Học tập đạo đức HCM

Phát triển liên kết các hộ nông dân trong tổ chức HTX để sản xuất nông nghiệp bền vững

Chủ nhật - 09/08/2020 04:58
Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc phát triển HTX kiểu mới là một yêu cầu khách quan, tất yếu. Điều đó sẽ giúp tăng cao chuỗi giá trị nông sản Việt, đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, tiếp tục bứt phá phát triển theo chiều hướng hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu.
Các loại hình HTX trong ngành nông nghiệp phát triển ngày càng đa dạng


Để sản xuất nông nghiệp bền vững thì sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu. Do đó từng người dân hoặc tổ hợp tác, HTX nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế mà phải liên kết giữa các nông hộ dưới tổ chức HTX và sau đó liên kết và kết nối với các doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế và tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.
 
 
Các loại hình HTX trong ngành nông nghiệp phát triển ngày càng đa dạng như: HTX kinh doanh tổng hợp cung ứng nhiều dịch vụ; HTX chuyên ngành sản xuất, cung ứng dịch vụ gắn với chuỗi giá trị. Phần lớn các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã có nhận thức đúng về mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Từ đó, số lượng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, đang dần trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng trưởng qui mô, hiệu quả, phát triển bền vững ở khu vực nông nghiệp.
 
 
Kết quả hoạt động của HTX những năm qua đã chứng minh được vai trò tổ chức kinh tế tập thể và sự cần thiết trong liên kết sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp ổn định và bền vững. Trong gần 13.000 HTX nông nghiệp hiện nay đã có hơn 96% HTX chuyển đổi hoạt động theo qui định của Luật HTX năm 2012, trong đó khoảng 45% HTX hoạt động có hiệu quả, còn lại các HTX nông nghiệp rất cần có sự hỗ trợ, thay đổi về nâng cao năng lực quản trị, xúc tiến công nghệ và thương mại.
 
 
Tuy tỷ lệ HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị so với tổng số HTX ở các vùng kinh tế còn thấp, nhưng đang có xu hướng tăng; các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo, hỗ trợ các HTX thành lập mới và cơ cấu lại các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ…theo mô hình chuỗi giá trị. Tỷ lệ HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị so với tổng số HTX của vùng Tây Bắc 2,8% (Lào Cai 3,4%, Sơn La 7%), Bắc Trung bộ 6,3% (Thanh Hóa 8,6%, Hà Tĩnh 9,1%), Tây Nguyên 9,5% (Lâm Đồng 31,1%, Kon Tum 13,6%), Đông Nam bộ 5,3% (Bình Phước 27%, Bình Thuận 8,2%, Bà Rịa – Vũng Tàu 17%, Ninh Thuận 6,4%), Đồng bằng sông Cửu Long 7,7% (An Giang 10,8%, Bạc Liêu 35,5%, Vĩnh Long 47,8%).
 
 
Đến cuối năm 2017, cả nước có gần 1.000 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Hiệu quả, lợi ích mang lại cho thành viên tăng lên so với trước đó như: Chi phí đầu vào thấp hơn 8 - 12%, chất lượng sản phẩm cao hơn, doanh thu tăng gấp 2 lần, thu nhập của thành viên tăng 36% do chi phí đầu vào giảm, giá bán sản phẩm tăng; lan tỏa mô hình HTX kiểu mới trong cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức của cấp ủy và chính quyền địa phương, thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với HTX. Nhiều sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực nông nghiệp được sản xuất theo chuỗi giá trị ở các vùng kinh tế có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài với khối lượng lớn (lúa gạo, rau – củ - quả, mây tre đan…).
 
 
Để có thể cạnh tranh trên thị trường nông sản rất cần khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Hộ nông dân cá thể không thể làm được điều này đòi hỏi cần tạo ra sự liên kết ngang trong sản xuất nông nghiệp. Các hộ nông dân phải có được sự thống nhất cao, “hành động tập thể” để thực hiện quy trình sản xuất chung theo từng cánh đồng lớn, từng trang trại với quy mô đủ lớn hoặc vùng chăn nuôi gồm nhiều hộ nông dân với quy mô đủ lớn/hộ để có sản phẩm chăn nuôi hàng hóa. Quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và hoạt động thương mại của nông dân được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa, mẫu mã, khối lượng đóng gói…
 
 
Sự liên kết ngang của nông dân cần phải được tổ chức sao cho cung ứng đủ nguyên liệu cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây là một trong những nhân tố cơ bản giúp các HTX, doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh thành công khi sở hữu được một chuỗi cung ứng hiệu quả. Quản lý chuỗi cung ứng gắn liền với hầu như tất cả hoạt động của các đơn vị sản xuất, từ việc hoạch định và quản lý quá trình tìm nguồn hàng, thu mua, sản xuất thành phẩm từng nguyên liệu, quản lý hậu cần… đến việc phối hợp với các đối tác, nhà cung ứng, các kênh trung gian, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. Trong quá trình vận hành, khi tối ưu hóa được chuỗi cung ứng sẽ giúp HTX, doanh nghiệp tiết giảm đáng kể về mặt chi phí tài chính trong kinh doanh; đồng thời giúp cải thiện tính linh hoạt, hiệu quả thời gian và chất lượng dịch vụ.
 
 
Về hình thức liên kết ngang, nông dân phải được liên kết lại vào đơn vị kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích… Hình thành tốt được liên kết ngang với nông dân trong sản xuất chính là đã hình thành được “động lực đẩy” với dòng sản phẩm nông sản ra thị trường tới tay người tiêu dùng, là điều kiện cần của sự liên kết trong bài toán chuỗi giá trị nông sản.
 
 
Điều kiện đủ của bài toán chuỗi giá trị nông sản là phải tạo ra sự liên kết dọc từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Đây được coi là “động lực kéo” mà hoạt động cơ bản nhất là xây dựng được liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp (cả doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và chế biến, tiêu thụ đầu ra). Hình thức hợp tác, liên kết này trong sản xuất và tiêu thụ sẽ giúp tránh thông qua các khâu trung gian tạo thị trường ổn định minh bạch và tránh bị ép giá, ép cấp làm thiệt hại cho người sản xuất. Các hợp đồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu giữa người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện minh bạch, công bằng và tránh sự tranh mua, tranh bán trong phân phối thu nhập (thông qua giá) cho từng khâu trong chuỗi sản xuất.
 
 
Việc xây dựng mối liên kết dọc thực chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới, ngắn hơn, tiếp cận nhanh hơn giữa người sản xuất với HTX, doanh nghiệp. Nếu không có sự liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được lợi ích như mong muốn. Hiện tại nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trong cả nước mới dừng lại ở việc gom nông sản thô, hoặc sơ chế đóng gói. Vì thế, ngay bản thân các doanh nghiệp cũng không tiếp cận tới được người tiêu dùng thông qua thương hiệu của mình nên kinh doanh của doanh nghiệp chỉ mang tính thời vụ, không ổn định.
 
 
Để xây dựng liên kết dọc có hiệu quả, cần ưu tiên chọn các doanh nghiệp đầu tư trong chuỗi giá trị phải là những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, thu mua hoặc bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hoặc liên kết với những doanh nghiệp chứng minh được họ đã liên kết, là một phần hữu cơ của một chuỗi hàng hóa nào đó trong khía cạnh về chất lượng, thương hiệu, rủi ro…
 
 
Để thúc đẩy HTX kiểu mới phát triển nhanh, trở thành nhân tố liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp, gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Mục tiêu đưa 15.000 HTX trở thành hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp, từ đó tạo thành hệ thống đồng trục cho gần 9 triệu hộ nông dân cùng các HTX, các doanh nghiệp tạo chuỗi khép kín, như hoàn chỉnh chu trình sản xuất từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu, chế biến và xúc tiến thương mại, trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp.
 
 
Không thể thiếu vai trò của các “nhà” trong thúc đẩy HTX kiểu mới phát triển nhanh, trong đó “Nhà nước” quản lý, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất hàng hóa; tổ chức lại sản xuất dựa trên nguyên tắc gắn chặt với thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực theo hướng phát huy vai trò, thế mạnh của từng địa phương; tổ chức liên kết nông dân sản xuất hàng hóa, tạo dựng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi ngành hàng; kết nối giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông để sản xuất và tiêu thụ nông sản; đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia, đảm bảo việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng khi các bên đã ký kết.
 
 
“HTX, doanh nghiệp” là tác nhân chính trong chuỗi ngành hàng nông sản, giữ vai trò hỗ trợ đầu vào cho nhà nông, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; trực tiếp sản xuất và tiêu thụ nông sản; có khả năng sản xuất những sản phẩm mà xã hội cần; có nhu cầu sử dụng lao động, nguyên vật liệu; nắm vững kỹ thuật sản xuất, có vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp. Tùy từng điều kiện mà HTX, doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa; bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Đây là vai trò chủ yếu.
 
 
“Nhà khoa học” nghiên cứu các giống vật nuôi, cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, miền; quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch; đưa máy móc, công cụ phương tiện, giải pháp sản xuất phù hợp với từng đối tượng, từng điều kiện sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong nước và khu vực… huấn luyện, đào tạo nhà nông tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
 
 
“Nhà nông” sản xuất hàng hóa, nông sản theo yêu cầu của HTX, doanh nghiệp, thị trường.
 
 
“Ngân hàng” là một trong những tác nhân tham gia vào chuỗi nông sản với vai trò hỗ trợ ngày càng quan trọng trong việc góp phần cho sản xuất kinh doanh, làm gia tăng giá trị và hiệu quả của chuỗi giá trị. Ngân hàng tham gia vào chuỗi giá trị giúp tăng cường năng lực tài chính, góp phần vào tăng sức “đề kháng” của các tác nhân khác trong chuỗi giá trị đối với những rủi ro thị trường, rủi ro người vay, rủi ro thời tiết, dịch bệnh và đặc biệt tiết kiệm chi phí…
Theo Nguyễn Trung/hoinongdan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay16,983
  • Tháng hiện tại260,739
  • Tổng lượt truy cập90,324,132
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây