Bắt đầu phát triển kinh tế gia đình với 1,5 ha đất ruộng gia đình cho, anh Thanh canh tác lúa. Tuy nhiên, do lúa mang lại lợi nhuận không cao, năm 2015, anh quyết định chuyển 1 ha đất lúa lên vườn trồng quýt đường. Đây là một quyết định rất táo bạo bởi vì ở thời điểm đó, cả xã Trường Xuân chưa có ai trồng quýt đường. “Cây quýt đường khó trồng hơn nhiều loại cây có múi khác, mình kỳ vọng giá bán sẽ ổn hơn, còn những cây dễ trồng thường gặp khó ở đầu ra do ai cũng trồng được!” - anh Thanh nói về quyết định của mình.
Anh Thanh cho biết, quýt đường là loại khó trồng nhất trong họ cây có múi, vì cây con rất sợ nắng, thời điểm xử lý đọt phải đồng đều, đến thời điểm cho trái dễ bị vàng lá, thối rễ, trái rụng rất nhiều, có khi trên 50%. Nếu bón phân hóa học nhiều cây mau chết, có khi chỉ cho trái một năm là cây chết khô, khó nhất là sử dụng phân bón và nước tưới. Anh Thanh chia sẻ: “Cây quýt đường muốn ăn được bền thì sử dụng phân hữu cơ là chính, phân hóa học càng hạn chế càng tốt. Tưới nước phải chia theo từng giai đoạn phát triển của cây. Nếu cây đang thúc đọt thì tưới 3 đến 4 ngày liên tiếp. Khi bón phân thì tưới sương sương 3 ngày một lần, tưới đúng một tuần như vậy thì nghỉ tưới trong vòng 10 ngày rồi mới tưới đẫm lại một lần nữa. Từ đó, 6 đến 7 ngày tưới 1 lần, đó là thời gian làm đọt. Vào mùa mưa khi gặp mưa lớn liên tục phải đợi nắng khoảng 10 ngày nếu bờ không cỏ mới tưới nước. Còn nếu bờ có cỏ đợi khoảng nửa tháng mới được tưới nước”.
Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi từ các nhà vườn chuyên trồng quýt đường ở Đồng Tháp, anh đã thành công với loại cây rất khó trồng này. Từ đây, mô hình trồng quýt đường của anh trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế vườn ở địa phương. Anh Nguyễn Văn Mười ở ấp Trường Thọ, cho biết: “Anh Thanh là nông dân cần cù, có chí sáng tạo, ham học hỏi. Anh Thanh cũng nhiệt tình với bà con, từ khi mô hình thành công, ai cần kỹ thuật hay những bí quyết gì để trồng quýt đường thì anh đều hướng dẫn tận tình. Ở Trường Xuân chủ yếu làm nghề nông, nhiều thanh niên khác cũng có hướng học hỏi theo mô hình này rất nhiều”.
Sau 2 năm chăm sóc, tháng 12-2017, quýt đường cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng 40 tấn trái. Với giá bán từ 17 đến 25 ngàn đồng/kg, anh đã thu hồi vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng chỉ sau vài tháng thu hoạch.
Theo anh Thanh, trồng quýt đường chi phí đầu tư rất lớn, bình quân 80 triệu đồng mỗi công từ thời điểm trồng đến khi thu hoạch. Sau đó, chi phí này sẽ giảm dần còn 30 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với giá bán khá cao và thị trường tiêu thụ luôn ổn định thì đây là loại cây trồng mang lại lợi nhuận cao cho nhà nông, từ 70 đến 80 triệu đồng/công/năm.
Với hiệu quả như thế, địa phương đang có kế hoạch mở rộng mô hình trong tương lai. “Trong thời gian qua, mô hình trồng quýt đường của anh Thanh phát triển rất tốt, đem lại kinh tế cao cho gia đình. Từ đó, Hội Nông dân xã phối hợp với cán bộ khuyến nông và Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức những buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân và phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ vốn cho bà con để nhân rộng mô hình này, góp phần giữ vững các tiêu chí của xã nông thôn mới” - bà Lâm Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, cho biết.
QUỐC TRẤN/baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;