Học tập đạo đức HCM

Lạng Sơn: Tạo điều kiện cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển

Chủ nhật - 26/04/2020 05:20
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn phát triển.
vệ-sinh-chuồng-trại-chăn-nuôi-lợn-tại-htx-an-hồng.jpg
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn tại HTX An Hồng. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Gỡ khó cho HTX

Tháng 11/2019, trang trại chăn nuôi lợn của HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn đi vào hoạt động với quy mô 200 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt. Mặc dù đã chủ động, song do mới đi vào hoạt động, HTX gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến vốn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sản phẩm an toàn… Bà Lưu Thu Hiền, Giám đốc HTX cho biết: Những khó khăn, vướng mắc của HTX được chuyển đến cơ quan chuyên môn. Ngay sau đó, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND thành phố Lạng Sơn… đã trực tiếp trao đổi, làm việc với HTX để tháo gỡ. Đến nay, các nội dung kiến nghị của HTX đã và đang được cơ quan chuyên môn giải quyết. Trong đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp trong một vài ngày tới, từ đó, HTX sẽ có đủ thủ tục tiếp cận được nguồn vốn từ Liên minh HTX Việt Nam, giúp HTX có thêm điều kiện để tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tương tự, HTX Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển Lạng Sơn, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn (đơn vị tiếp nhận dự án sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cuối năm 2019) cũng gặp khó khăn, lúng túng trong thời gian đầu triển khai sản xuất kinh doanh. Bà Lý Bích Linh, Giám đốc HTX cho biết: Mới đi vào sản xuất nên HTX còn khá lúng túng trong việc lựa chọn cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế. Ngay khi nắm bắt được khó khăn đó của HTX, UBND thành phố Lạng Sơn và cơ quan chuyên môn đã trực tiếp xuống làm việc để bàn giải pháp, hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh chi tiết, phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan hướng dẫn HTX quy trình, thủ tục tăng cường cán bộ kỹ thuật và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh cho HTX (dự kiến 4 tỷ đồng, trong đó, nhà nước hỗ trợ khoảng 70%). 

chăm-sóc-dâu-tây-tại-htx-nông-nghiệp-công-nghệ-cao-và-phát-triển-lạng-sơn.jpg
Chăm sóc dâu tây tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Cùng với 2 HTX kể trên, nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn cũng được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vươn lên phát triển. Từ sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Nổi bật như đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã hỗ trợ cho 30 lượt HTX vay vốn với số tiền 6,5 tỷ đồng; năm 2018 hỗ trợ đưa 10 trí thức trẻ về làm việc tại các HTX; tổ chức trung bình 10-15 lớp tuyên truyền, tập huấn/năm về kinh tế tập thể cho cán bộ quản lý, thành viên HTX cũng như các sáng lập viên; hỗ trợ các HTX tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại tại các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh; tổ chức các đoàn kiểm tra trực tiếp tại HTX để nắm bắt tình hình cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở…

Gần đây nhất, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Liên minh HTX nhanh chóng có giải pháp để nắm bắt thông tin, qua đó có những tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Ngay trong tháng 4/2020, Liên minh HTX tỉnh đã giao cán bộ chuyên môn nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX trong bối cảnh dịch bệnh. Qua nắm sơ bộ, toàn tỉnh có 173 HTX nông – lâm nghiệp, thủy sản đang hoạt động thì có đến khoảng 70 – 80% số HTX bị ảnh hưởng. Trước những ảnh hưởng như vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, Ban Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh sẽ rà soát, đánh giá để thực hiện gia hạn nợ theo quy định…

Vai trò 'bà đỡ' trong xây dựng NTM

Tính đến thời điểm hiện tại, một số hộ dân ở xã Cai Kinh (huyện Hữu Lũng) đang hoàn thành nốt việc thu hoạch khoai tây. Hầu hết người trồng khoai tây ở đây đều tham gia vào HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông – lâm nghiệp xã Cai Kinh. Theo ông Trần Ngọc Oánh - Giám đốc HTX, trong vụ khoai này, 49 thành viên của HTX tham gia trồng 10ha, đã thu hoạch hơn 90%. Đối với giá khoai tây trắng vẫn duy trì được mức giá 6.700 đồng/kg như mọi năm, còn khoai tây vàng có giá cao hơn. Trừ hết chi phí, người dân thu lãi 1,7-2 triệu đồng/sào khoai tây. Nhìn vào đây có thể thấy được vai trò "bà đỡ" rõ nét của HTX khi không chỉ giúp đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần giúp xã Cai Kinh hoàn thành tiêu chí số 13, qua đó hết năm 2019, xã Cai Kinh đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Sự ra đời và đi vào hoạt động của HTX Thiên Phú (xã Cường Lợi, huyện Đình Lập) cũng tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển sản xuất cho nhiều hộ dân trong xã. Bà Hoàng Thị Hùng, Giám đốc HTX cho biết, từ xưa đến nay, kinh tế của nhiều hộ dân trong xã Cường Lợi chủ yếu đến từ việc khai thác nhựa thông nhưng đầu ra tiêu thụ không đều dẫn đến thu nhập của bà con khá bấp bênh. Thấu hiểu được những khó khăn này, để giúp đỡ bà con trong xã, HTX Thiên Phú đã tìm kiếm thị trường và tổ chức thu mua với giá bằng hoặc có thời điểm cao hơn giá thị trường. Hiện nay, HTX bao tiêu sản phẩm nhựa thông cho bà con thôn Quang Hòa, thôn Nà Van với diện tích khoảng 500 ha. Đặc biệt, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năm 2017, HTX đã trồng hơn 100 ha thông tại thôn Quang Hòa, tạo việc làm mùa vụ cho khoảng 200 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trên địa bàn xã Cường Lợi. 

người-dân-huyện-đình-lập-khai-thác-nhựa-thông.jpg
Người dân huyện Đình Lập khai thác nhựa thông. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Tại một cuộc kiểm tra thực tế, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các HTX trong việc triển khai các mô hình sản xuất. Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn còn trước mắt, ông Thiệu yêu cầu các HTX nêu cao hơn tính chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Thúc đẩy liên kết trong tiêu thụ nông sản      

người-dân-xã-tân-tiến-thu-hoạch-thạch-đen.jpg
Người dân xã Tân Tiến thu hoạch thạch đen. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Tới nay, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Tràng Định cơ bản đã hình thành vùng trồng tập trung như: cây quế, cây hồi, cây thạch đen,... Để nâng cao giá trị cây chủ lực, thời gian qua, huyện Tràng Định đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường với các đối tác trong và ngoài nước. UBND huyện tạo điều kiện cho Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Đức Quý đầu tư nhà máy sơ chế thạch tại thôn Khuổi Só, xã Kim Đồng. Theo đó, công ty ký kết bao tiêu thạch đen cho người dân, cho các HTX; hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch thạch đảm bảo sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Hướng Thị Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân mở rộng diện tích các cây trồng, nhất là diện tích sản xuất hữu cơ; áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đồng thời, tiếp tục liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. 

công-nhân-công-ty-tnhh-mtv-nông-nghiệp-vigia-phân-loại-khoai-tây.jpg
Công nhân Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Vigia phân loại khoai tây. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Lộc Bình là một trong những huyện trồng khoai tây lớn trong tỉnh, với diện tích trên 120 ha. Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực tế những năm trước đây, việc tiêu thụ khoai tây trên địa bàn không ổn định, chủ yếu người dân bán cho tư thương, không có đơn vị doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, giá bán lên xuống không ổn định, người dân thường bị tư thương mua với giá thấp. Hiện nay, vấn đề liên kết sản xuất đã hình thành nên việc thu mua khoai tây cho người dân đã ổn định góp phần đưa hiệu quả sản xuất được nâng cao.

Vụ khoai tây năm 2020, các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hữu Khánh (xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình) phấn khởi vì không phải lo khâu tiêu thụ như những năm trước đây bởi HTX liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Vigia. Theo đó, công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho thành viên HTX.

Ông Vi Văn Lực, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, khi chưa liên kết với công ty, việc trồng khoai tây gặp khó khăn không chỉ về khâu tiêu thụ, giá cả bấp bệnh, bị tư thương ép giá,… mà về khâu chọn giống để trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng còn hạn chế.

Chính sách hỗ trợ cho hoạt động của HTX nông nghiệp 

UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo thành lập mới và hỗ trợ HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả (Công văn số 373/UBND-KTN ngày 14/04/2020).

Theo đó, các sở, ngành tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường công tác quản lý Nhà nước; hỗ trợ tiếp cận chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai tích cực các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã. UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện tích cực, quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ phát triển hợp tác xã; rà soát, đánh giá phân loại hợp tác xã; nhu cầu đăng ký thành lập mới hợp tác xã tại địa phương; lồng ghép, bố trí nguồn lực để triển khai, hỗ trợ các hợp tác xã.

Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia xây dựng, nhân  rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp. 

Với sự quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ của các cấp các ngành, thời gian tới, HTX nông nghiệp sẽ được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn, đưa kinh tế HTX của Lạng Sơn không ngừng phát triển.

 Đình Hợi (tổng hợp) 

Nguồn tin: Kinh tê nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập87
  • Hôm nay30,375
  • Tháng hiện tại297,998
  • Tổng lượt truy cập92,675,662
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây