Vạn sự khởi đầu nan
Lau vội những giọt mồ hôi trên trán sau chặng đường dài lái xe và đảo một vòng quanh khu nuôi, Hoàng Diện nhớ lại: “Là một trong những người đầu tiên đi thuê ao đìa nuôi ốc hương, cách đây cỡ chục năm, khi tôi hỏi thuê ao nhiều người nhất quyết không cho vì lúc ấy ốc hương - cái tên nghe còn lạ lẫm lắm. Tôi tự tin mình là một trong những người đầu tiên của dải đất miền Trung này nuôi ốc hương trong ao đất. Thời điểm ấy, nhiều người ngỡ tôi bị điên. Tôi “chiêu tập” được mấy kỹ sư của tôi rất giỏi nhưng rồi cũng bỏ tôi đi vì nghĩ mình khùng. Có người còn hỏi thẳng: Tại sao không ra biển nuôi cho nhanh lớn mà lại phải nuôi trong ao đất làm gì, họ nghĩ thế đấy!”.
Theo Hoàng Diện, cái hay của con ốc hương là với những ao đìa nuôi tôm không hiệu quả, dịch bệnh thì con ốc hương là loài thay thế phù hợp vì nó chống chịu với biến đổi thời tiết, với nắng nóng tốt hơn con tôm. Lợi nhất là ao nuôi ốc hương là ao thấp triều, lấy nước vào ra dễ dàng. Nói thế để thấy, đầu tư cho ốc hương không “phức tạp” và tốn kém như nuôi tôm, rủi ro ít hơn.
Hoàng Diện - Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Thủy sản Khánh Hòa - Ảnh: Ngọc Thọ
Anh chia sẻ, khâu nuôi là vậy thì khâu thu hoạch cũng mất công không kém. Trước đây, để thu hoạch 1-2 tấn ốc phải cần tới trên 50 công nhân hì hục dùng tay bắt ốc ròng rã 12 giờ đồng hồ liền, rất tốn kém. Từ khi mày mò, nghiên cứu ra máy thu hoạch ốc, giờ chỉ cần vài người là có thể thu hoạch được tới 2 tấn ốc mà lại chẳng phải phụ thuộc mưa nắng, chất lượng ốc thu hoạch cũng sạch sẽ và chất lượng hơn.
“Rồi ngay như chỉ vấn đề thức ăn cho ốc thôi, ốc hương ăn cá tươi, với quy mô nuôi như hiện tại, mỗi ngày tôi phải nhập tới 2 tấn cá tươi làm thức ăn cho ốc. Làm sao giữ cho cá lạnh và tươi đã là cả vấn đề vì cá mà không tươi, vứt xuống cho ốc ăn sẽ ô nhiễm môi trường nước rất nhanh, sinh dịch bệnh” – Anh chia sẻ.
Có lẽ được hỏi đúng “chỗ ngứa” là niềm đam mê sáng chế và phát minh từ thời trai trẻ nên Hoàng Diện hào hứng: Từ đầu năm 2015 tới nay, khi thả nuôi, ốc chậm lớn hơn hẳn, có khi phải tới 7-8 tháng mới thu hoạch được. Tôi lại mày mò cải tiến máy thu hoạch thêm chức năng sàng lọc ra ốc theo kích cỡ. Với những con size đã đủ thu hoạch và bán thì bắt lên còn với những con kích cỡ còn nhỏ thì lại thả xuống và nuôi tiếp. “Cái này hiệu quả lắm nhé!” - Anh cười, khoe.
Khi tôi hỏi anh rằng: “Giờ những chiếc máy này về đâu?” - “Đi khắp cả nước rồi, chỗ nào nuôi ốc hương quy mô thì chỗ ấy có máy thu hoạch nhưng toàn hàng nhái thôi”. “Đứa con tinh thần của mình bị làm nhái thì anh vui hay buồn?” - tôi hỏi. Thấy Hoàng Diện khẽ cười và bảo: “Buồn vì dù đã đăng ký bằng sáng chế, bản quyền thế nhưng tới thời điểm này, máy bị nhái rất nhiều. Vui vì với những người nông dân chưa đủ điều kiện dùng máy của chính mình sản xuất mà phải dùng hàng nhái thì cũng giúp họ tiết kiệm được chi phí, làm lợi cho việc nuôi ốc hương nhiều hơn”.
Cơ ngơi rộng 25 ha mặt nước nuôi ốc hương của Hoàng Diện - Ảnh: Ngọc Thọ
Hỏi thật anh về chi phí và đưa ra so sánh giữa lợi ích thu được khi nuôi tôm với nuôi ốc, Hoàng Diện quả quyết: “Nuôi ốc hương lãi hơn nuôi tôm chứ, không vất vả, lo lắng quá nhiều như nuôi tôm. Giá thành sản xuất 1kg ốc hương rơi vào cỡ 80.000-120.000đồng/kg. Với giá bán hiện tại, có thể lãi tới gần 80.000 đồng/kg. Nhưng trên lý thuyết tính toán là vậy, còn thực tế, khi nuôi, tỷ lệ sống đâu có đạt 100% đâu. Suy từ cá nhân mình ra, thả nuôi 1,2 triệu con mà chỉ còn 1 triệu con sống, thu hoạch được 7 tấn. Vụ nuôi đầu 2014 là lãi nhất, tôi thả 70 vạn con mà xuất tới 6 tấn ốc lận, 4 tháng đã cho thu hoạch, sướng đến rơi cả nước mắt. Nói chung, nuôi ốc lãi hơn nuôi tôm” - Hoàng Diện khẽ tủm tỉm cười.
Anh khẳng định: Giá cả không lo lắm, vì với con ốc hương giá khá ổn định; theo dõi chu kỳ mấy năm lại đây thì giá thấp nhất là 140.000 đồng/kg; năm 2014, giá ốc thương phẩm ổn định nhất xoay quanh quãng 180.000-190.000 đồng/kg. Dự kiến từ nay tới cuối năm giá sẽ ổn định xoay quanh mức này.
Gian nan không hề nản
Theo Hoàng Diện, khó khăn nhất với con ốc hương chính là đầu ra đang phụ thuộc vào 1 thị trường. Theo tính toán của anh, thị trường nội địa mới tiêu thụ được 10% sản lượng ốc thành phẩm, 90% vẫn là xuất sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số bệnh trên ốc hương chưa có thuốc đặc trị. Một số trại nuôi nuôi đi nuôi lại ốc bố mẹ khiến ốc giống ngày càng kém chất lượng đi. Cũng theo ông Diện, môi trường nuôi ốc ngày một kém.
Được giá và ổn định, nhưng nuôi ốc hương không phải là không có những lo ngại. Hoàng Diện nói, mỗi năm, năng lực sản xuất ốc thương phẩm ra thị trường của Công ty anh cỡ trên 100 tấn. Thị trường cung cấp chủ yếu vẫn là các bạn hàng từ Trung Quốc. Tiêu thụ ốc hương của Việt Nam không nhiều có lẽ một phần cũng do giá cả còn đắt đỏ, ốc hương dường như là mặt hàng có phần “xa xỉ” với đại bộ phận người dân. Hiện ốc hương đang phụ thuộc vào một thị trường, lỡ mai họ không nhập của mình nữa thì biết như nào? Sao không lo cho được?
Ốc giống được sản xuất tại trại của Công ty CP Khoa học Công nghệ Thủy sản Khánh Hòa - Ảnh: Ngọc Thọ
Nói về tiềm năng với con ốc hương, ông Diện cho hay, nếu như trước đây mỗi ngày nhu cầu thị trường nội địa chỉ cỡ nửa tấn là cùng là may thì nay mỗi ngày cũng phải tiêu thụ cả chục tấn chứ không phải là ít. “Tiềm năng rất lớn nhưng muốn biến nó thành hiện thực và khai thác hết được thì cần phải quy hoạch giống như con tôm” - Anh trăn trở.
Hỏi anh về những chiến lược phát triển trong thời gian tới, Hoàng Diện cho hay: Muốn làm “chắc” con ốc này thì buộc phải đầu tư tăng cường kỹ thuật, trang bị thêm máy móc, cải tiến tổ chức sản xuất, thức ăn hợp lý, vệ sinh đúng cách và khắc phục được những biến đổi, bất cập từ môi trường.
“Bấy lâu nay tôi cũng mong có một sân chơi cho những người đam mê con ốc hương, có thể thành lập một Hiệp hội ốc hương chẳng hạn, như vậy thì quá tuyệt vời, hiệp hội ra đời sẽ là điểm tựa về kỹ thuật, giúp xúc tiến thị trường, tìm đầu ra và nói lên những trăn trở, đề xuất những kiến nghị, khó khăn của người nuôi ốc hương…” - Hoàng Diện cho hay.
>> Ông Diện trầm ngâm: “Nhà nước nên đầu tư vào việc nghiên cứu thuốc trị bệnh cho loài ốc hương. Con ốc hương tiềm năng lắm, mỗi năm đem về doanh thu cả nghìn tỷ đồng nhưng còn thiếu lắm sự quan tâm…”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;