Huyện Pác Nặm khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại
Huyện Pác Nặm luôn quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương; đẩy mạnh thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh vào sản xuất tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất; đồng thời duy trì ổn định diện tích, tăng năng suất các loại cây trồng… Nhờ đó, toàn huyện đã có 154 công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố, hơn 100 công trình tạm, tổng số chiều dài của hệ thống kênh mương là 278km, trong đó có trên 128km kênh mương đã được xây dựng kiên cố…, cơ bản đáp ứng được nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 2.640ha diện tích gieo trồng hàng năm được tưới tiêu thường xuyên. Giai đoạn 2014 - 2019, từ các nguồn vốn khác nhau, Pác Nặm đã hỗ trợ các hộ dân trong diện nghèo và cận nghèo mua hơn 400 tấn phân bón, hỗ trợ trực tiếp hơn 3,7 tấn lúa; thực hiện hỗ trợ cải tạo 520ha đất trồng lúa tại 10/10 xã trên địa bàn theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; thực hiện Mô hình SRI với quy mô 240ha trên địa bàn toàn huyện… Đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện luôn tăng trưởng khá và ổn định, đảm bảo an ninh lương thực với bình quân lương thực đạt 600kg/người/năm. Nhiều mô hình trồng trọt đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, ngày càng được người dân trên địa bàn nhân rộng, điển hình như: Mô hình trồng mận chín sớm, trồng cam quýt, trồng nghệ, gừng, dong riềng…
Là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi và có một số chợ đầu mối mua bán chợ trâu, bò truyền thống như: Chợ Nghiên Loan, chợ Công Bằng…, những năm qua, chăn nuôi của Pác Nặm cũng là ngành sản xuất chính mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện và luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương coi trọng. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ hơn 5,7 tấn thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ mua trâu, bò giống sinh sản cho 1.694 hộ gia đình là hộ nghèo và cận nghèo; thực hiện 47 dự án cải tạo đàn trâu, bò sinh sản và 23 dự án vỗ béo trâu, bò… Tổng đàn trâu, bò, ngựa hàng năm của huyện duy trì khoảng 19.000 con; đàn lợn khoảng 25.000 con. Hiện Pác Nặm có trên 5.700 hộ chăn nuôi, trong đó có 47 hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo hình thức gia trại nuôi sinh sản, nuôi thương phẩm từ 10 con đến dưới 50 con; 08 hộ chăn nuôi lợn theo hình thức gia trại nuôi sinh sản từ 10 con trở lên, nuôi thịt từ 50 con trở lên... Hình thức chăn nuôi đã dần được chuyển đổi từ chăn nuôi chăn thả sang chăn nuôi vỗ béo phù hợp với điều kiện đầu tư chăm sóc của người dân, qua đó nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trên địa bàn huyện, công tác trồng, chăm sóc, phát triển rừng cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đất lâm nghiệp của Pác Nặm hiện đã được giao cho hộ gia đình quản lý, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn. Huyện cũng đã quan tâm tạo điều kiện cho những hộ dân kết hợp cùng doanh nghiệp bỏ vốn mở đường lâm nghiệp, đường sản xuất đến những khu rừng trồng đảm bảo thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ. Hiện nay, nhiều diện tích rừng trồng trong giai đoạn 2008 - 2013 trên địa bàn Pác Nặm đã đến tuổi khai thác. Tại các xã: Bằng Thành, Bộc Bố, Công Bằng, Giáo Hiệu, Xuân La… nhiều hộ gia đình thu vài trăm triệu đồng từ trồng rừng.
Để nâng cao giá trị các sản phẩm của địa phương, 3 năm trở lại đây, huyện Pác Nặm còn tích cực đẩy mạnh thực hiện Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm và bước đầu cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Hiện nay, Pác Nặm có 05 sản phẩm OCOP-BK xếp hạng 3 sao, gồm: Bún khô, thịt trâu khô gác bếp, lạp sườn, xúc xích, thịt lợn treo gác bếp. Từ nay đến cuối năm 2020, huyện tập trung hỗ trợ, phấn đấu để nâng 01 sản phẩm từ 03 sao lên 04 sao.
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song sản xuất nông nghiệp của Pác Nặm nhìn chung vẫn còn mang tính tự phát, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi chưa cao. Sản xuất còn nhỏ lẻ nên sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm sản xuất chủ yếu bán thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp và thường bị ép giá khi được mùa…
Vì vậy, thời gian tới, Pác Nặm tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với người dân; phát triển các hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch các mặt hàng nông sản cho nông dân…/.
Nguồn tin: backan.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;