM

Tiêu mọc trên… đá

Thứ sáu - 25/04/2014 03:19
Nghiệp làm báo giúp tôi ngược xuôi từ Bảo Lộc về Đà Lạt (Lâm Đồng) không biết bao lần mà kể. Cứ mỗi lần đến km178, qua cầu Đạ Le (Tam Bố), tôi chỉ nghe thấy tiếng máy xập xình từ Mỏ Đá xen lẫn khói bụi. Một lần ngẫu nhiên phóng tầm mắt trông lên, tôi thấy trên đỉnh đồi le lói những cọc tiêu. Ngạc nhiên, tôi cùng “con ngựa sắt” lên thẳng mỏ, một rừng tiêu xanh mượt đang vào mùa thu hoạch hiện ra trước mắt. Không biết tiêu đã mọc trên đá tự bao giờ!

Giàu nhờ tiêu

Ghé căn nhà cấp 4 nằm lọt giữa vườn tiêu, anh Trần Huệ tiếp tôi thân mật như một người thân lâu ngày mới gặp. Huệ trải lòng: “Tôi đến đây lập nghiệp từ năm 1993. Từ con số không, hiện tôi sở hữu 3ha tiêu, trong đó có 1ha trên 10 năm tuổi đã cho thu hoạch, 1,5ha mới cho thu hoạch vụ đầu tiên. Toàn bộ diện tích tiêu đều trồng xen với càphê. Vụ này, tôi thu được 4 tấn tiêu khô và 10 tấn càphê nhân. Với giá tiêu 140.000 đồng/kg (có lúc lên tới 170.000 - 190.000 đồng/kg), càphê gần 40.000 đồng/kg, gia đình tôi thu trên 600 triệu đồng/năm”. 

Huệ cho biết thêm, vùng đất này trồng tiêu khá hiệu quả, nhưng chi phí cao, vì đất đá khó canh tác. Mỗi năm, anh bón tới 10 tấn phân chuồng và 2 tấn phân NPK/ha (cho cả tiêu và càphê). Điều quan trọng là phải có nước tưới, vào mùa khô, cứ 10 ngày tưới 1 lần thì cây tiêu mới “trụ” được. 

Cũng đến đây lập nghiệp từ năm 1993 nhưng không chịu nổi vùng đất cằn sỏi đá này, anh Trần Văn Phát về TP.Hồ Chí Minh làm ăn. Tích cực “bon chen” nhưng cũng không thể khá lên, năm 1998, anh quay trở lại khi vùng đất này bắt đầu có “sức sống”. Trong túi chỉ có 13 triệu đồng, vợ chồng anh quyết chí gây dựng sự nghiệp. Hiện, anh có trong tay 4ha cây trồng; trong đó có 1,5ha tiêu, còn lại là càphê. “Vùng đất này phù hợp với cây tiêu. Hơn nữa, tôi trồng giống tiêu Vĩnh Linh nên năng suất đạt tới 5 tấn tiêu khô/ha. Cũng nhờ cây tiêu mà trong 3 năm qua, thu nhập của gia đình đạt trên 1 tỷ đồng/năm”, anh Phát vui mừng chia sẻ.

Ở xóm tiêu hiện có hơn 20 hộ nông dân, nhà nào cũng trồng tiêu. Hộ ít cũng có 2ha, hộ nhiều lên đến 4-6ha. 

Xóm Quảng 

Cách đây hơn 20 năm, 20 hộ dân ở các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi đến Mỏ Đá lập nghiệp. Họ đến đây làm ăn như một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên không hẹn trước, rồi dần dần hình thành nên xóm “Quảng” (xóm tận cùng của thôn Hiệp Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). 

Tiêu không phải là cây trồng mới, vì ở Lâm Đồng, nông dân nhiều nơi đã trồng nhưng thời gian “trụ” được không lâu. Nhưng ở xóm Quảng, hơn 10 năm nay, tiêu phát triển khá tốt, chất lượng hạt tiêu khó có nơi nào sánh được. 

Ở xóm Quảng, gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu thuộc diện nghèo nhưng thu nhập cũng đạt 300 triệu đồng/năm. Vụ này, anh thu hoạch được 2,3 tấn tiêu khô. 

Anh Huệ, một trong những người đầu tiên trồng giống tiêu sẻ, phân trần: “Tôi trồng 1ha tiêu sẻ đã hơn 10 năm tuổi, tuy năng suất khá cao nhưng vẫn thua kém giống tiêu Vĩnh Linh. Phải đợi thêm vài năm nữa, khi hết chu kỳ kinh doanh (10-15 năm), tôi sẽ chuyển sang trồng giống tiêu Vĩnh Linh”. 

Mặc dù cuộc sống đang ngày một khấm khá nhờ trồng tiêu nhưng người dân xóm Quảng cũng có nhiều nỗi suy tư, trăn trở. Bởi từ trước đến nay, không chỉ trong công việc làm ăn mà ngay cả trong cuộc sống và sinh hoạt như làm đường, kéo điện…, bà con cũng phải tự lo, tự làm. “Mặc dù là người dân của xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng) nhưng chúng tôi chẳng khác nào những đứa con rơi vì nhiều thứ phải nhờ xã Tam Bố (Di Linh). Vì chưa có sự quan tâm của xã nên chúng tôi phải tự thuê người kéo điện từ xã Tam Bố sang. Hiện tại, xóm Quảng tuy có điện, có đường nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất”, anh Hiếu tâm sự. 

Tôi đem câu chuyện ở xóm Quảng kể lại cho một số cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Trọng, UBND xã Ninh Gia, không ai biết mô hình làm ăn hiệu quả từ cây tiêu đang phát triển mạnh ở đây cũng như nỗi niềm mong mỏi của bà con. Một cán bộ xã Ninh Gia còn nói vui, nhưng cũng rất thực tế: “Xóm Quảng là xóm tự phát mà…!”. 

Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con xóm Quảng, giúp họ tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển mô hình để từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.

Bùi Trưởng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập633
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại775,776
  • Tổng lượt truy cập93,153,440
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây