Con đường dẫn vào trang trại nuôi lợn của gia đình anh Vũ Hoàng Lân, xã An Hòa, huyện Tam Dương được phủ trắng vôi bột, các phương tiện vào khu vực chăn nuôi đều được phun thuốc khử trùng. Để “thâm nhập” vào khu chuồng nuôi, ngoài mặc bộ quần áo bảo hộ, đeo ủng, chúng tôi còn phải qua phòng diệt khuẩn. Bên trong khu chuồng nuôi, hệ thống đèn điện và quạt điều hòa không khí hoạt động 24/24 giờ, duy trì ánh sáng, không khí thông thoáng cùng nhiệt độ ổn định suốt bốn mùa.
Anh Lân cho biết, 4 dãy chuồng nuôi được thiết kế và phân khu riêng biệt, hằng ngày đều được công nhân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Trước mỗi chuồng nuôi đều có hố khử trùng; bảng theo dõi sức khỏe, chế độ ăn đàn lợn. Thức ăn, thuốc thú y, vật tư chăn nuôi được trung chuyển tại kho cách ly có sát trùng và sát khuẩn theo tiêu chuẩn. Về nguồn giống, trang trại tự chủ nguồn giống và áp dụng quy trình phối giống chặt chẽ.
Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trước “cơn bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình anh Lân thực hiện nghiêm ngặt việc giám sát các khâu: Diệt côn trùng, chuột, ruồi, muỗi. Lợn vận chuyển từ trại ra ngoài xuất bán được sử dụng xe chuyên dụng trung chuyển tới vị trí quy định. Giao dịch thường qua điện thoại, hạn chế giao dịch trực tiếp giữa khách hàng và người ngoài trang trại chăn nuôi. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin theo quy định; bổ sung khoáng chất dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Nhờ vậy, trang trại lợn của anh luôn “âm tính” với dịch bệnh. Đặc biệt, tháng 3/2020, với việc xuất chuồng 15 tấn lợn hơi với giá 82-84 nghìn đồng/kg, anh thu hơn 1,2 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập mơ ước của nhiều người dân trong bối cảnh tác động của Covid-19.
Tại xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô- một trong 7 địa phương không xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm này, anh Nguyễn Văn Thịnh, nhân viên thú y xã cho biết: Toàn xã có gần 400 hộ chăn nuôi lợn với gần 4.000 con. Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch như thành lập Ban chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền; tổ chức ký cam kết đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn và các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ lợn; phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho người dân. Việc thành lập các chốt kiểm soát dịch đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, đàn lợn của xã phát triển tốt, góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Chăn nuôi an toàn sinh học và sản xuất theo chuỗi an toàn là “vũ khí” bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, giảm dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy, sau 1 năm bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, các trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đúng cách, nghiêm ngặt thì đàn lợn vẫn khỏe, sinh trưởng phát triển tốt. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã được kiểm soát, các hộ đang tích cực tái đàn, tập trung đầu tư phát triển sản xuất bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Để phát triển chăn nuôi trở thành ngành hàng sản xuất hàng hóa chính trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức, cơ cấu lại sản xuất ngành chăn nuôi gắn với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học để người dân nắm rõ quy trình kỹ thuật từ việc cách ly, kiểm soát ra, vào đến việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ vắc xin, kể cả việc ghi sổ sách, quản lý, lưu trữ hồ sơ trong quá trình chăn nuôi; hỗ trợ áp dụng và thực hiện các quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Quản lý chặt chẽ về giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tăng dần quy mô, chuyển sang phương thức nuôi quy mô lớn, công nghiệp, bán công nghiệp; xây dựng mô hình chăn nuôi theo chuỗi để sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Mai Liên
Nguồn tin: vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã