Vụ vừa qua, trên bờ ruộng của 50 ha, các hộ trồng nhiều loài hoa: sao nhái, hướng dương, cúc mặt trời để thu hút các loài thiên địch nên khống chế được côn trùng hại lúa, giữ cân bằng sinh thái, giúp lúa tốt tươi. Lúa ít sử dụng thuốc trừ sâu mà năng suất cao.
Thực ra, “ruộng lúa bờ hoa” đã được thực hiện ở ĐBSCL từ nhiều năm. Tháng 6/2009, ruộng lúa ở xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) trồng hoa trên bờ, thiên địch phát triển đa dạng, sâu rầy ít đi, người nông dân có thêm lợi nhuận. Đầu năm 2010, “ruộng lúa bờ hoa” về xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, An Giang) và tháng 3/2011, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ phát động thực hiện trên toàn tỉnh. An Giang nay đã có hàng ngàn hộ dân trồng hoa trên bờ ruộng. Các địa phương ở ĐBSCL hầu hết đã thực hiện “ruộng lúa bờ hoa”.
Nhiều nhà khoa học nhận định, “ruộng lúa bờ hoa” là công nghệ sinh thái đột phá để kiến thiết lại đồng ruộng ở cấp cộng đồng. Theo xu hướng áp dụng các kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, tăng phẩm chất nông sản.
Trồng hoa trên bờ ruộng, đi lại sản xuất có khó khăn nhưng hiệu quả kinh tế, môi trường và cả bảo vệ sức khỏe cho nông dân lớn hơn hẳn.