Ông Trịnh Văn Chung-chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã An Khê, Chủ nhiệm dự án, cho hay: Tại An Khê, cây cà chua thường được bà con trồng chủ yếu vào chính vụ Đông Xuân với diện tích khoảng 100 ha/năm, năng suất bình quân 35-40 tấn/ha cho sản lượng từ 3.500 đến 4.000 tấn. Tuy nhiên, thời điểm ấy giá rau nói chung và giá cà chua nói riêng thường rất thấp dẫn đến tổng thu nhập trên một trên một đơn vị diện tích trồng cà chua không cao. Mặc khác, dù biết giá trị cà chua thương phẩm trái vụ cao gấp 2-3 lần lúc chính vụ nhưng nhiều nông dân vẫn dè dặt xuống giống vì thời tiết, khí hậu không phù hợp, cà chua dễ bị sâu bệnh và sản lượng đạt thấp.
Cà chua ghép lên gốc cà tím có sức đề kháng cao. Ảnh: Hồng Thi |
Trước thực tế đó, dưới sự chủ trì của UBND thị xã An Khê, Phòng Kinh tế đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã cùng Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống và trình diễn cà chua ghép lên gốc cà tím” nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng chống bệnh của cây cà chua; tạo ra sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập trên một đơn vị diện tích cho người trồng rau ở địa phương. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 514 triệu đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh là 240 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp.
Trong vụ mùa 2016, 5 hộ dân đã được lựa chọn để thực hiện thí điểm mô hình trồng thâm canh cà chua ghép theo tiêu chuẩn VietGap trên diện tích 5.000 m2 thuộc các phường: An Tân, An Phú, Ngô Mây và xã Song An. 1 hộ dân khác có kinh nghiệm ươm trong việc giống sản xuất hoa, rau tại phường An Bình cũng được chọn để sản xuất 45.000 cây giống cà chua Savior ghép lên gốc cà tím EG203 (tính riêng vụ Mùa là 15.000 cây giống) cung ứng tại chỗ cho người trồng. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón hóa học các loại, vôi, thuốc bảo vệ thực vật. Riêng hộ sản xuất giống được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất, ghép cây giống; một phần vật tư xây dựng nhà kính sản xuất cây giống; 100% hạt giống gốc ghép và ngọn ghép; 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và dụng cụ sản xuất giống.
Muốn cây giống sau ghép sống phải chăm sóc thật kỹ, tưới nước thường xuyên. Ảnh: Hồng Thi |
Trong quá trình triển khai, phòng Kinh tế thị xã đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật ghép giống cây cà chua cho 5 hộ dân; tập huấn kỹ thuật sản xuất cà chua ghép thương phẩm cho 40 lượt nông dân; đồng thời tổ chức đoàn đi tham quan, học tập mô hình sản xuất giống cà chua ghép tại tỉnh Lâm Đồng…
Ông Lương Văn Phụng (tổ dân phố 5, phường An Phú, thị xã An Khê)-một trong những hộ dân tham gia trồng cà chua ghép lên gốc cà tím trái vụ-phấn khởi cho biết: “Vụ Mùa năm ngoái gia đình tôi tham gia trồng cà chua theo dự án trên diện tích 1 sào. Khoảng 1 tháng sau khi trồng thì cây bắt đầu cho hoa và đậu trái. Dù thời điểm đó mưa rất nhiều nhưng cây vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường chứ không chết úng hay bị sâu bệnh, thậm chí còn cho quả rất sai. Tính đến cuối vụ nhà tôi thu được tổng cộng 7,2 tấn cà chua xanh, với giá bán từ 12.000-14.000 đồng/kg, chúng tôi có 83 triệu đồng. Trồng giống cà chua ghép này, tôi thấy thật sự có hiệu quả cao nên tiếp tục trồng thêm 1 sào nữa trong năm nay”.
Sau hiệu quả rõ rệt ở vụ Mùa, mô hình được tiếp tục được thực hiện trong vụ Đông Xuân 2016-2017. Ảnh: Hồng Thi |
Tiếp nối thành công ở vụ mùa, hiện tại, dự án đang được tiếp tục triển khai ở vụ Đông Xuân 2016-2017 với sự tham gia của 10 hộ dân thuộc tại các phường: An Bình, An Phú, An Tân và Ngô Mây (diện tích 1 sào/hộ). “Thấy người ta trồng hiệu quả nên tôi cũng đăng ký tham gia trồng thử. Đúng là cây cà chua khi ghép lên gốc cà tím trồng rất tốt, sức đề kháng cao, đậu quả nhiều. Hiện cà chua của tôi đã cho thu hoạch rộ với khoảng 2 tạ/ngày. Vì nay là chính vụ nên giá thấp hơn vụ Mùa, chỉ được 4.000 đồng/kg. Tuy vậy nông dân chúng tôi vẫn có lời vì năng suất cà đạt cao”-bà Phạm Thị Châu Long (tổ dân phố 5, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) vui vẻ nói.
Có thể thấy, ngoài việc cà chua đạt năng suất và được giá, chính nguồn giống ghép được cung ứng tại chỗ cũng góp phần giúp người dân giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập. “Sau khi được Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội chuyển giao kỹ thuật ghép giống cà chua lên gốc cà tím, chúng tôi đã sản xuất được 15.000 cây giống cung ứng cho 5 hộ tham gia trong vụ Mùa và tiếp sau đó là 30.000 cây cho vụ Đông Xuân hiện nay. Khó nhất là công đoạn sau ghép, muốn cây sống được phải chăm sóc rất kỹ, tưới nước thường xuyên, đặc biệt phải duy trì độ ẩm ở mức cho phép, không quá ngưỡng 26 độ. Mỗi cây giống ghép 20 ngày tuổi, chúng tôi bán ra với giá 1.250 đồng, rẻ hơn 15-30% so với cây giống nhập về từ Hà Nội, Đà Lạt…”-ông Nguyễn Hoàng Việt (tổ dân phố 2, phường An Bình, thị xã An Khê)-hộ đảm trách việc sản xuất giống cà chua ghép, chia sẻ.
Theo Hồng Thi/ Báo Gia Lai
Ông Nguyễn Công Tuấn-Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Khê: “Cây cà chua ghép lên gốc cà tím trồng được quanh năm, chất lượng quả tốt, đặc biệt tránh được bệnh héo rũ, thối rễ và có khả năng chịu ngập úng trong thời gian 1-2 ngày. Năng suất đạt bình quân hơn 54 tấn/ha, cao 2-3 lần so với cà chua bình thường”. Phương án phát triển của dự án sau khi kết thúc: Nhân rộng mô hình sản xuất cây giống cà chua bằng kỹ thuật ghép để cung cấp cây giống trong và ngoài thị xã; phát triển vùng trồng cà chua ghép chuyên canh tại An Khê; đưa sản phẩm cà chua ghép tới gần hơn với người tiêu dùng cả nước thông qua nhiều nhiều kênh phân phối như: siêu thị, bán buôn ra các thị trường, phục phụ chế biến… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã